Tình hình báo chí trong tuần (Từ ngày 01/8/2015 đến ngày 07/8/2015) (21:58 15/08/2015)



Những nội dung trọng tâm:


1. Thời sự, chính trị


Hà Nội sau 7 năm mở rộng địa giới hành chính: Ngày 1/8/2015, đánh dấu 7 năm ngày Hà Nội bắt đầu thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính, mở ra những vận hội mới nhưng cũng là những thử thách mới. Sau 7 năm, có thể thấy Hà Nội hôm nay đã phát huy khá tốt những nguồn lực mới để đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài và bền vững. Từ thời điểm mở rộng địa giới hành chính, dù trong hoàn cảnh nào, Hà Nội vẫn giữ được vị trí đầu tàu với mức tăng trưởng kinh tế luôn bằng 1,5 lần trở lên so với mức tăng trưởng chung của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 5 năm gần đây ước tăng 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Bộ mặt đô thị cũng chuyển biến không ngừng với hàng loạt công trình, dự án lớn; chất lượng đô thị không ngừng được nâng lên. Hà Nội không chỉ rộng mà thực sự lớn mạnh và hiện đại. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng bằng tinh thần đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm và quyết tâm cao độ của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thủ đô, những mục tiêu đã đặt ra về xây dựng Hà Nội “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” đang tiến về đích (Kinh tế đô thị, Lao động Thủ đô, An ninh Thủ đô, 01/8).
Thông tin Đại hội Đảng các cấp tiến tới ĐH đảng bộ Hà Nội lần thứ XVI, ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng: Ngày 4/8, Đại hội đại biểu Đảng bộ quận Đống Đa lần thứ XXVII, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Thường Tín lần thứ XXIII, Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) lần thứ III đã chính thức khai mạc. Các Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ quận, huyện, tổng công ty nhiệm kỳ 2015-2020. Khai mạc Đại hội Đảng bộ quận Đống Đa lần thứ XXVII; Đảng bộ Tổng công ty Thương mại Hà Nội: Giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo (Hà Nội mới, 4/8).
Ngày 09/8, Đại hội Đảng bộ quận Hà Đông lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020 cũng đã chính thức khai mạc với sự tham dự của 268 đại biểu đại diện cho hơn 13.700 đảng viên của Đảng bộ quận. Phát biểu tại Đại hội, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đã biểu dương sự cố gắng, nỗ lực cùng những thành tựu, kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Hà Đông đã đạt được trong nhiệm kỳ 2010-2015. Trong nhiệm kỳ tới, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị quận Hà Đông cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển thương mại, dịch vụ; khai thác tốt các tiềm năng và lợi thế sẵn có trên địa bàn quận; phát triển các ngành dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn…Xây dựng Hà Đông trở thành đô thị phát triển toàn diện và văn minh (Kinh tế đô thị, 09/8).  
Ngày 6-8, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Thành phố đã họp sơ kết đợt 1 về Cuộc thi phát hiện và viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trên địa bàn Thủ đô. Tính tới hết tháng 7-2015, Thành phố đã khen thưởng 132 tập thể và 875 cá nhân; các quận, huyện, thị xã và các đơn vị đã khen thưởng 1.339 tập thể và gần 6.000 cá nhân, trong đó có cả việc biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tại cơ sở. Tuy nhiên tới thời điểm này, trong 163 đơn vị vẫn còn tới 41 đơn vị tổ chức triển khai cuộc thi chưa hiệu quả, hoặc chưa có báo cáo gửi về Thành phố. Cuộc thi phát hiện và viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trên địa bàn Thủ đô: Đã có 1.471 tập thể, hơn 6.700 lượt cá nhân được thành phố và các cấp khen thưởng (Hà Nội mới, 7/8)
Ban chỉ đạo 197 TP Hà Nội vừa có Kế hoạch mở đợt cao điểm tập trung bảo đảm TTATXH, TTCC, trên địa bàn Thành phố trong dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và Giải phóng Thủ đô 10-10. Diễn ra đến ngày 15-10, đợt cao điểm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, khắc phục những sơ hở, thiếu sót, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực, nhất là TTATGT, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, trật tự công cộng và cảnh quan đô thị trên địa bàn toàn Thành phố. Mở đợt cao điểm bảo đảm an toàn cho các sự kiện chính trị lớn (Hà Nội mới, 2/8).


2. Kinh tế, xây dựng và quản lý đô thị


Trước thực tế nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội nợ thuế với số tiền hàng nghìn tỷ đồng trong khi nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, Cục Thuế Hà Nội đang kiến nghị với cấp có thẩm quyền cho phép doanh nghiệp nợ nộp dần tiền thuế. Đối với những doanh nghiệp không có khả năng nộp một lần số nợ thuế, Cục thuế Hà Nội cho phép người nộp thuế được cam kết chia dần số tiền nợ nộp 12 tháng mà không cần bảo lãnh của bên ngân hàng, tổ chức tín dụng. Ngoài ra, Cục Thuế Hà Nội cũng áp dụng việc gia hạn nợ, xóa nợ thuế theo chính sách hiện hành. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp lợi dụng, chây ỳ, chiếm dụng ngân sách nhà nước sẽ bị phong tỏa tài khoản, cưỡng chế nợ thuế. Thủ đô Hà Nội kiến nghị cho doanh nghiệp nộp dần tiền nợ thuế (VietnamPlus, 7/8)
Ban Kinh tế ngân sách HĐND Thành phố vừa có buổi làm việc với Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội về công tác quản lý, sử dụng, vận hành nhà tái định cư trên địa bàn. Tổng Công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội đang quản lý 18 tòa nhà tái định cư và các hạng mục phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật tại khu đô thị Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy. Tuy nhiên đến nay, các tòa nhà đều đã xuống cấp nghiêm trọng các hạng mục như: thang máy, phòng cháy chữa cháy, hạ tầng kỹ thuật, mặt tiền… và đều chưa thành lập ban quản trị, còn 3 tòa nhà không có quỹ bảo trì 2%. Hà Nội: Nhiều nhà tái định cư xuống cấp nghiêm trọng (Hải quan, 6/8).
Theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện tiến độ thực hiện Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông đã chốt tiến độ đến ngày 30/6/2016 đưa đoàn tàu vào khai thác thương mại. Theo Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, đến nay, khối lượng hoàn thành Dự án đạt khoảng 58%, công tác giải ngân đạt 50%, trong đó xây lắp đạt 42% và giải phóng mặt bằng đạt 80%. Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ nút giao cầu Thanh Trì với Quốc lộ 5, chậm nhất ngày 15/10/2015 phải hoàn thành; đối với hầm chui Quốc lộ 6 - nút giao Thanh Xuân và nút giao Trung Hòa chậm nhất đến tháng 12/2015. Tháng 6/2016, khai thác thương mại đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Kinh tế & Đô thị, 6/8).
Tính đến cuối tháng 7, lực lượng CSGT trên toàn địa bàn Thành phố đã xử phạt gần 1.000 trường hợp vi phạm qua hệ thống camera. Trung bình mỗi ngày, số phương tiện bị phát hiện vi phạm tại mỗi ngã tư lên đến 15-20 trường hợp không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, đi không đúng phần đường, làn đường, quay đầu xe sai quy định… Hiện Hà Nội có gần 400 camera giám sát được được lắp đặt tại các nút giao, trong đó có 78 camera chuyên ghi lại hình ảnh phương tiện vi phạm để xử phạt. Công an Hà Nội phạt gần 1.000 trường hợp qua camera (Giao thông, 4/8)
Trước tình trạng xe quá tải ngang nhiên hoạt động trên địa bàn Thủ đô, Sở GTVT cho biết, qua kiểm tra thực tế, các lực lượng chức năng (thanh tra, công an) chưa phát hiện trường hợp nào bảo kê “xe vua” chở quá tải. Về tình trạng một số xe có dán logo ký hiệu riêng khiến nhiều người hoàn nghi đó là “xe vua”, Sở đã yêu cầu Thanh tra giao thông phối hợp với CSGT kiểm tra, xử lý. Để tránh tình trạng taxi gây mất trật tự ATGT trên địa bàn Thủ đô, bắt đầu từ 1/7/2015, Sở GTVT đã yêu cầu tất cả các phương tiện taxi trên địa bàn Thành phố phải lắp thiết bị GPS (hộp đen) để giám sát. Hà Nội chưa phát hiện bảo kê “xe vua” chở quá tải (Vietnamnet, 4/8)./.
Là địa điểm du lịch nổi tiếng tại Hà Nội, các du thuyền đưa khách đi dạo trên Hồ Tây không hề có bóng dáng khách du lịch nước ngoài do các trang thiết bị cứu nạn, cứu hộ trên những du thuyền rất sơ sài, không đảm bảo an toàn cho du khách. Đoàn kiểm tra liên ngành Cục Cảnh sát đường thủy, Cục Đăng kiểm, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã kiểm tra và phát hiện hàng loạt vi phạm về điều kiện ATGT, phòng chống cháy nổ tại 4 du thuyền, nhà hàng nổi và 1 bến chờ đang hoạt động trên Hồ Tây đồng thời lập biên bản, đình chỉ hoạt động và đề nghị Công an quận Tây Hồ xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên đến nay, các du thuyền vẫn tiếp tục hoạt động và thản nhiên đưa khách du ngoạn trên mặt hồ. Tính mạng du khách bị “thả nổi” ở Hồ Tây (Kinh tế & Đô thị, 5/8)
Liên quan đến thông tin được đăng tải trên một số tờ báo về việc 1.000m2 “đất vàng” tại số 33 đường Nguyễn Chí Thanh (quận Ba Đình) của Trung tâm Trợ giúp Nông dân Hà Nội (thuộc Hội Nông dân thành phố Hà Nội) bị biến thành nhà hàng ăn uống sang trọng và cửa hàng bán đồ gỗ cao cấp, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp Nông dân Hà Nội cho biết: Hội Nông dân TP Hà Nội có 2 cơ sở, cơ sở 1 tại số 33 đường Nguyễn Chí Thanh chỉ có diện tích đất khoảng 827m2 và diện tích nhà là 627m2 chứ không phải 1.000m2 như một số báo đã nêu. Khu đất này hiện đang được quản lý theo đúng mục đích được phê duyệt và rất phù hợp trong việc giúp bà con nông dân. Trung tâm Trợ giúp ND Hà Nội lên tiếng vụ cho thuê “đất vàng” (Kinh tế &Đô thị, 31/7)
Trước thông tin ở một số vùng rau an toàn (RAT) của Hà Nội như Tiền Yên (Hoài Đức), Vân Nội (Đông Anh) người dân vẫn sử dụng một số loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cực độc để phun cho rau, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội đã thành lập 2 đoàn kiểm tra thực tế. Kết quả kiểm tra cho thấy, các loại thuốc BVTV mà người dân sử dụng đều nằm trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam. Đây là các loại thuốc BVTV thuộc nhóm độc 3 (độc trung bình) và độc 4 (độc ít) chứ không phải thuộc nhóm “cực độc”. Tuy nhiên, việc thông tin không chính xác đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, tiêu thụ rau của địa phương. Thông tin không chính xác làm khổ nông dân (Kinh tế & Đô thị, 3/8).


3. Văn hóa, Y tế và Giáo dục


UBND Thành phố vừa yêu cầu Sở Tài chính bố trí vốn để Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mua sắm, sưu tập bổ sung các hiện vật cho bảo tàng Hà Nội. Bảo tàng Hà Nội được đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng, khánh thành tháng 10/2010 nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Việc khánh thành bảo tàng mới hoàn tất giai đoạn 1 của dự án, và tạm thời mở cửa trưng bày khoảng 4.000 hiện vật, phần lớn là các hiện vật cổ qua các thời đại. Hiện Bảo tàng Hà Nội vẫn vắng khách tham quan do số lượng hiện vật trưng bày khá ít ỏi, đơn điệu. Hà Nội mua hiện vật trưng bày bảo tàng nghìn tỷ (VnMedia, 4/8)
UBND thành phố Hà Nội vừa ký quyết định về việc thành lập Ban chỉ đạo “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Ban chỉ đạo gồm có 18 người: Giám đốc Sở Y tế - Trưởng ban, 15 thành viên là người của Sở Y tế Hà Nội, 2 thành viên còn lại là Giám đốc bệnh viện Xanh Pôn và Phó tổng giám đốc bệnh viện Vinmex. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng, chỉ đạo thực hiện, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thành lập các ban chỉ đạo tại cơ sở cũng như triển khai các nội dung của kế hoạch… Thành lập Ban chỉ đạo đổi mới phong cách, thái độ phục vụ bệnh nhân (Pháp luật TP Hồ Chí Minh, 5/8)
Để giảm bớt thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản về việc chuyển tuyến một số bệnh vượt quá khả năng chuyên môn của bệnh viện tuyến huyện gửi các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc ngành y tế Hà Nội. Một số bệnh sẽ được chuyển thẳng tuyến (An ninh Thủ đô, 7/8)
Năm học 2015-2016, Hà Nội triển khai thí điểm 6 trường THCS thực hiện mô hình trường học mới (VNEN) là: THCS Mai Dịch, THCS Nguyễn Siêu, THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), THCS Thượng Thanh, THCS Đô thị Vĩnh Hưng (quận Long Biên) và THCS Lê Lợi (quận Hoàn Kiếm). Mô hình VNEN sẽ được Hà Nội triển khai theo hướng mở, trên nền kiến thức đang học, các môn học được thiết kế khoa học hơn, thuận tiện cho việc dạy và học tích hợp liên môn. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước có 2.508 trường tiểu học, 1.600 trường THCS đăng ký thực hiện mô hình VNEN trong năm học mới 2015-2016. Hà Nội triển khai thí điểm mô hình trường học mới cấp THCS (Kinh tế đô thị, 03/8), Nhân rộng mô hình trường học mới ở bậc THCS (Thanh niên, 4/8).



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t