Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri thị xã Sơn Tây trước Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV (20:06 03/10/2022)


HNP - Chiều 3/10, tại Học viện Biên phòng, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội gồm các đại biểu: Phạm Thị Thanh Mai, Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Thành phố; Nguyễn Xuân Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội; Nguyễn Tuấn Thịnh, đại biểu Quốc hội chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội; Trần Việt Anh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội; Lê Nhật Thành, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội, đã tiếp xúc với cử tri thị xã Sơn Tây trước Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, và lấy ý kiến vào dự thảo Luật Phòng thủ dân sự.

Quang cảnh hội nghị


Tại hội nghị, sau khi nghe đại biểu Quốc hội Thành phố thông tin về dự kiến thời gian, nội dung kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV và báo cáo tổng hợp trả lời kiến nghị của cử tri tại kỳ tiếp xúc trước, cử tri thị xã Sơn Tây đã phát biểu bày tỏ sự đồng tình; đồng thời nêu một số ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi).
 
Đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cử tri thị xã Sơn Tây kiến nghị bổ sung khái niệm thế nào là trưng dụng đất trong trường hợp cấp bách về thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh; sửa đổi một số quy định về hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo luật; quy định cụ thể trách nhiệm của nhà nước cung cấp thông tin về đất đai...
 
Cử tri thị xã Sơn Tây phát biểu tại hội nghị
 
Liên quan đến dự thảo Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi), cử tri thị xã Sơn Tây kiến nghị luật cần quy định việc đầu tư cơ sở vật chất cho các bệnh viện, trung tâm y tế theo định mức sẵn có...
 
Cũng tại hội nghị, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến của cử tri vào dự thảo Luật Phòng thủ dân sự. Các ý kiến nhận định, việc xây dựng một đạo luật riêng về phòng thủ dân sự là cần thiết nhằm khắc phục sự phân tán, riêng lẻ của các văn bản luật và các văn bản dưới luật về lĩnh vực này. Cử tri cũng tập trung đóng góp ý kiến phạm vi, đối tượng điều chỉnh; nội hàm khái niệm “phòng thủ dân sự”, “thảm họa”, “sự cố”; hệ thống công trình phòng thủ dân sự, các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn công trình xây dựng đáp ứng yêu cầu phòng thủ dân sự; làm rõ quy định về cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự, cơ chế huy động, phối hợp trong phòng thủ dân sự và về tổ chức lực lượng phòng thủ dân sự; nguồn lực, chế độ, chính sách đối với phòng thủ dân sự…
 
Cụ thể, Thiếu tướng Nguyễn Đình Lưu, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho rằng, cần quy định “Trong nhiệm kỳ, cơ quan quân sự các cấp tham mưu cho UBND cùng cấp tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ có nội dung phòng thủ dân sự từ một đến hai lần” để bảo đảm thống nhất với Nghị định số 21/2019/NĐ-CP của Chính phủ về Khu vực phòng thủ. Đồng thời, quy định “Bổ sung lực lượng, phương tiện, trang thiết bị và các vật chất cần thiết, sẵn sàng triển khai Sở Chỉ huy tại chỗ, chỉ đạo trực tiếp địa bàn trọng điểm, khu vực trọng yếu nơi xảy ra thảm họa, sự cố” để bảo đảm chặt chẽ và theo đúng phương châm “4 tại chỗ” trong ứng phó thảm họa, sự cố.
 
Thiếu tướng Nguyễn Đình Lưu, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô phát biểu đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Phòng thủ dân sự
 
Cho rằng “tình trạng khẩn cấp” tại dự thảo Luật là khái niệm mới, do đó, việc quy định vào dự thảo Luật Phòng thủ dân sự nội hàm khẩn cấp là không phù hợp, Thượng tá Cao Trần Quốc Hoàng, Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an thành phố Hà Nội cho biết, nếu xác định hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tình trạng khẩn cấp chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đặc biệt trong thời điểm chống dịch Covid-19 vừa qua thì cần tập chung xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp trên cơ sở nâng Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp lên thành luật, thu hút các quy phạm về tình trạng khẩn cấp tại các văn bản luật khác nhau đưa vào Luật Tình trạng khẩn cấp, tạo sự đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo trong hệ thống văn bản quy định về tình trạng khẩn cấp.
 
Về phạm vi điều chỉnh, Thiếu tướng Trương Quang Hoài, Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1 cho rằng nội dung phạm vi điều chỉnh chưa đầy đủ, cần bổ sung thêm nội dung “khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố” vì đây là một hoạt động quan trọng trong phòng thủ dân sự. Mặt khác Luật phòng thủ dân sự là khung pháp lý để chủ động ứng phó với các thảm họa, sự cố, bảo vệ nhân dân. Thiếu tướng Trương Quang Hoài cũng đề nghị bổ sung quy định về đối tượng áp dụng của dự thảo Luật Phòng thủ dân sự; đề nghị quy định cụ thể nội dung chương trình đào tạo phòng thủ dân sự tại các nhà trường, học viện và nội dung chương trình huấn luyện phòng thủ dân sự cho các lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm, rộng rãi để bảo đảm tính thống nhất và dễ áp dụng thực hiện.
 
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tiếp thu ý kiến của cử tri tại hội nghị
 
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Phạm Thị Thanh Mai đánh giá các ý kiến đã giúp các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu chỉnh lý dự thảo luật, hoàn thiện hồ sơ dự án luật. Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố sẽ tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến, nghiên cứu để các đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Phòng thủ dân sự tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV sắp tới.

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t