Tình hình báo chí trong tuần (Từ ngày 06/6/2015 đến ngày 12/6/2015) (17:35 20/06/2015)



Những nội dung trọng tâm
 
1. Thời sự, chính trị
 
Tiến tới ĐH đảng bộ Hà Nội lần thứ XVI, ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ngày 6-6, Đảng bộ cơ quan Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Hà Nội tổ chức đại hội Đảng lần thứ III, nhiệm kỳ 2015-2020. Phát huy các thành tích đã đạt được, trong nhiệm kỳ tới (2015-2020), Đảng bộ cơ quan Sở TT-TT tập trung thực hiện mục tiêu: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của từng cán bộ, đảng viên và sức mạnh tập thể, xây dựng Đảng bộ trở thành tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh. Đại hội đã bầu ra 13 đồng chí trong Ban chấp hành nhiệm kỳ 2015-2020.  Cùng ngày, tại Hà Nội, Đảng bộ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2015- 2020; Đảng bộ phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng) tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XII, nhiệm kỳ 2015-2020. Ngày 9-6, Đảng bộ cơ quan Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng đã tổ chức thành công đại hội nhiệm kỳ 2015-2020. Với tinh thần làm việc dân chủ, khẩn trương, nghiêm túc, Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành mới gồm 9 đồng chí. Nhiều Đảng bộ tổ chức đại hội (Hà Nội mới, 08/6). 
Ngày 09/6, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy về "Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011-2015".  Qua 4 năm tổ chức, triển khai, thực hiện Chương trình số 08- CTr/TU của Thành ủy, công tác cải cách hành chính (CCHC) của Thành phố đã được thực hiện toàn diện cả 6 nội dung. Các nội dung, đề án giao cho các cơ quan, đơn vị về cơ bản đã hoàn thành theo kế hoạch đề ra, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Hà Nội: Tổng kết Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy (Hà Nội mới, 10/6). 
Ngày 12/6, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị lần thứ 21 Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố. Hội nghị đã nghe báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2015 của thành phố; Báo cáo kết quả tổ chức các hội nghị thảo luận, lấy ý kiến góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị Đại hội XVI Đảng bộ thành phố và dự thảo báo cáo chính trị Đại hội XVI Đảng bộ thành phố sau khi đã tiếp thu các ý kiến tại các hội nghị theo kế hoạch số 151-KH/TU ngày 18-3-2015 của Thành ủy. Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: Để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 góp phần hoàn thành chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ 5 năm ở mức cao nhất, các cấp, ngành, đơn vị cần tập trung phân tích sâu hơn về tình hình, nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan về tồn tại, hạn chế đã nêu, đề ra biện pháp khắc phục (Hà Nội mới, 12/6). 
 
2. Kinh tế, xây dựng và quản lý đô thị
 
Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số lượng DN “nợ” tiền thuế sử dụng đất. Với 72 dự án, số tiền nợ nay đã lên đến 3.153 tỷ đồng. Trong khi đó, khách hàng mua dự án không biết về chuyện này, bởi nếu không nộp tiền thuế đất dự án không thể được cấp sổ đỏ. Theo báo cáo của Cục Thuế Hà Nội (tính đến ngày 31/3/2015) thì những doanh nghiệp lớn chậm, không được gia hạn thuế với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng, như: Cty CP Thương mại và xây dựng Á Châu - Dự án tiểu khu nhà ở Đồi Dền, TX Sơn Tây nợ 231 tỷ đồng; Cty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội - Dự án khu hỗn hợp TTTM, … Dự án nợ tiền thuế sử dụng đất. Kỳ 1: Cư dân phấp phỏng sợ không có sổ đỏ (Xây dựng, 09/6).
UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu vực công viên Yên Sở, tỷ lệ 1/500 (Khu chức năng đô thị và phần còn lại của khu công viên cây xanh phía Nam đường Vành đai 3) tại các phường Hoàng Liệt, Yên Sở, Thịnh Liệt quận Hoàng Mai, Hà Nội. Theo quy hoạch chi tiết, khu chức năng đô thị và phần còn lại của khu công viên cây xanh phía Nam đường vành đai 3 đã được phê duyệt có tổng diện tích khoảng 91,19ha. Hà Nội: Điều chỉnh quy hoạch khu công viên Yên Sở (Bizlive, 09/6).
Dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ B6 Giảng Võ là dự án cải tạo chung cư cũ xây mới đầu tiên áp dụng thí điểm mô hình lựa chọn chủ đầu tư. Tuy nhiên, 6 năm nay dự án vẫn chỉ là một bãi đất trống do các chủ đầu tư tranh chấp kinh tế không giải quyết được.Trước tình trạng dự án không được triển khai, người dân 6 năm nay phải đi thuê nhà. Đỉnh điểm là 3 tháng nay,  chủ đầu tư hiện tại của dự án là công ty Mefrimex không thu xếp được tiền hỗ trợ tạm cư cho 100 hộ dân. Để đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương hoàn thành dự án và sớm bàn giao nhà, ổn định cuộc sống cho các hộ dân, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo về việc giải quyết, tháo gỡ vướng mắc đối với dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ B6 Giảng Võ. Tháo gỡ vướng mắc dự án cải tạo chung cư B6 Giảng Võ (VTV, 12/6).
Ngày 4/6, Thành ủy Hà Nội đã có văn bản gửi Ban Cán sự Đảng UBND TP và Quận ủy Đống Đa về việc giải quyết vi phạm của chủ đầu tư - Công ty HàThủy tại Dự án cải tạo, nâng cấp khu vui chơi giải trí bán đảo hồ Đống Đa. Sau khi nhận quyết định, Công ty Hà Thủy đã tiến hành tháo dỡ biển nhà hàng, chòi gỗ ven hồ, bể nuôi cá và tiếp tục hoàn thiện khu vui chơi theo đúng quy hoạch. “Đất vàng” công viên, hồ bơi để... nuôi cá: Tháo dỡ biển nhà hàng (Bizlive, 08/6). 
Theo thông tin từ Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI), để tiếp tục các giải pháp cấp điện Hè năm 2015, ứng phó với các đợt nắng nóng tiếp theo, trong tháng 6, Tổng công ty sẽ hoãn toàn bộ các lịch cắt điện cao, trung, hạ thế theo kế hoạch để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa đường dây và thiết bị điện từ ngày 26/5 đến hết ngày 15/7 trừ các trường hợp xảy ra sự cố đột xuất, các hiện tượng bất thường đe dọa đến vận hành an toàn lưới điện…EVN HANOI tiếp tục hoãn toàn bộ lịch cắt điện (Kinh tế đô thị, 08/6). 
UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường các giải pháp cấp bách nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô và bảo đảm trật tự giao thông đường sắt. Mặt khác, TP cũng yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, giáo dục các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các đường ngang giao cắt giữa đường bộ với đường sắt trên địa bàn Thành phố. Hà Nội yêu cầu tăng cường đảm bảo ATGT với xe ô tô khách và đường sắt (Hà Nội mới, 11/6). 
Ngày 10/6, Thành đoàn Hà Nội tổ chức họp báo giới thiệu nội dung Chương trình Chiến dịch mùa hè Thanh niên tình nguyện năm 2015 với chủ đề “Giữ gìn trật tự và văn minh đô thị - Xây dựng nông thôn mới” diễn ra từ tháng 5-9/2015.
Theo đó, chiến dịch năm nay là hoạt động cao điểm thứ 2 của tuổi trẻ Thủ đô hưởng ứng năm Tự hào tiến bước dưới cờ Đảng 2015 với sự tham gia của trên 50.000 tình nguyện viên hoạt động tại địa bàn Hà Nội và gần 30 tỉnh, thành, các vùng biên giới, hải đảo Tổ quốc… Tuổi trẻ Thủ đô tham gia giữ gìn trật tự và văn minh đô thị (Kinh tế đô thị, 10/6). 
Thời gian qua, TP Hà Nội đã chú trọng đầu tư công trình giao thông công cộng cho người đi bộ. Hệ thống 20 hầm đi bộ đã hoàn thành với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, cùng hàng chục cầu vượt đi bộ, được kỳ vọng sẽ giải quyết nhu cầu đi lại của đông đảo nhân dân. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng thực tế của hầm và cầu đi bộ hiện này còn chưa cao. Mặc dù các hầm đi bộ đều được trang bị đầy đủ trang thiết bị hiện đại như hệ thống thông khí, chiếu sáng, an ninh, có người vệ sinh quét dọn… nhưng người dân vẫn thờ ơ với việc sử dụng hầm. Hẩm hiu... như hầm, cầu đi bộ! (Hà Nội mới, 09/6).
Loại hình chợ đặc biệt -“chợ ngõ” phát triển trên địa bàn Hà Nội thời gian qua đã trở thành nỗi khiếp sợ của nhiều người dân mỗi khi có việc phải lưu thông qua lại. Điển hình trong số đó là chợ cóc ngõ Gốc Đề (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nằm ngay trên một cái cống lộ thiên luôn bốc mùi xú uế. Được biết, quận Hai Bà Trưng đã từng rất quyết tâm xóa bỏ chợ cóc trên địa bàn từ năm 2014, tuy nhiên đến nay, nhiều chợ cóc vẫn phát triển mở rộng quy mô hơn nữa. Bài 9: Ngán ngẩm với “chợ ngõ” giữa Thủ đô (Pháp luật và Xã hội, 09/6).
Cứ vào giờ cao điểm, phần lớn diện tích lòng đường, vỉa hè phố Nguyễn Quý Đức, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân lại bị chiếm dụng một cách ngang nhiên. Mặc dù tình trạng này đã diễn ra từ lâu và đã được báo Kinh tế & Đô thị phản ánh nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để khiến khu vực thường xuyên rơi vào cảnh nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị. Phố Nguyễn Quý Đức mất mỹ quan đô thị (Kinh tế đô thị, 10/6). 
Cầu Thanh Trì (Hà Nội) được đưa vào sử dụng đầu năm 2007, đến thời điểm hiện tại mặt cầu đã xuống cấp nghiêm trọng dù được bảo dưỡng thường xuyên. Những loại xe siêu trường, siêu trọng chạy qua cầu với tần suất dày đặc cả ngày lẫn đêm khiến mặt cầu ngày càng lồi lõm. Không chỉ có hiện tượng sụt lún tại nhiều điểm, cầu Thanh Trì từ lâu đã trở thành điểm bán hàng rong của một số người, điều này gây mất an toàn giao thông và ảnh hưởng mỹ quan xung quanh cầu. Sụt lún nặng, cầu Thanh Trì trở thành "cái bẫy" (Tri thức trẻ, 09/6).
Từ nhiều tháng nay, vào các khung giờ cao điểm, đoạn đường dài khoảng 1km từ Km34 đến Km35 QL6 (hướng Hà Nội - Hòa Bình) qua Tổ dân phố 7, khu Tân Mai, thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ) luôn trong tình trạng ùn ứ, thậm chí tắc nghẽn 1-2 giờ liền khiến người tham gia giao thông bất bình. Đáng nói, hai bên lề đường, hành lang giao thông đoạn Km34+300 thường xuyên bị ô tô trọng tải lớn "băm nát", nắng thì bụi mù mịt, mưa thì nhão nhoét, lầy lội. Vẫn thường xuyên ùn tắc giao thông (Hà Nội mới, 8/6).
Tại khu vực đường 23 gần nghĩa trang Thanh Tước tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh từ năm 2005 đến nay đã có hàng chục người chết vì bị ung thư do sử dụng nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nặng. Tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 9/6, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, huyện đã yêu cầu các đơn vị vào cuộc xác minh, từ năm 2005 đến hết năm 2014 toàn bộ khu dân cư đường 23 có 22 người chết, trong đó chỉ duy nhất 1 trường hợp bị ung thư. Đối với kiến nghị của người dân, UBND huyện đã cùng với các cơ quan chức năng phối hợp giải quyết. Thông tin về “làng ung thư” ở Mê Linh là thiếu cơ sở (Kinh tế đô thị, 09/6).
Thời gian gần đây, tại vùng bãi sông Hồng thuộc xã Hồng Thái và Khai Thái, huyện Phú Xuyên, các bãi tập kết, trung chuyển VLXD trái phép đang hoạt động rầm rộ trở lại. Mặc dù trước đó, UBND huyện và các sở, ngành của TP Hà Nội đã nhiều lần đột xuất kiểm tra, xử lý hoạt động trái phép của các bãi tập kết VLXD ở 2 xã. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau đó, các bãi tập kết VLXD lại ngang nhiên tái phạm. Chính quyền đùn đẩy trách nhiệm? (Kinh tế đô thị, 10/6). 
Tuyến đê tả Đáy nằm trên địa bàn huyện Ứng Hòa có tổng chiều dài 36,322km, đi qua địa phận 13 xã, thị trấn. Trong đó có 14,7km đê được kết hợp làm đường giao thông. Vài năm trở lại đây, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn huyện Ứng Hòa ngày càng gia tăng. Theo đánh giá của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, chỉ tính trong tháng 4 và 5-2015, huyện Ứng Hòa có số vụ vi phạm mới phát sinh nhiều nhất Thành phố với 34 vụ… Phải xử lý nghiêm, dứt điểm (Hà Nội mới, 08/6). 
 
3. Văn hóa, y tế và giáo dục
 
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội vừa đề xuất lên UBND Thành phố về việc đặt tên 19 tuyến đường, phố mới trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2015. Trong đó, tên 2 tuyến phố mới là Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông trên địa bàn quận Cầu Giấy đang có một số ý kiến trái chiều. Trước thực tế đó, thành phố Hà Nội tiếp tục lấy ý kiến người dân trước khi đưa ra quyết định cuối cùng nên hay không trong việc đặt tên hai vị vua triều Mạc này. Hà Nội lấy ý kiến việc đặt tên đường Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông (Tin tức, 12/6).
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Mers - Cov, đặc biệt sự tăng nhanh số ca mắc và tử vong tại Hàn Quốc, ngày 9/6, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cùng đoàn liên ngành đã đến sân bay quốc tế Nội Bài kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh. Phó Chủ tịch TP đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh MERS-CoV tại sân bay quốc tế Nội Bài; nhắc nhở Sở Y tế và Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế tiếp tục giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, đặc biệt hành khách đến từ các quốc gia có dịch. Sở Y tế Hà Nội cũng vừa công bố thành lập Tổng đài tư vấn cho người dân, cộng đồng cách phòng chống dịch bệnh MERS bằng 3 thứ tiếng là tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Hàn Quốc. Hà Nội giám sát chặt chẽ các chuyến bay từ các nước có dịch MERS (Vietnamplus, Hà Nội mới 09/6).
Ngày 11/6, gần 170.000 thí sinh của Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng đã bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT. Điểm mới của công tác tuyển sinh lớp 10 năm nay là Hà Nội sẽ áp dụng nhiều điểm mới theo quy chế thi của kỳ thi THPT quốc gia. Bên cạnh đó, năm nay những giáo viên có con em dự thi vào lớp 10 vẫn được huy động làm thi nhưng không được làm tại nơi có con dự thi. Nhiều phụ huynh và học sinh khá lo lắng với những thay đổi này, song Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, Hà Nội đã chuẩn bị đủ các điều kiện để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thành lập 15 đoàn kiểm tra cơ sở vật chất, các điểm thi vào lớp 10 và 5 đoàn kiểm ta công tác bảo vệ thi tại 160 điểm thi. Sẵn sàng cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 (Kinh tế đô thị, Lao động, 12/6). 
Ngày 12-6, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (CATP Hà Nội) cho biết đã triển khai kế hoạch bảo đảm TTATGT phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia (các ngày 1, 2, 3, 4 tháng 7) và kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trên địa bàn Thành phố Hà Nội (các ngày 11, 12, 13 tháng 6). Trong thời gian diễn ra các sự kiện trên, lực lượng CSGT Hà Nội sẽ tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. CSGT cũng sẽ phối hợp với CA các đơn vị, địa phương, Thanh niên tình nguyện tập trung lực lượng vào các tuyến chính, khu vực cổng các bến xe, nhà ga nhằm mục tiêu giải quyết tốt TTGT, TTCC, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh và thí sinh từ các địa phương về Hà Nội dự thi an toàn thông suốt. Bảo đảm TTATGT phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia (Hà Nội mới, 12/6).


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t