Ứng dụng mã Qrcode truy xuất sản phẩm chăn nuôi: Cơ hội tiếp cận thực phẩm an toàn (19:59 20/12/2017)


HNP - Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội vừa triển khai ứng dụng mã Qrcode thực hiện minh bạch thông tin cho sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn thành phố. Theo đó, người tiêu dùng sẽ sử dụng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc và toàn bộ thông tin về sản phẩm qua quét mã Qrcode. Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận thực phẩm an toàn.

Nhu cầu cấp thiết

Qua rà soát của Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, toàn thành phố có 1.070 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó, có 6 cơ sở giết mổ công nghiệp, 17 cơ sở giết mổ bán công nghiệp còn lại 1.047 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ thủ công. Nhưng số cơ sở giết mổ được kiểm soát chỉ 116 cơ sở; lượng thịt gia súc, gia cầm được kiểm soát chiếm khoảng 55%. Trên địa bàn thành phố có 454 chợ, 135 siêu thị, 28 trung tâm thương mại; sản lượng thịt gia súc, gia cầm được tiêu thụ bình quân năm 2017 ước khoảng 324.000 tấn, tương đương 900 tấn/ngày. Số cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận GAP, VietGap là 18 cơ sở.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: đến nay, Hà Nội đã xây dựng, phát triển được 23 mô hình chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm, trong đó, có 11 chuỗi thịt lợn, 8 chuỗi gia cầm, 1 chuỗi thịt bò 1 chuỗi sữa bò tươi và 2 chuỗi tổng hợp. Các chuỗi đã thu hút được gần 3.000 hộ và gần 100 cơ sở bán hàng, doanh nghiệp tham gia. Hằng ngày, các chuỗi đã cung cấp cho thị trường khoảng 25,4 tấn thịt lợn, 0,35 tấn thịt bò, 13,3 tấn thịt gia cầm, 296 nghìn quả trứng gia cầm và 78 tấn sữa tươi. Tác nhân chăn nuôi tham gia chuỗi đều thực hiện theo quy trình chăn nuôi, đảm bảo an toàn sinh học... Sản phẩm chăn nuôi tiêu thụ 85% thông qua chợ truyền thống, còn lại 15% thông qua siêu thị, cửa hàng tiện ích, kênh Online. Đối với sản phẩm chăn nuôi tiêu thụ ngoài thị trường tới tay người tiêu dùng thì có tới 98% sản phẩm tiêu thụ không có nhãn hiệu, nguồn gốc chưa rõ ràng, không rõ nguồn gốc; 95% sản phẩm tiêu thụ ngoài thị trường không được sản xuất theo chuỗi giá trị nên việc truy xuất nguồn gốc rất khó khăn đối với cơ quan quản lý nhà nước.

Thời gian qua, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn thành phố được thực hiện theo Thông tư số 74/2011/TT-RNNPTNT ngày 31/10/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tại các tác nhân trong chuỗi, việc truy xuất nguồn gốc chủ yếu thông qua việc tài liệu hóa ở từng khâu từ chăn nuôi - tiêu thụ thông qua hợp đồng, biên bản hợp tác, quy chế quản lý chuỗi... Hồ sơ được hệ thống hóa nên việc truy xuất ngược thuận lợi, đặc biệt là tại một số chuỗi đã tự xây dựng phần mềm mã hóa sản phẩm Qrcode để quản lý dòng sản phẩm lưu thông từ sản xuất tới tiêu thụ.

Bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng

Theo kế hoạch, Trung tâm Phát triển chăn nuôi sẽ áp triển khai các giải pháp nhằm kiểm soát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, trong đó có việc ứng dụng mã Qrcode. Cụ thể, năm 2018, Trung tâm sẽ tổ chức khảo sát đánh giá, phân loại cơ sở chăn nuôi để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng nhóm liên kết chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng khung pháp chế về truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trong 3 năm (2019-2021) sẽ thiết lập hệ thống phần mềm xác thực và truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại 3 tác nhân gồm: Cơ sở chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm; tuyên truyền phổ biến về an toàn thực phẩm tới các tác nhân tham gia chuỗi và người tiêu dùng; hỗ trợ cơ sở giết mổ, sơ chế đóng gói sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bà Nguyễn Thị Mai, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân cho hay: "Người tiêu dùng Thủ đô luôn quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và những quy định, tiêu chuẩn nghiêm ngặt về quản lý chất lượng. Vì vậy, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội triển khai áp dụng mã Qrcode lên sản phẩm chăn nuôi để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là việc làm tốt trong bối cảnh hiện nay để có thể chủ động kiểm tra sản phẩm".

Theo ông Tạ Văn Tường, các dữ liệu được cập nhật thông qua hệ thống phần mềm quản lý, thông tin được mã hóa dưới dạng mã Qrcode. Đây là ứng dụng tiêu biểu trong việc hỗ trợ khách hàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi nhanh gọn, miễn phí. Các sản phẩm khi được gắn mã Qrcode sẽ tương ứng với thông tin về sản phẩm... Còn ông Trần Văn Chiến, xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây cho rằng: “Trong bối cảnh vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề báo động, việc áp dụng giải pháp Qrcode là phương pháp hữu hiệu để quản lý chặt chẽ về nguồn gốc, xuất xứ, cũng như minh bạch thông tin về sản phẩm chăn nuôi, góp phần tăng cường công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm".

Ông Tạ Văn Tường cho biết thêm, để thực hiện hiệu quả việc ứng dụng Qrcode, đồng thời, khuyến khích tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm chăn nuôi chủ động tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã đề xuất Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tham mưu UBND thành phố có chính sách hỗ trợ thiết bị, công nghệ cho cơ sở giết mổ, đóng gói sản phẩm đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm; hỗ trợ hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm và cho các tác nhân tham gia nhóm liên kết chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm vay vốn để thực hiện đồng bộ truy xuất nguồn gốc sản phẩm...


Minh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t