Tình hình báo chí trong tuần (Từ ngày 11/4/2015 đến ngày 17/4/2015) (05:33 22/04/2015)



Những nội dung trọng tâm
1.Thời sự, chính trị


Thực hiện kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2015), ngày 14-4, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố; các quận, huyện, thị xã tăng cường các hoạt động tuyên truyền về ý nghĩa của sự kiện trọng đại này. Theo đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể thao tại Vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ, Trung tâm quận Hà Đông và Cuộc chạy đồng hành xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội xây dựng kế hoạch tổ chức bắn pháo hoa tại 5 điểm trên địa bàn thành phố. Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì biên soạn và xuất bản cuốn sách "Bác Hồ với báo chí Thủ đô" nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; phối hợp với các đơn vị của Trung ương và thành phố chỉ đạo triển khai các hoạt động liên quan đến hoạt động kỷ niệm. UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại các sân khấu ngoài trời phục vụ nhân dân… Triển khai nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam (Hà Nội mới, 15/4).

Chiều ngày 14-4, TP Hà Nội tổ chức tổng kết Chương trình 09 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí" giai đoạn 2011 – 2015. Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội – Phạm Quang Nghị cho rằng, mặc dù thành phố đã không để xảy ra các vụ việc tham ô, tham nhũng lớn, nhưng vẫn còn diễn ra tình trạng cán bộ sách nhiễu, cậy quyền, chạy chức, chạy việc... Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng thành phố Hà Nội, trong 4 năm qua, Ủy ban kiểm tra các cấp thành phố đã kiểm tra hơn 1.000 đảng viên, 278 tổ chức Đảng khi có dấu hiệu vi phạm, trong đó có 163 tổ chức Đảng có vi phạm. Qua công tác giám sát đã thi hành kỷ luật gần 3.000 đảng viên, trong đó 821 trường hợp là cấp ủy viên. Thành phố cũng đã giải quyết 5.775 vụ khiếu nại tố cáo thu hồi hàng tỷ đồng và nhiều diện tích đất. Qua công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Hà Nội đã tiết kiệm được gần 3.700 tỷ đồng. Hà Nội chống lãng phí gần 3.700 tỷ đồng (Thể thao văn hóa, 14/4)

Ngày 15-4, Đoàn đại biểu TP Hà Nội do Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu dẫn đầu lên đường thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) và Nhà giàn DK1.Theo kế hoạch, từ ngày 15 đến 23-4, Đoàn sẽ đến các đảo Đá Lớn B, Tiên Nữ, Tốc Tan B, Trường Sa, Đá Lát và Nhà giàn DK1. Đặc biệt, Đoàn đại biểu TP Hà Nội cùng các đơn vị liên quan sẽ khánh thành Nhà văn hóa đa năng trên đảo Tốc Tan B. Đây là món quà do Đảng bộ, nhân dân Thủ đô tặng cán bộ, chiến sĩ Trường Sa nhằm góp phần hoàn thiện cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện sinh hoạt cũng như đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của cán bộ, chiến sĩ. Cũng trong dịp này, Đoàn sẽ tặng quân và dân huyện đảo nhiều phần quà có ý nghĩa thiết thực khác. Đoàn đại biểu TP Hà Nội thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 (Hà Nội mới, 15/4).
UBND TP Hà Nội vừa trình Chính phủ phương án đặt vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng của tuyến đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) cách cầu Long Biên về phía thượng lưu 75m. Việc lựa chọn vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng cho tuyến đường sắt đô thị số 1 đã được UBND TP tiến hành thận trọng trên cơ sở xem xét đến tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến kinh tế - kỹ thuật, văn hóa, lịch sử khu phố cổ và cầu Long Biên cũ. Phương án này về cơ bản có khối lượng giải phóng mặt bằng ít, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến khu vực phố cổ và phố cũ, kết nối với mạng lưới giao thông đô thị và mạng lưới giao thông công cộng khá thuận tiện và giảm bớt ảnh hưởng đến cầu Long Biên cũ. Hà Nội trình phương án cầu đường sắt cách cầu Long Biên 75 m (Thanh niên, 12/4).

Ngày 15/4, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức họp báo thông tin về kết quả thanh tra quý 1/2015. Theo đó, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định ngày 13/4, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã có báo cáo gửi Thanh tra Chính phủ về dự án cải tạo, thay thế cây xanh. Hiện Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đang chỉ đạo đoàn thanh tra làm rõ nội dung này. Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã yêu cầu đoàn thanh tra phải làm chính xác, khách quan, khẩn trương, đúng pháp luật để trả lời cho công luận bởi đây là vấn đề nhân dân quan tâm. Hà Nội đã báo cáo Thanh tra Chính phủ về kế hoạch thay cây (Vietnamplus, 15/4).

2. Kinh tế, xây dựng và quản lý đô thị
UBND Thành phố Hà Nội vừa yêu cầu Sở Xây dựng khẩn trương tổng hợp kết quả thực hiện “Đề án Tăng cường công tác quản lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn Thành phố”; kết quả thực hiện công tác quản lý, sử dụng, thanh tra, kiểm tra đối với quỹ nhà chuyên dùng thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 31/5/2015. Trước đó, có phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin một số địa điểm cơ sở nhà đất thuộc quỹ nhà chuyên dùng thuộc sở hữu nhà nước đang bị các đơn vị thuê nhà núp bóng “liên doanh, liên kết” cho thuê trục lợi với nhiều hình thức khác nhau, cụ thể là các địa điểm: 17 phố Hàng Ngang của Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Hà Nội; 63 phố Hàng Chiếu của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu lương thực, thực phấm Hà Nội; 240-242 phố Tôn Đức Thắng của Công ty cổ phần Tập đoàn vật liệu điện và cơ khí; 35B Cát Linh của Công ty CP Cao su Hà Nội. Kiên quyết xử lý các vi phạm với nhà chuyên dùng thuộc sở hữu nhà nước (Hà Nội mới, 14/4).

Tại buổi làm việc với với sở, ngành, UBND các quận về các dự án nhà tái định cư trên địa bàn ngày 16/4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu trong năm 2015 phải tập trung vào các dự án vành đai 1, vành đai 2, dự án thoát nước đô thị, dự án đường sắt đô thị và các dự án trọng điểm khác của thành phố đang triển khai. Đồng thời, lãnh đạo thành phố tăng cường phối hợp với các sở ngành liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện. Sở Xây dựng tổng rà soát quỹ nhà tái định cư, đồng thời báo cáo về tình hình sử dụng tầng 1 nhà tái định cư trước 30/4. Tổng rà soát quỹ nhà tái định cư trên địa bàn Hà Nội (Tiền phong, 16/4).
Theo kế hoạch, ngày 19/5 tới đây, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ được thông xe và đưa vào sử dụng trước đoạn từ Hải Dương - Hải Phòng. Ngay khi thông xe, cao tốc này sẽ tiến hành thu phí các phương tiện qua lại thấp nhất là 35.000 đồng/xe đối với xe dưới 12 ghế ngồi.  Dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là dự án đường giao thông trọng điểm quốc gia có quy mô lớn đầu tiên triển khai mô hình BOT với 105 km tiêu chuẩn cao tốc quốc tế. Dự án được khởi công từ 19/5/2008 với tổng mức đầu tư lên đến 46.900 tỷ đồng, toàn tuyến có chiều dài 105,5km. Dự án đi qua các tỉnh, thành phố là Hà Nội (6km), Hưng Yên (26,5km), Hải Dương (40), Hải Phòng (33km). Ngày 19/5 thông xe cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (VnMedia, 13/4).

Hà Nội sẽ loại bỏ hoàn toàn xe quá khổ, quá tải (Hà Nội mới, 14/4). Đó là khẳng định Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội đã tại hội nghị sơ kết công tác kiểm tra, xử lý vi phạm kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn TP tổ chức ngày (14-4). Theo Sở GT-VT Hà Nội, trong quý I-2015 đã có 480 đơn vị ký cam kết bốc xếp hàng hóa theo đúng quy định về tải trọng của Bộ GT-VT. Ngoài hiện trường, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 505 doanh nghiệp có xe tự đổ với tổng cộng 1.208 đơn vị, qua đó đã có 103 trường hợp vi phạm bị xử phạt với tổng số tiền là 129,2 triệu đồng. Trong đó có 100 trường hợp tự ý thay đổi kích thước thành thùng xe; 3 trường hợp thay đổi khung, kết cấu, hệ thống. Lực lượng thanh tra GT-VT đã tiến hành cắt tại chỗ 21 trường hợp. Đối với 82 trường hợp còn lại yêu cầu lái xe, chủ phương tiện tự cắt bỏ phần thùng cải tạo, cơi nơi. Nhằm đảm bảo an toàn giao thông dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, UBND thành phố Hà Nội vừa chỉ đạo Sở Giao thông vận tải phối hợp với Tổng Công ty Vận tải Hà Nội có phương án tăng cường năng lực phương tiện và chất lượng phương tiện để đáp ứng tốt nhu cầu vận tải trong đợt cao điểm. Theo đó, Công an Hà Nội và Sở Giao thông vận tải chỉ đạo lực lượng thanh tra và Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy cùng các lực lượng chức năng thành lập tổ công tác liên ngành lưu động, duy trì lực lượng 24/24h để tuần tra, kiểm soát, bảo đảm trật tự trên các tuyến đường, các khu vực trọng điểm có nguy cơ tai nạn giao thông cao. Hà Nội tăng cường tuần tra giao thông dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 (Công an nhân dân, 12/4).

Từ lâu, khu vực phía trước cổng trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội (phố Dương Quảng Hàm, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) có rất nhiều hàng quán, cản trở giao thông, mất mỹ quan, ảnh hưởng tới môi trường sư phạm. Trên suốt chiều dài 200m của vỉa hè sát cổng trường có mấy chục quán nước, hàng ăn, quán sửa chữa xe máy, sửa chữa giày dép... kê bàn, ghế tràn lan, không còn lối đi. Ngổn ngang hàng quán trước cổng trường sư phạm (Dân Việt, 15/4).

Theo phản ánh của người dân thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín (Hà Nội), đoạn đường 427 từ cảng sông đến đường quốc lộ 1A (cũ) thời gian gần đây luôn phải "oằn mình" gánh xe quá tải di chuyển liên tục theo hướng thị trấn Thường Tín đến Bình Đà, Thanh Oai… Thực tế cho thấy đoạn đường mà các xe quá tải trên hoạt động đều chạy qua trụ sở làm việc của đội Thanh tra Giao thông huyện Thường Tín, Công an huyện Thường Tín và UBND huyện Thường Tín. Hơn thế đoạn thị trấn Thường Tín tập trung đông dân cư nhưng những chiếc xe quá khổ, quá tải này vẫn ngang nhiên hoạt động, thậm chí còn chạy với tốc độ khá cao khi di chuyển qua đây. Xe quá tải “qua mặt” cơ quan chức năng huyện Thường Tín? (Pháp luật Việt Nam, 16/4).

UBND TP Hà Nội vừa quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị trên địa bàn Thành phố. Ban Chỉ đạo Công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị trên địa bàn thành phố có trách nhiệm chỉ đạo công tác di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị trên địa bàn thành phố thực hiện theo Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Những năm qua, TP Hà Nội đã tập trung giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường và di chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư thuộc các quận nội thành. Tuy nhiên, từ thực tế triển khai thực hiện cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc về hình thức di dời và chính sách tài chính, dẫn đến tiến độ xử lý, di dời chậm so với kế hoạch đề ra. Lập BCĐ công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường (Kinh tế đô thị, 17/4).

3. Văn hóa, y tế và giáo dục
Theo thống kê mới nhất, Hà Nội có 201 di tích Nho học, gồm: Văn miếu, văn từ, văn chỉ, nhà thờ các vị khoa bảng, đền thờ tiến sĩ, thám hoa, di tích thuộc loại Tam giáo; trong đó 83 di tích đã được xếp hạng. Trong năm 2013 - 2014, Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội thực hiện tổng kiểm kê đánh giá hiện trạng tổng thể các di tích trên địa bàn Thủ đô, trong đó có hệ thống di tích Nho học. Những di tích Nho học nói riêng và di tích nói chung bị xuống cấp được đưa vào danh mục đề nghị tu bổ, tôn tạo; di tích có đủ tiêu chí xếp hạng được đề nghị xếp hạng và di tích vi phạm sẽ có phương án xử lý. Ban quản lý đang đề xuất với các địa phương, các dòng họ, nơi có di tích Nho học thực hiện sưu tầm, bổ sung tư liệu hiện vật liên quan đến di tích Nho học như: Văn bia, sắc phong, sắc chỉ, lệnh chỉ, gia phả, sách cổ… để tăng thêm giá trị của các di tích. Hà Nội gìn giữ các di tích Nho học (Tin tức, 13/4).

Được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 1988, nhưng hiện nay trong khu vực bảo vệ di tích đình và chùa xã La Phù (huyện Hoài Đức) tồn tại một số công trình: Trường học, nhà văn hóa, đặc biệt là chợ tạm "quây" di tích, gây mất vệ sinh môi trường, phá vỡ cảnh quan nơi tôn nghiêm. Trong khi đó, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng vẫn chưa có các biện pháp khả thi để bảo vệ di tích này… Xã La Phù (huyện Hoài Đức): Chợ tạm "bủa vây" di tích quốc gia (Hà Nội mới, 16/4).

Ngày 15/4, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thạch Thất tổ chức Hội nghị công bố và bàn giao quy hoạch chi tiết Cụm công trình Bệnh viện Mắt Hà Nội và cơ sở 2 Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Tim Hà Nội, tỷ lệ 1/500. Khu đất quy hoạch nằm trong ranh giới nghiên cứu đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 của KĐT Văn Minh tại xã Bình Phú và xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội và thuộc ranh giới quy hoạch thị trấn sinh thái Quốc Oai. Quy hoạch Cụm công trình Bệnh viện mắt Hà Nội và cơ sở 2 của các bệnh viện: Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện Tim Hà Nội nhằm hình thành khu trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao có quy hoạch đồng bộ, hiện đại về kiến trúc cảnh quan và quy hoạch hạ tầng đô thị với công nghệ kỹ thuật cao và chuyên sâu tại vùng phía Tây Hà Nội, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và công tác nghiên cứu y học ngày một phát triển.  Hà Nội sẽ có Trung tâm Y tế cấp thành phố (Xây dựng, 15/4).

Ngày 17/1/2014, UBND TP Hà Nội có công văn hoả tốc số 2497/UBND-VX gửi Sở GD&ĐT, UBND quận, huyện, thị xã về tuyển sinh các cấp học năm 2015-2016. Theo đó, TP chỉ đạo Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã khẩn trương hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các văn bản của Bộ GD&ĐT: Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014 ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông; Chỉ thị số 5105/CT-BGDĐT ngày 3/11/2014 về chấn chỉnh dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học; Công văn số 1258/BGDĐT-GDTrH ngày 17/3/2015 về việc không thi tuyển vào lớp 6. TP yêu cầu tuyệt đối không để bất kỳ cơ sở giáo dục nào thuộc TP thực hiện không đúng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về công tác tuyển sinh năm học 2015-2016; báo cáo kết thực hiện với UBND Thành phố. Hà Nội: Chỉ đạo tuyệt đối không thi tuyển vào lớp 6 (Hà Nội mới, 17/4).

Nhiều người dân xã Song Phương,  huyện Hoài Đức (Hà Nội)  nhất là các bậc phụ huynh có con em đang độ tuổi mẫu giáo rất bức xúc trước thực trạng công trình trường mầm non tập trung của xã được đầu tư xây dựng mới nhưng hơn 4 năm nay bị bỏ hoang chưa đưa vào sử dụng, trong khi các cháu trong độ tuổi mầm non trên địa bàn đang phải học tại nhiều điểm trường khác nhau. Tại khu đất được quy hoạch để xây dựng trường mầm non là một dãy nhà kiên cố 2 tầng đã hoàn thiện nhưng để hoang hóa, bên ngoài nhiều chỗ sơn đã bị bong tróc, cả một dãy hành lang tầng 1 bị tận dụng làm nơi nuôi thỏ, rất mất vệ sinh; phòng vệ sinh tầng một đã được lát gạch men trắng nhưng biến thành nơi chứa các thứ linh tinh. Bên ngoài, phía trước dãy nhà cỏ dại mọc um tùm. Trường mầm non biến thành nơi nuôi thỏ (Hà Nội mới, 13/4).



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t