Giám sát việc thực hiện chính sách của Trung ương và Thành phố về phát triển nông nghiệp, nông thôn tại huyện Gia Lâm (15:45 28/03/2023)


HNP - Sáng 28/3, Đoàn giám sát của Ban Kinh tế-Ngân sách, HĐND thành phố Hà Nội làm việc với UBND huyện Gia Lâm về việc thực hiện chính sách của Trung ương và Thành phố về phát triển nông nghiệp, nông thôn, giai đoạn 2019-2022. 

Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại khu sản xuất rau công nghệ cao của Công ty Cổ phần đầu tư An Hòa tại xã Đa Tốn


Trước khi làm việc với UBND huyện, Đoàn giám sát đã đi thực tế tại khu sản xuất rau công nghệ cao của Công ty Cổ phần đầu tư An Hòa, tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm.
 
Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng cho biết, trong những năm qua, cùng với tập trung đầu tư phát triển kinh tế toàn diện trên các lĩnh vực, dưới sự chỉ đạo của Huyện uỷ, triển khai thực hiện các cơ chế chính sách của Trung ương và Thành phố, UBND huyện quan tâm ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến, từng bước phát triển ổn định theo hướng sản xuất hàng hóa đem lại hiệu quả cao tích cực. 
 
Quang cảnh buổi làm việc
 
Cơ cấu cây trồng vật nuôi chuyển đổi theo hướng tích cực, đúng hướng, giảm dần diện tích trồng lúa màu có giá trị kinh tế thấp sang trồng hoa cây cảnh, cây ăn quả, rau an toàn có giá trị kinh tế cao hơn. Một số xã tốc độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng mạnh là Kim Sơn, Phù Đổng, Trung Mầu, Phú Thị, Đa Tốn, Dương Xá. Sau khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch vùng và qua các mô hình thí điềm đã hình thành được một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng nông nghiệp sinh thái hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với truy xuất nguồn gốc nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa bền vững gắn với tiêu thụ sản phẩm tạo điều kiện thuận lợi các hộ nông dân ứng dụng nhân rộng mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Thực hiện các Nghị quyết của HĐND Thành phố, năm 2021-2022, huyện hỗ trợ 50% vật tư thiết yếu sản xuất rau, quả an toàn, VietGAP; Chỉ đạo Phòng Kinh tế phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Trạm Khuyến nông Gia Lâm triển khai 16 mô hình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ giới hóa tại các xã, thị trấn với tổng kinh phí 3.102 triệu đồng. Qua đó, giúp nông dân giải phóng sức lao động, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, giảm chi phí công, bảo đảm thời vụ; góp phần tạo môi trường tiểu khí hậu chuồng nuôi phù hợp, hạn chế ô nhiễm môi trường và dịch bệnh trong chăn nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng chăn nuôi và tăng hiệu quả kinh tế cho hộ gia đình.
 
Đồng thời, từ năm 2019-2022, huyện đã xây dựng mô hình truy xuất nguồn gốc (QR Code) cho nông sản thực phẩm tại 12 xã; hỗ trợ đăng ký và cấp giấy chứng vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn Việt GAP; đăng ký nhãn hiệu tập thể; xây dựng các mô hình liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. 
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng báo cáo tại buổi làm việc
 
Triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách của Thành phố về phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề Thành phố (theo Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND của HĐND Thành phố), huyện Gia Lâm hiện có 5 làng nghề truyền thống và 1 làng nghề Hà Nội. Trên địa bàn huyện đang có một số nghề mới mang lại lợi ích kinh tế cho người lao động như: làng nghề truyền thống gốm sứ Giang Cao - xã Bát Tràng; làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng - xã Bát Tràng; làng nghề truyền thống gốm sứ Kim Lan; làng nghề truyền thống dát vàng bạc quỳ và may da Kiêu Kỵ; làng nghề truyền thống thuốc Nam, thuốc Bắc Ninh Hiệp... Bên cạnh đó, huyện đã phối hợp hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho 2 làng nghề truyền thống. 
 
Theo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp Thành phố năm 2020, có xét đến năm 2030, tại Quyết định số 1292/QĐ-UBND ngày 14/3/2018 của UBND Thành phố, huyện Gia Lâm được phê duyệt triển khai 2 cụm công nghiệp làng nghề tập trung gồm: Cụm công nghiệp làng nghề Bát Tràng (16,78ha); Cụm sản xuất làng nghề tập trung xã Kiêu Kỵ (15,73ha). Ngày 20/12/2021, UBND huyện Gia Lâm ban hành Công văn số 4466/UBND-KT về việc Đề nghị bổ sung vị trí dự kiến phát triển Cụm công nghiệp trên địa bàn huyện vào quy hoạch cụm công nghiệp Thành phố giai đoạn 2021-2030, trong đó có đề xuất vị trí dự kiến xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề Kim Lan, xã Kim Lan với diện tích khoảng 20ha.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn vẫn còn một số khó khăn như chưa có hướng dẫn định mức kinh tế, kỹ thuật hỗ trợ những cơ chế chính sách và sản xuất nông nghiệp, cụ thể đối với một số mô hình ứng dụng công nghệ cao. Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND, ngày 7/7/2020, của HĐND Thành phố, xác định giai đoạn 2023-2025, huyện Gia Lâm phấn đấu trở thành quận, các xã trở thành phường thì không được phép chăn nuôi. Thực tế, năm 2023, chăn nuôi vẫn chiếm tỷ trọng lớn tại các xã có vùng nông nghiệp cơ bản ổn định (trong đó, 4 xã: Phù Đổng, Trung Mầu, Lệ Chi, Văn Đức là những xã chăn nuôi trọng điểm nằm trong Đề án của Thành phố). Ngoài ra, có Dương Quang, Yên Thường, Kim Sơn vẫn còn tổng đàn lớn. Do vậy, để thực hiện theo Nghị Quyết 02/2020/NQ-HĐND trên thực tế là rất khó thực hiện...
 
Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND Thành phố Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại buổi làm việc
 
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã đề nghị huyện Gia Lâm làm rõ hiệu quả một số chính sách hỗ trợ cụ thể trong thực hiện các cơ chế chính sách như hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, tập huấn. Đồng thời, chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách. 
 
Kết luận buổi giám sát, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND Thành phố Hồ Vân Nga khẳng định, huyện Gia Lâm đã chú trọng triển khai các chính sách của Trung ương và Thành phố về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, từ đó, thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế chất lượng cao. Ghi nhận những khó khăn, vướng mắc và những kiến nghị, đề xuất của huyện, Trưởng đoàn giám sát khẳng định, Ban sẽ tổng hợp, tham mưu HĐND Thành phố xem xét, ban hành chính sách kịp thời đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thời gian tới.

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t