Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố giám sát tại quận Đống Đa về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (20:59 08/02/2023)


HNP - Chiều 8/2, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội giám sát chuyên đề tại quận Đống Đa về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 về Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, giai đoạn 2014-2022, trên địa bàn thành phố Hà Nội. Phó trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai - Phó trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.  

Đoàn giám sát tiến hành giám sát trực tiếp với giáo viên, học sinh Trường THCS Bế Văn Đàn


Trước khi làm việc với lãnh đạo quận Đống Đa, Đoàn giám sát đã đi khảo sát thực tế tại trường THCS Bế Văn Đàn. Báo cáo với Đoàn giám sát, Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn Đào Thị Hồng Hạnh khẳng định: Nhà trường thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đúng văn bản chỉ đạo của các cấp, truyền thông đầy đủ tới đội ngũ giáo viên, cha mẹ học sinh và các tổ chức có liên quan tại địa phương, đảm bảo dân chủ, công khai. Nhà trường đã chú trọng phát huy năng lực tự chủ, sáng tạo của mỗi giáo viên và tổ chuyên môn trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. 
 
Việc lựa chọn sách giáo khoa và xây dựng tài liệu đảm bảo tính công khai, minh bạch, được sự đồng thuận của đội ngũ giáo viên và phụ huynh học sinh. Nhà trường tổ chức đăng ký mua sách trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh và học sinh; không bắt buộc học sinh mua thêm các loại sách và tài liệu tham khảo ngoài danh mục sách giáo khoa nhà trường đã lựa chọn. 
 
Đồng thời, nhà trường chỉ đạo các tổ nhóm chuyên môn soạn giảng chú trọng việc tích hợp liên môn, tăng cường thực hành và gắn kết với thực tiễn cuộc sống, nhằm phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh. Tất cả các đầu sách được nhà trường lựa chọn và đề xuất đều được phê duyệt, không có định hướng, áp đặt cho các thầy, cô giáo của nhà trường. 
 
Để thực hiện giảng dạy theo chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2028, nhà trường đã tạo điều kiện và khuyến khích giáo viên tham gia đầy đủ các chương trình tập huấn do các cấp tổ chức; đồng thời, chủ động mời các chuyên gia tới trường tập huấn cho giáo viên; khuyến khích giáo viên tích cực dự giờ, trao đổi bài dạy trong các tiết sinh hoạt của tổ nhóm chuyên môn...
 
Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn Đào Thị Hồng Hạnh báo cáo tại buổi làm việc
 
Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học cơ bản đáp ứng yêu cầu với các phòng học, phòng chức năng, phòng hỗ trợ học tập như thư viện, tham vấn tâm lý học đường, phòng y tế...
 
Tuy nhiên, việc chưa chuẩn bị đủ nhân lực, vật lực là yếu tố hạn chế trong thực hiện chương trình. Chương trình mới đòi hỏi giáo viên phải tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ tin học, sử dụng các phương tiện dạy học công nghệ cao; đòi hỏi giáo viên linh hoạt trong sử dụng phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận và phát huy được năng lực của người học, điều này đối với giáo viên lớn tuổi gặp một số khó khăn.
 
Ngoài ra, với học sinh thì trình độ nhận thức không đồng đều, Chương trình đòi hỏi sự luyện tập, thực hành, tự học để đáp ứng yêu cầu bài học nên một số học sinh thụ động, chưa sắp xếp, bố trí thời gian để thực hiện được đủ các yêu cầu.
 
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát ghi nhận những nỗ lực cũng như kết quả Trường THCS Bế Văn Đàn đã đạt được; đồng thời trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung về những khó khăn trong quá trình triển khai, với các giáo viên được tập huấn có gặp những khó khăn gì khi từ dạy đơn môn sang dạy tích hợp liên môn…
 
Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát với quận Đống Đa
 
Tiếp đó, Đoàn giám sát đã làm việc với lãnh đạo quận Đống Đa. Theo báo cáo của UBND quận Đống Đa, trên địa bàn quận hiện có 82 trường trực thuộc, gồm 62 trường công lập; trong đó có 38 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 61,29%).
 
Ngành Giáo dục và đào tạo Đống Đa thực hiện bảo đảm theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cụ thể bảo đảm về cơ sở vật chất phòng học, phòng chức năng, trang thiết bị đồ dùng dạy học được trang bị, mua sắm, tự thiết kế, tự làm để thực hiện chương trình. Ngành Giáo dục cơ bản bố trí giáo viên biên chế và bổ sung hợp đồng giáo viên để thực hiện dạy đúng, dạy đủ các môn, hoạt động giáo dục bắt buộc theo chương trình, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học.
 
Lựa chọn sách giáo khoa được thực hiện công khai minh bạch theo đúng quy định, cung ứng đảm bảo cho việc học tập và giảng dạy. Học sinh được tiếp cận với chương trình mới, sách giáo khoa mới kết hợp với điều chỉnh, bổ sung nội dung dạy học góp phần đạt được mục tiêu chương trình, chất lượng giáo dục được nâng lên.
 
Tuy nhiên, do kinh phí đầu tư còn hạn hẹp nên việc mua sắm thiết bị dạy học theo hướng tích cực, hiện đại còn nhiều hạn chế; việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm theo chương trình gặp nhiều khó khăn. Các môn học liên môn như: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật ở cấp THCS chưa đủ giáo viên. Khối lượng kiến thức và việc tổ chức các hoạt động giáo dục từ lớp 1 trở lên là vẫn còn nhiều, chưa giảm...
 
Trước thực trạng trên, quận Đống Đa đề nghị cần có giải pháp hỗ trợ về bù giá sách giáo khoa cho học sinh; có chính sách cải thiện về lương của nhà giáo trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đáng chú ý, quận đề nghị hỗ trợ kinh phí trang bị sách giáo khoa dùng chung cho các nhà trường để tái sử dụng nhiều lần tránh lãng phí…
 
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi giám sát
 
Bên cạnh đó, quận đề nghị Thành phố phân bổ đủ biên chế theo định mức quy định và tổ chức tuyển dụng giáo viên, nhân viên kịp thời, bảo đảm điều kiện nhân lực thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa...
 
Phát biểu tại buổi giám sát, đại biểu Quốc hội Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đã được Đảng, Chính phủ quyết tâm thực hiện nhằm cụ thể hóa việc đổi mới mục tiêu cơ bản của giáo dục từ tập trung vào trang bị kiến thức, kỹ năng sang phát triển phẩm chất và năng lực người học.
 
Để thực hiện hiệu quả chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh vấn đề đổi mới quản trị các cơ sở giáo dục, đòi hỏi thay đổi tư duy của nhà quản lý, cách quản lý, quản trị nhà trường. Đồng thời cho rằng đội ngũ nhà giáo cần có sự đổi mới về thái độ, tư duy và phương pháp dạy học, Bộ trưởng khẳng định đây là khâu có tính chất quyết định để đánh giá ngắn hạn kết quả đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
 
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Phạm Thị Thanh Mai kết luận buổi giám sát
 
Kết luận buổi giám sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Phạm Thị Thanh Mai đề nghị quận Đống Đa tập trung tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của phụ huynh học sinh trong đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Bên cạnh đó, quận cần bảo đảm điều kiện ban đầu cho giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ; liên thông quy hoạch của giáo dục với quy hoạch đất đai để bố trí địa điểm các trường học.

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t