Giải pháp ứng phó lũ rừng ngang (20:52 18/09/2018)


HNP - Lũ rừng ngang là nguyên nhân gây ngập lụt tại một số xã trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Đáng ngại, mức độ ảnh hưởng năm sau nghiêm trọng hơn năm trước. Giải pháp ứng phó với lũ rừng ngang trên địa bàn huyện Chương Mỹ là vấn đề đặt ra cấp thiết hiện nay.

Chịu ảnh hưởng từ lũ thượng nguồn

Từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn huyện Chương Mỹ liên tiếp hứng chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang, gây thiệt hại lớn về tài sản. Mức độ thiệt hại do mưa lũ gây ra có xu hướng năm sau nghiêm trọng hơn năm trước. Theo tính toán, hoàn lưu bão số 3 và lũ rừng ngang vừa qua từ tỉnh Hòa Bình dồn về đã gây thiệt hại nặng về tài sản và cơ sở hạ tầng của huyện, giá trị ước tính khoảng 278,7 tỷ đồng.

Lý giải về thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, do mật độ thảm thực vật ở thượng nguồn thuộc tỉnh Hòa Bình suy giảm nên xảy ra mưa lớn là xuất hiện lũ đổ về sông Bùi, sông Tích. Mặt khác, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan, mưa lớn kéo dài nhiều ngày khiến mực nước sông Đáy, sông Hoàng Long dâng cao. Hệ quả là việc tiêu thoát nước sông Bùi, sông Tích rất chậm, dẫn tới tình trạng ngập lụt ở huyện Chương Mỹ vừa qua.

Địa hình huyện Chương Mỹ vừa mang đặc trưng của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng và mang đặc trưng của vùng bán sơn địa nên cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ của lũ rừng ngang. Phía Bắc và Đông Bắc của huyện giáp bờ hữu sông Tích, sông Bùi. Còn phía Tây và Nam giáp huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình); phía Nam giáp huyện Mỹ Đức gồm 10 xã, thị trấn: Xuân Mai, Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Mỹ Lương, Trần Phú, Đồng Lạc, Hồng Phong. Cao độ địa hình phân bố từ dương 4m đến dương 12m, địa hình khu vực lại rất phức tạp, đất đai chia cắt bởi các khu vực đồi gò, đồng trũng nên khả năng tiêu úng khó khăn...

Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc, sông Đáy chảy qua địa phận huyện Chương Mỹ bắt nguồn từ xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ) dài 28km từ xã Phụng Châu đến ngã ba Lưu Xá, xã Hoà Chính. Lưu vực lòng sông hiện nay bị bồi lắng và nhiều rau muống nên thoát lũ chậm. Tương tự, sông Bùi bắt nguồn từ huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) chảy qua huyện Chương Mỹ dài 23km từ thị trấn Xuân Mai đến ngã ba Tiên Trượng, xã Thủy Xuân Tiên hợp lưu với sông Tích đến ngã ba Lưu Xá, xã Hòa Chính hợp lưu với sông Đáy. Ngoài ra, khu hữu Bùi còn có một số suối nhỏ chảy từ phía Tây đổ về sông Bùi như suối Cầu Tây, suối Vàng... Mực nước sông Bùi chỉ phụ thuộc vào lũ rừng ngang, lũ nội địa đổ về. Nếu mực nước tại cống Yên Duyệt, xã Tốt Động ở mức dương 7,3m, cao hơn báo động 3 là 0,3m sẽ khiến nhiều vùng ngập úng. Để đảm bảo an toàn cho sản xuất vụ mùa, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất do mưa bão gây ra, đảm bảo an toàn về người, tài sản của nhân dân, phải làm tốt công tác chuẩn bị mọi mặt ứng phó kịp thời đối với mọi tình huống thiên tai xảy ra.

Giải pháp căn cơ

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc cho biết, đê tả bùi là tuyến đê quan trọng nhất của huyện bảo vệ cho hơn 6.000ha lúa mùa thuộc 19 xã, thị trấn. Đây cũng là tuyến đê chạy dài có nhiều công trình dưới đê, hằng năm liên tục phải đối phó với lũ rừng ngang. Trên tuyến đê này có những đoạn xung yếu cần quan tâm, đơn cử: Đoạn gốc Thiều Biêu (cũ) đường vào thôn Chi Nê đoạn Tinh Mỹ bị vỡ đê năm 1958. Khi lũ sông Bùi lên cao bằng mức lũ năm 2008 tại Yên Duyệt, đê có nguy cơ tràn, vỡ.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của UBND TP Hà Nội, đã đầu tư những xử lý những sự cố sạt lở đê điều trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Tuy nhiên, việc đầu tư trên vẫn mang tính chất cấp bách, chưa đồng bộ, tổng thể vì vậy các dự án chưa phát huy được hết hiệu quả và mục tiêu của dự án đề ra. Đáng ngại, do tình hình mưa lũ bất thường xảy ra liên tiếp những năm gần đây, gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều trên địa bàn huyện. UBND huyện Chương Mỹ đã đề xuất, trước mắt, thành phố hỗ trợ kinh phí sửa chữa, nâng cấp gần 15,6km đê, 13,254km đường giao thông nông thôn, 5 công trình văn hóa, 12 trường học, 6 công trình thủy lợi… Về lâu dài, để chống lũ rừng ngang, nhiều ý kiến cho rằng, thành phố chỉ đạo huyện Chương Mỹ phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng phương án di dân đối với các xã vùng trũng: Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Thủy Xuân Tiên, đồng thời, quy hoạch lại khu dân cư, bố trí lại khu sản xuất… Còn bộ, ngành Trung ương yêu cầu địa phương liên quan phải trồng và bảo vệ diện tích rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc… Như vậy, nhân dân huyện Chương Mỹ sẽ không còn phải gồng mình để ứng cứu đê tả Bùi như những năm gần đây…


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t