Quận Hoàn Kiếm: Tập trung nguồn lực phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch (14:43 10/04/2018)


HNP - Sau 2 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/QU ngày 07/7/2016 của Quận ủy Hoàn Kiếm về “Phát huy mọi nguồn lực đẩy nhanh phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch theo hướng văn minh, hiệu quả, bền vững với trọng tâm là phát triển dịch vụ du lịch”, tốc độ tăng trưởng dịch vụ, thương mại, du lịch quận Hoàn Kiếm đã đạt mục tiêu đề ra; chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu kinh tế của quận.

Trong 2 năm qua, quận Hoàn Kiếm đã quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng thương mại. Thông qua việc huy động được nhiều nguồn lực để xây dựng theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng an toàn, chất lượng của nhân dân và du khách. Cụ thể, quận đã triển khai tích cực Đề án “Phát triển khu vực Đồng Xuân - Bắc Qua thành trung tâm dịch vụ, thương mại chất lượng cao giai đoạn 2016-2020"; hoàn thành công tác quy hoạch ngành thương mại trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, cửa hàng chuyên doanh, góp phần đa dạng hóa các hình thức bán lẻ.

Các tuyến phố kinh doanh truyền thống tiếp tục được phát huy, cơ bản đáp ứng các tiêu chí văn minh thương mại: Chất lượng tuyển phố đi bộ Hàng Đào - Hàng Giấy, chợ đêm Đồng Xuân từng bước được nâng lên; việc mở rộng không gian đi bộ sang 6 tuyến phố khu bảo tồn cấp I khu phố cổ tạo được ấn tượng và sức hút lớn của du khách; các tuyến phố chuyên doanh Đông Nam dược Lãn Ông, tơ lụa Hàng Gai, kim hoàn Hàng Bạc hình thành ngày càng rõ nét. Lượng khách du lịch tham gia vào hoạt động của tuyến phố đi bộ ước tính đạt trung bình 1,4 triệu lượt khách/năm. Lượng khách trung bình ban ngày thu hút khoảng 3.000 đến 5.000 người, buổi tối thu hút 1,5 đến 2 vạn người.

Để bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa - tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch, trong nửa đầu nhiệm kỳ, quận Hoàn Kiếm đã giải phóng mặt bằng được 59 hộ dân, 272 nhân khẩu tại 10 di tích; tu bổ, tôn tạo tổng thể, hoàn chỉnh 07 di tích với tổng kinh phí trên 91 tỷ đồng; lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng 05 di tích. Bên cạnh đó, tổ chức thành công các lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Từng bước xây dựng các sản phẩm du lịch hoàn chỉnh độc đáo, hấp dẫn, có tính chuyên nghiệp cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch quận Hoàn Kiếm: Như phố đi bộ, không gian bích họa phố Phùng Hưng (đoạn Lê Văn Linh - Hàng Cót); đồng thời, nghiên cứu triển khai dự án cải tạo, chỉnh trang 131 vòm cầu dưới cầu dẫn lên cầu Long Biên; Tổ chức thí điểm các hoạt động kinh doanh dịch vụ đến 2h sáng vào các ngày thứ 6, thứ 7, chủ nhật hàng tuần trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Doanh thu khoán bình quân một tháng trong năm 2017 của các cơ sở tham gia thí điểm tăng 55% so với năm 2016.

Đặc biệt, quận đã có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư, phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng... Tính đến nay, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã có 157 công ty lữ hành đang hoạt động; 464 khách sạn, cơ sở lưu trú với 10.846 phòng. Công suất sử dụng phòng của các cơ sở lưu trú, khách sạn trên địa bàn đạt trung bình 70 - 80%. Lượng khách du lịch quốc tế lưu trú trên địa bàn: năm 2016, đạt 1.361.000 lượt người, tăng 22,8% so với cùng kỳ; năm 2017, đạt 1.950.000 lượt người, tăng 30,2% so với cùng kỳ; quý I/2018 đạt 568.218 lượt người.

Để tạo điều kiện phát triển du lịch, quận đã làm tốt công tác huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Theo đó, đã chi giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản và sự nghiệp có tính chất đầu tư năm 2016 đạt 488,38 tỷ đồng, bằng 92% kế hoạch năm; năm 2017, đạt 436,78 tỷ đồng, bằng 95% kế hoạch năm. Các lĩnh vực được tập trung đầu tư, phát triển là văn hóa, giáo dục, y tế, hạ tầng kỹ thuật, công trình phúc lợi công công, cải tạo công sở, chỉnh trang đô thị qua đó góp phần quan trọng tạo diện mạo mới, ngày càng văn minh, hiện đại hơn cho quận.

Nửa đầu nhiệm kỳ, tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn quận ước đạt 29.922 tỷ đồng (năm 2016 đạt 14.235 tỷ đồng; năm 2017 ước đạt 15.687 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ), tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực dịch vụ, chiếm tỷ trọng 91,9% tổng vốn đầu tư.

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế, đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện đạt hiệu quả Chương trình 02-CTr/QU của Quận ủy, trong thời gian tới, quận Hoàn Kiếm nâng cao hiệu quả hoạt động của các chợ trong các trung tâm thương mại; nghiên cứu đề xuất Thành phố tổ chức chợ tại khu đất ngoài đê để tiếp nối với chợ Long Biên, quận Ba Đình; xây dựng phương án tổng thể cải tạo chung cư cũ trên địa bàn;

Triển khai thực hiện các Đề án: “Xây dựng ô phố văn hóa, dịch vụ, thương mại thủ công mỹ nghệ truyền thống, phát triển du lịch Tạm Thương - Yên Thái phát triển thương hiệu du lịch quận Hoàn Kiếm"; Không gian văn hóa tại phố Đinh Lễ - Nguyễn Xí; Chuyển đổi mục đích kinh doanh phố Hàng Hòm, tiến tới không kinh doanh sơn, hóa chất, các chất gây cháy;

Nâng cao chất lượng tuyến phố ẩm thực Tống Duy Tân; Tổ chức tốt không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận gắn với phát triển không gian đi bộ trong khu phố cổ Hà Nội; Cải tạo, chỉnh trang 131 vòm cầu dưới cầu dẫn lên cầu Long Biên theo chỉ đạo của UBND thành phố; Triển khai dự án bãi giữa, bãi ven sông Hồng trên địa bàn quận là công viên đô thị (kết hợp với hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch gắn với cảnh quan tự nhiên); đề xuất UBND thành phố cho phép mở rộng phạm vi hoạt động của các phương tiện giao thông sạch để kết nối các điểm du lịch của quận Hoàn Kiếm với các điểm du lịch của Thành phố.

Đồng thời, tập trung đầu tư, khai thác hiệu quả và phát huy thế mạnh không gian kiến trúc, giá trị lịch sử văn hóa khu phố cổ, khu phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; phát triển dịch vụ du lịch gắn với quản lý, bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ, di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến; tổ chức tốt các lễ hội truyền thống và các hoạt động văn hóa - nghệ thuật dân gian.

Tốc độ tăng trưởng dịch vụ, thương mại, du lịch: năm 2016 đạt 18,43% (ngành du lịch đạt 20,02%); năm 2017, đạt 18,21% (ngành du lịch đạt 20,32%); quý 1/2018 đạt 18,26% (ngành du lịch đạt 19,61%), bình quân giữa nhiệm kỳ đạt 18,30% (ngành du lịch đạt 20,45%).
Tỷ trọng ngành dịch vụ, thương mại, du lịch trong cơ cấu kinh tế quận: năm 2016, đạt 97,96%; năm 2017, đạt 97,98%; quý 1/2018 đạt 98,01%.

Hoàng Nam


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t