Mê Linh: Vốn tín dụng chính sách đã góp phần nâng cao mức sống người dân trên địa bàn (13:39 17/06/2024)


HNP - Theo Ngân hàng chính sách xã hội huyện Mê Linh, đến hết 31/5/2024, tổng dư nợ 10 chương trình tín dụng chính sách đang triển khai trên địa bàn là 624.315 triệu đồng với trên 10.000 khách hàng đang vay vốn, tăng 60.544 triệu đồng so với đầu năm, tốc độ tăng trưởng 10.9 %.

Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Mê Linh tuyên truyền, hướng dẫn người dân về hồ sơ, thủ tục vay vốn sửa chữa nhà ở


Một số xã có doanh số cho vay cao như: Tự Lập 10.470 triệu đồng, Đại Thịnh 10.340 triệu đồng, Thạch Đà 9.420 triệu đồng, Tiến Thịnh 9.380 triệu đồng... 
 
Trong năm, nguốn vốn đã cho vay được 2.798 lượt hộ; trong đó 1.652 lượt khách hàng vay vốn giải quyết việc làm, góp phần thu hút trên 1.600 lao động có việc làm ổn định, nguồn vốn cũng giúp cho 1.115 lượt hộ xây mới và cải tạo 2.230 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn... 
 
Dư nợ bình quân cho vay chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm duy trì và mở rộng việc làm 5 tháng đầu năm đạt: 62.4 triệu đồng/ 01 lao động.
 
Nguồn vốn đã giúp cho các đối tượng thụ hưởng có thêm vốn đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững và nâng cao mức sống người dân trên địa bàn. 
 
Các chương trình tín dụng chính sách xã hội giải ngân qua Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Mê Linh trong thời gian qua.
 
Gia đình ông Đỗ Xuân Tuấn, thôn Trung Hà, xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh đầu tư máy móc hiện đại sản xuất bánh đa nem từ nguồn vốn tín dụng chính sách
 
Điển hình tại xã Chu Phan, từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, nhiều hộ dân tại các thôn đã đẩy mạnh đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, phát triển dịch vụ, tạo việc làm và nâng cao thu nhập. Ðầu tư xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh; các em học sinh, sinh viên có thêm một phần kinh phí từ nguồn vốn vay để trang trải học phí tiếp tục theo học các trường đào tạo nghề, các trường cao đẳng và đại học.
 
Trước kia, nhiều hộ gia đình tại xã Chu Phan phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng hoặc nước bị ô nhiễm do đa phần người dân phải tự đào, khoan giếng để sử dụng. Đến nay, hơn 85% hộ dân trên địa bàn xã được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh, bà con hộ vay ai cũng phấn khởi. Nhiều hộ gia đình đã đầu tư chăn nuôi, mở rộng sản xuất như nuôi bò sinh sản, trồng cây ăn trái, kinh doanh dịch vụ...
 
Chính nhờ nguồn vốn vay ưu đãi đã tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi, tăng thu nhập, từ đó góp phần tăng tích lũy để tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại địa phương, xây dựng nông thôn mới nâng cao.
 
Người dân xã Chu Phan nhận vốn tín dụng chính sách để mở rộng sản xuất
 
Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội huyện Mê Linh Nguyễn Xuân Phong cho biết: Để có được kết quả trên, ngay từ đầu năm 2024, đơn vị đã phối hợp kịp thời với Văn phòng Huyện ủy - UBND huyện, các phòng ban liên quan của huyện tiếp tục tham mưu Huyện ủy, UBND huyện, Ban đại diện ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách và các hoạt động liên quan (nhiệm vụ định kỳ hoặc nhiệm vụ đột suất đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ trên quy định). 
 
Cùng với đó, phối hợp với Trung tâm văn hóa huyện, Hội đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn tham mưu triển khai công tác thông tin tuyên truyền tập trung vào các chính sách mới trong từng quý và kết quả thực hiện các mặt công tác ủy thác tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Mê Linh.
 
Tham mưu Ban đại diện huyện thực hiện triển khai Nghị quyết của Hội đồng quản trị, các văn bản chỉ đạo của Tổng giám đốc Ngân hàng chính sách, Nghị quyết của ban đại diện Hội đồng quản trị Thành phố; chỉ đạo của chính quyền địa phương. 
 
Ngân hàng chính sách xã hội huyện Mê Linh cũng đã triển khai tuyên truyền và phối hợp Công an các xã, thị trấn rà soát nhu cầu để cho vay các đối tượng đã chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định 22/2024/QĐ-TTg ngày 17/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường công tác phối hợp giữa NHCSXH huyện với Chính quyền các xã, thị trấn trong việc triển khai thực hiện các hoạt động tín dụng ưu đãi trên địa bàn, kết quả đạt và hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch được giao.
 
Tập huấn nghiệp vụ tín dụng chính sách năm 2024 cho cán bộ Hội đoàn thể nhận ủy thác tại xã Chu Phan, huyện Mê Linh
 
Về phương hướng, nhiệm vụ những tháng tiếp theo năm 2024, Ngân hàng chính sách xã hội huyện Mê Linh tiếp tục kịp thời tham mưu UBND các cấp phân bổ chỉ tiêu kế hoạch tín dụng sát với nhu cầu của từng đơn vị cơ sở, phấn đấu hoàn thành 100% các chỉ tiêu tín dụng được giao. Tổ chức, phối hợp triển khai tốt công tác trực giao dịch tại cấp xã định kỳ hàng tháng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ ủy thác.
 
Để nâng cao hiệu quả chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hành chính sách xã hội huyện Mê Linh đề nghị Ban đại diện Ngân hàng chính sách xã hội Thành phố phân bổ tăng nguồn vốn vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm duy trì và mở rộng việc làm đối với huyện Mê Linh, đáp ứng nhu cầu thiếu vốn sản xuất kinh doanh của người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
 
Đối với Huyện ủy - HĐND - UBND huyện, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hành chính sách xã hội huyện Mê Linh cũng đề nghị quan tâm tiếp tục dành nguồn lực chuyển vốn ủy thác đầu tư sang Ngân hàng chính sách xã hội huyện để bổ sung cho vay các đối tượng thụ hưởng. Quan tâm chỉ đạo các cấp các ngành phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai tốt mọi mặt hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.

Phạm Linh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t