Giám sát việc thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương và Thành phố tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội (20:15 03/04/2023)


HNP - Chiều 3/4, Đoàn giám sát của Ban Kinh tế Ngân sách, HĐND thành phố Hà Nội làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội về việc thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương và Thành phố về phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Quang cảnh buổi làm việc


Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường cho biết, trong giai đoạn 2019 - 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn như thời tiết bất thường, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, khó lường nhưng ngành nông nghiệp Thành phố vẫn đạt ở mức tăng trường trung bình khoảng 2,5% (cơ bản đảm bảo mục tiêu tăng trưởng từ 2,5-3,0.%). Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2022 ước đạt 40.638 tỷ đồng (tăng 11,16% so với năm 2019). 
 
Cơ cấu giá trị nội ngành nông nghiệp năm 2022 chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ, giảm tỷ trọng trồng trọt. Việc ứng dụng công nghệ cao được Thành phố quan tâm, tăng cường, qua đó, góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản hàng hoá, đảm bảo phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững. Đến hết năm 2022, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn Thành phố. Toàn Thành phố hiện có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó, có 185 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt, chăn nuôi... Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trên thị trường. Đồng thời, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hiện toàn Thành phố có 1.649 sản phẩm OCOP. 
 
Hiện, Hà Nội có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 4 huyện đủ điều kiện để hoàn thiện hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì). Toàn Thành phố có 382 xã (đạt 100%) đạt chuẩn nông thôn mới; 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 56,3 triệu đồng/người/năm.
 
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường báo cáo tại buổi làm việc
 
Khẳng định thời gian qua, Sở đã chủ động, kịp thời chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ của Trung ương và Thành phố về phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Thành phố, tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cũng cho rằng, quá trình thực hiện vẫn còn những tồn tại, vướng mắc, khó khăn. 
 
Cụ thể, thực hiện Nghị định số 57/2028/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn gặp khó khăn do cơ sở giết mổ được phê duyệt có thể được hỗ trợ 60% kinh phí đầu tư nhưng không quá 15 tỷ đồng/dự án đầu tư (kinh phí Nhà nước hỗ trợ sau đầu tư) do thiếu nhà đầu tư có năng lực, các cơ sở tập trung được bố trí trên đất công khi triển khai phải thực hiện thu hồi, đấu giá nên suất đầu tư lớn, nhà đầu tư không mặn mà. 
 
Đối với việc thực hiện Nghị định số 83/NĐ-CP của Chính phủ về công tác khuyến nông gặp khó khăn do chưa ban hành định mức kinh tế kỹ thuật cho hoạt động khuyến nông trên địa bàn Thành phố. Hiện, Sở NN&PTNT đang tham mưu xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật trình UBND Thành phố ban hành. Cùng đó, một số điểm đã đăng ký tham gia thực hiện mô hình khuyến nông nhưng do sản xuất, kinh doanh đình trên, thua lỗ nên không có khả năng đối ứng kinh phí mua giống, vật tư thiết yếu phục vụ mô hình nên đã đề nghị không thực hiện, dẫn đến một số mô hình thực hiện không đảm bảo quy mô.
 
Đối với việc thực hiện các cơ chế, chính sách của Thành phố, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường, khó khăn khi thực hiện Nghị quyết số 10/2028 của HĐND, với việc hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất, hiện chính sách quy định mỗi người chỉ được hỗ trợ tham gia 1 lần/1 nội dung. Tuy nhiên, đối với người nông dân để thay đổi được thói quen đã trở thành tập quán cần phải có thời gian và tuyên truyền, vận động, chuyển giao nhiều lần. Sở NN&PTNT đề xuất tăng số lần tập huấn lên 2 lần/nội dung tập huấn/năm thì hiệu quả tập huấn sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ đào tạo nghề sản xuất nông nghiệp, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường phục vụ phát triển liên kết gặp khó khăn do chưa xây dựng được bộ định mức và đơn giá cho hoạt động đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp. 
 
Với Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND của HĐND Thành phố quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn Thành phố có khó khăn do việc bố trí quỹ đất và các thủ tục liên quan phức tạp, xa địa giới hành chính; do tập quán chăn nuôi tận dụng thức ăn gắn liền với thói quen sinh hoạt của người dân, nhiều người coi đây là sinh kế có thu nhập. Bên cạnh đó lao động phục vụ hộ chăn nuôi chủ yếu là lớn tuổi, chuyển đổi nghề khó khăn...
 
Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Sở NN&PTNT đề xuất Thành phố bổ sung thêm chính sách hỗ trợ về hạ tầng, khuyến khích nghệ nhân, bảo tồn khôi phục làng nghề có nguy cơ mai một để thực hiện tốt Quyết định 801/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030; Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn việc xây dựng Nghị quyết trình HĐND Thành phố về nội dung chi, mức chi xây dựng, quản lý chuyên môn đối với dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng để phát triển hàng hoá theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi của Thủ đô.
 
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát ghi nhận những kết quả ngành nông nghiệp Thủ đô đã đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng nhận định, dù được quan tâm, có cố gắng của tất cả các đơn vị, song hiệu quả của việc triển khai các chính sách của Trung ương và Thành phố về phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Thành phố chưa được mong muốn. Từ việc ban hành kế hoạch triển khai chậm, công tác thông tin tuyên truyền các chính sách chưa tới; Việc hướng dẫn thực hiện các điều kiện để được nhận hỗ trợ còn chậm, chưa đầy đủ; Việc rà soát, kịp thời đề xuất các quy định của Thành phố cũng như kiến nghị đề xuất với Trung ương để sửa đổi các chính sách chưa chủ động, kịp thời... nên kết quả triển khai cũng như hiệu quả còn nhiều vấn đề cần tiếp tục quan tâm.
 
Để thực sự có hiệu quả trong hỗ trợ nông dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tham gia sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn, Đoàn giám sát cho rằng cần quan tâm hơn nữa từ công tác quy hoạch, xác định các vùng sản xuất nông nghiệp ổn định tập trung, tham mưu hướng dẫn triển khai chính sách từ định mức đơn giá đến thủ tục, giao cho đơn vị triển khai thực hiện. Đặc biệt là công tác thông tin tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách của Trung ương và Thành phố về lĩnh vực này.
 
Với những vướng mắc trong chính sách, Đoàn Giám sát đề nghị Sở NN&PTNT tổng hợp tham mưu cho UBND Thành phố để trình HĐND Thành phố ban hành chính sách bổ sung những nội dung còn bất cập với quan điểm xây dựng chính sách phải trúng đích, hiệu quả để nông nghiệp Thành phố phát triển thực sự.

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t