Giám sát việc thực hiện các cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn tại huyện Quốc Oai (20:28 23/03/2023)


HNP - Tiếp tục chương trình giám sát việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương và Thành phố về phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Thành phố, chiều 23/3, Ban Kinh tế Ngân sách, HĐND Thành phố đã làm việc với UBND huyện Quốc Oai

Quang cảnh buổi làm việc


Trước khi làm việc với UBND huyện, Đoàn giám sát đã đi khảo sát thực tế mô hình sản xuất gà giống tại xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai.
 
Theo báo cáo của UBND huyện Quốc Oai, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương và Thành phố, huyện đã phát triển các mô hình khuyến nông và mô hình nông nghiệp như: Sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy vụ mùa tại xã Đồng Quang; sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn tại xã Tuyết Nghĩa, Hòa Thạch; triển khai chăn nuôi bò sinh sản năm thứ 2 tại xã Sài Sơn; hỗ trợ cơ giới hóa trong nông nghiệp; sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng công nghiệp tại xã Sài Sơn; mô hình sản xuất lúa chất lượng cao Japonica J02 vụ Xuân và vụ Mùa tại các xã Sài Sơn, Thạch Thán, Ngọc Liệp, Đông Yên, Đông Xuân; sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn tại xã Đồng Quang, Đông Xuân…
 
Về kết quả thực hiện chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội (theo Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND Thành phố), huyện Quốc Oai cũng đã phát triển 1.287 ha, chủ lực là nhãn chín muộn, ổi, bưởi diễn. Giá trị thu nhập trung bình của các khu trồng cây ăn quả đạt 280-300 triệu đồng/ha, nhiều mô hình cây ăn quả đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thu nhập trung bình 350-400 triệu đồng/ha. UBND huyện tích cực hỗ trợ liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp, siêu thị và hỗ trợ cấp mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu sang các thị trường châu Âu và Mỹ…
 
Tuy nhiên, theo UBND huyện Quốc Oai, sau khi ban hành nghị quyết, các sở, ngành Thành phố chưa có hướng dẫn chung quy trình và hồ sơ thanh quyết toán nên cấp huyện khó triển khai như: định mức quy định hỗ trợ tiền đi lại đối với người ở xa từ 15km trở lên theo giá giao thông công cộng, tối đa không quá 200.000đ/học viên/khóa tập huấn đối với nơi không có phương tiện giao thông công cộng (tài liệu minh chứng nơi không có phương tiện giao thông công cộng).
 
Đại diện UBND huyện Quốc Oai báo cáo tại buổi làm việc
 
Về hỗ trợ từ ngân sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thủy sản ứng dụng công nghệ cao không cụ thể nên các ngành chưa thống nhất để xác định theo tiêu chuẩn, đối tượng hỗ trợ. Nội dung chi hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác liên kết ghi thực hiện theo Nghị định Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ, chưa có Thông tư hướng dẫn cụ thể thực hiện chính sách hỗ trợ nên cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp hợp tác xã khó triển khai các bước thực hiện.
 
Trên cơ sở đó, huyện Quốc Oai đề nghị HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết về một số chính sách đặc thù khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn thành phố Hà Nội thay thế cho Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 05/12/2018 của HĐND Thành phố. Trong đó có một số nội dung đề nghị sửa đổi và bổ sung các chính sách về hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường; cho vay vốn dài hạn hơn để khuyến khích người dân đẩy mạnh đầu tư sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản trên địa bàn, hạn chế việc ảnh hưởng của yếu tố thị trường đến quá trình sản xuất. UBND Thành phố thống nhất quy trình thực hiện các bước để mời gọi đầu tư cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung theo quy hoạch của thành phổ để đẩy nhanh tiến độ, nhằm di dời các cơ sở, hộ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong khu dân cư.
 
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát ghi nhận, huyện Quốc Oai đã quan tâm lãnh đạo chỉ đạo triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương và Thành phố về phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn, từng bước giúp người nông dân thay đổi nhận thức về sản xuất hàng hóa theo phù hợp với yêu cầu thị trường và đảm bảo chất lượng sản phẩm. 
 
Đồng tình với những khó khăn, vướng mắc huyện nêu tại buổi làm việc, Đoàn giám sát cho biết, qua ghi nhận tại buổi làm việc cho thấy có những khó khăn ngay trong nội dung các chính sách do chưa sát với thực tế, khó khăn do hướng dẫn của các sở ngành còn chưa cụ thể, trong thực tiễn triển khai chưa đáp ứng được yêu cầu. Đoàn giám sát cũng đề nghị huyện rà soát, hoàn thiện báo cáo trên cơ sở trao đổi của các sở ngành, đơn vị, để Đoàn giám sát tổng hợp chung đưa vào báo cáo giám sát.

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t