Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri huyện Thanh Oai và quận Hà Đông trước Kỳ họp thứ 4 (19:37 30/09/2022)


HNP - Sáng 30/9, đoàn đại biểu thành phố Hà Nội, đơn vị bầu cử số 6 đã có buổi tiếp xúc cử tri huyện Thanh Oai trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Các đại biểu Quốc hội chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri gồm: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Phạm Đức Ấn; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị đại biểu quốc hội tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV


Tại Hội nghị, các vấn đề cử tri huyện Thanh Oai gửi đến Đại biểu Quốc hội tập trung vào các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; vấn đề ô nhiễm sông Nhuệ; tiến độ dự án Khu đô thị Mỹ Hưng; vấn đề đền bù hỗ trợ, giải phóng mặt bằng liên quan đến dự án đường vành đai 4; vấn đề chế độ chính sách cho cán bộ Hội người cao tuổi, Hội nạn nhân chất độc da cam, cán bộ cấp xã; một số vấn đề liên quan đến giáo dục - đào tạo…
 
Thay mặt Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 6, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận, tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri để chuyển đến các đơn vị chức năng có trách nhiệm để giải đáp, xử lý.
 
Bộ trưởng cho biết, dự kiến, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết; cho ý kiến 7 dự án luật; xem xét các báo cáo về vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác… Trong đó, 2 luật có tác động lớn đến đời sống nhân dân, đời sống xã hội được Bộ trưởng nhấn mạnh là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi). Riêng với những ý kiến liên quan đến giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã trực tiếp phản hồi cử tri. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh giáo dục - đào tạo đang trong thời điểm chuyển đổi; nói như Nghị quyết 29 là đổi mới căn bản, toàn diện. Với giáo dục phổ thông, toàn ngành đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây là chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội; được Quốc hội chỉ đạo qua Nghị quyết số 88, Nghị quyết số 51 và Kế hoạch của Chính phủ giao Bộ GD&ĐT làm đầu mối, các tỉnh/thành trực tiếp triển khai trên địa bàn.
 
Khẳng định một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa là chủ trương lớn, Bộ trưởng chia sẻ điểm khác biệt so với trước đây: Chương trình được biên soạn một cách chi tiết và lấy đó làm chỗ dựa cho giáo viên triển khai dạy - học, thi cử; sách giáo khoa chỉ là tài liệu, học liệu giúp giáo viên triển khai chương trình. Khác về bản chất so với trước đây, chương trình có tính chất khung, còn sách giáo khoa là chỗ dựa căn bản có tính pháp định giáo viên phải dạy theo, học sinh phải học theo. Triển khai chương trình mới, giáo viên có kinh nghiệm, năng lực tốt sẽ tương đối thuận lợi, nhưng cũng có một số giáo viên thấy khó khăn. Do đó, theo Bộ trưởng, chủ trương của Bộ GD&ĐT là phát huy giáo viên thích ứng tốt, hỗ trợ những người còn khó khăn. Thực tế, triển khai năm lớp 1, lớp 2 vừa qua, nhiều giáo viên rất hào hứng. Trong các cuộc khảo sát, giáo viên cũng ghi nhận những đổi mới cực của chương trình.
 
Bày tỏ cảm ơn và ghi nhận ý kiến của cử tri, Bộ trưởng mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng lòng, phối hợp của mọi người dân với ngành Giáo dục.
 
Trong khuôn khổ chương trình tiếp xúc cử tri, ông Bùi Văn Sáng, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cũng đã có những trao đổi, trả lời các ý kiến cử tri thuộc thẩm quyền.
 
Trước phiên trao đổi, đại diện đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 6, thành phố Hà Nội đã báo cáo cử tri dự kiến chương trình, nội dung kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; thông báo kết quả trả lời của các cơ quan có thẩm quyền về những kiến nghị cử tri tại các kỳ tiếp xúc lần trước.
 
Các đại biểu dự Hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 30/9 tại UBND quận Hà Đông
 
Chiều 30/9, Đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội thuộc Đơn vị bầu cử số 6 đã tiếp xúc với cử tri quận Hà Đông, trước Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. Cùng tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành của Thành phố; lãnh đạo quận Hà Đông.
 
Phát biểu tại hội nghị, cử tri quận Hà Đông nhất trí cao với các nội dung báo cáo của đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; cử tri quận Hà Đông đã có nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan đến các dự thảo Luật, lĩnh vực đất đai, giao thông, môi trường. Cử tri phường Yết Kiêu ghi nhận sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sắc của Đảng, nhà nước trong thời gian qua, mặc dù dịch bệnh xong kinh tế vẫn tăng trưởng khá; hoạt động của Quốc Hội tích cực, đạt hiệu quả, đã xây dựng, bổ sung các điều khoản trong các văn bản Luật phù hợp với tình hình thực tế, các Nghị định, Nghị quyết đã góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, cử tri phường Yết Kiêu đề nghị Quốc hội xem xét nên chi tiết hơn các hình thức xử lý trong Luật Hình sự, Luật Phòng chống tham nhũng cần tăng hình thức xử lý để đủ sức răn đe; đề nghị di chuyển công ty TNHH MTV Máy kéo máy nông nghiệp theo kế hoạch đã đề ra; xem xét hiệu quả của dự án BRT; đặc biệt cử tri đề nghị các Bộ Y tế, Bộ Giáo dục Đào tạo xem xét tình trạng thiếu giáo viên, lực lượng cán bộ y tế thôi việc nhiều nhất là trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh hiện nay.
 
Cử tri phường Đồng Mai đề nghị có biện pháp giải quyết dứt điểm việc cấp đất dịch vụ cho nhân dân, thống nhất các văn bản chỉ đạo; cử tri phường Mộ Lao đề nghị có biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm của sông Nhuệ trên địa bàn quận, tránh gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhân dân; đề nghị có phân cấp, phân quyền cụ thể cho phường trong việc quản lý Ban quản lý nhà chung cư; cử tri phường Kiến Hưng đề nghị các cơ quan chức năng sớm xem xét, kết luật rõ ràng việc chủ đầu tư toà nhà CT6 (TDP 17, TDP18) phường Kiến Hưng đã bị khởi tố trước đó; xem mức độ vi phạm tạo điều kiện cho nhân dân đang sinh sống tại khu chung cư được làm sổ hộ khẩu để thuận tiện trong sinh hoạt...
 
Đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri trên địa bàn quận Hà Đông. Đối với các ý kiến không thuộc thẩm quyền, đồng chí sẽ báo cáo Quốc Hội vào kỳ họp tới để chỉ đạo các Bộ, ban ngành sớm trả lời nhân dân. Riêng việc thiếu giáo viên, đồng chí cho biết lý do thiếu giáo viên trong thời gian qua do việc chuyển đổi lịch học của học sinh, chương trình giáo dục mới có thêm một số môn học mới, đối với bậc mầm non tuyển giáo viên còn khó khăn do thiếu nguồn, áp lực lơn, đòi hỏi chuyên môn cao, hệ thống trường tư nhiều…. Bộ giáo dục cũng đã có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên như tăng chỉ tiêu biên chế; tạo nguồn ngay từ các trường Đại học sư phạm; một số tỉnh thành căn cứ nguồn kinh phí qua HĐND thẩm định đã ký hợp đồng đối với giáo viên. Bộ trưởng Bộ Giáo Cảm ơn sự chi sẻ của cử tri đối với những khó khăn của ngành giáo dục, mặc dù Đảng, nhà nước rất quan tâm song lực lượng giáo viên chiếm 70% công chức viên chức nên còn khó khăn trong việc thay đổi cơ chế chính sách. Trong thời gian tới, ngành giáo dục tiếp tục chăm lo đời sống cán bộ, giáo viên, nhân viên trong phạm vi; cải thiện môi trường làm việc; nâng cao năng lực chuyên môn trên tinh thần hỗ trợ để người lao động trong ngành giáo dục yên tâm công tác.

Thu Uyên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t