Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội giám sát việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính tại huyện Phúc Thọ, quận Hai Bà Trưng (20:30 16/12/2021)


HNP - Ngày 16/12, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14, ngày 12/3/2019, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2019-2021” tại huyện Phúc Thọ và quận Hai Bà Trưng. Đồng chí Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội chủ trì đoàn giám sát.

Đoàn giám sát tại huyện Phúc Thọ


Tại huyện Phúc Thọ, số lượng các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp theo quy định của Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 là 3 xã: Cẩm Đình, Phương Độ, Vân Hà. Huyện đã triển khai thực hiện sáp nhập với 3 xã liền kề. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện có 1 cặp xã phải để lại do xã thứ 3 có ý kiến không đồng ý về tên gọi xã mới (Vân Hà, Vân Nam). Vì vậy, huyện Phúc Thọ đã tiến hành sáp nhập 4 đơn vị hành chính cấp xã gồm: Phương Độ sáp nhập với Sen Chiểu để thành lập xã Sen Phương; Cẩm Đình sáp nhập với Xuân Phú để thành lập xã Xuân Đình. Song song với thành lập xã là thành lập Đảng bộ, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội tương ứng. Việc công bố quyết định thành lập Đảng bộ, chính quyền được thực hiện đúng ngày 1/3/2020. Nhìn chung, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Phúc Thọ được thực hiện bảo đảm tiến độ theo kế hoạch của thành phố. Trong đó, tổng số đầu mối các cơ quan, tổ chức, đơn vị giảm được sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính là 22 cơ quan, đơn vị (trước sáp nhập có 48 cơ quan, đơn vị); tổng số biên chế giảm được sau khi thực hiện sắp xếp là 34 người.
 
Tại quận Hai Bà Trưng, quận đã tổ chức sắp xếp thành công các phường thuộc diện sắp xếp, trong quá trình thực hiện đều được sự đồng thuận của cán bộ và nhân dân. Việc quận thực hiện sắp xếp 4 đơn vị hành chính cũ thành 2 đơn vị hành chính mới lấy tên gọi phường Nguyễn Du và phường Phạm Đình Hổ đã góp phần tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm chi ngân sách; có nhiều điều kiện để lựa chọn đội ngũ cán bộ công chức đủ năng lực, trình độ thực hiện nhiệm vụ, nâng cao chất lượng và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tạo bền vững trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương… 
 
Chủ tịch UBND quận Nguyễn Quang Trung khẳng định, quận đã tổ chức việc sắp xếp các ĐVHC rất thành công, đáp ứng đầy đủ mục đích yêu cầu cấp trên đề ra, kể cả về thời gian. Toàn hệ thống chính trị từ quận đến tận tổ dân phố đã rất nỗ lực, từ sau sắp xếp (ngày 1/3/2020) đến nay, tình hình của 2 ĐVHC rất ổn định, hệ thống chính trị 2 phường không còn sự xáo trộn và nhất là không có mất đoàn kết nội bộ đội ngũ CBCC, đảng viên, không có đơn thư kể cả trong nội bộ Nhân dân. Quận cũng phối hợp tích cực với các sở ngành thực hiện tốt giải quyết TTHC cho người dân, đặc biệt liên quan đến các giấy tờ về đất đai. 
 
Đoàn giám sát tại quận Hai Bà Trưng
 
Trưởng đoàn giám sát Phạm Thị Thanh Mai cho biết, mục đích của đợt giám sát chuyên đề là xem xét, đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2021. Trên cơ sở kết quả giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội sẽ đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và thành phố Hà Nội trong việc sắp xếp đơn vị hành chính. Đồng thời, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và quy trình, cách thức thực hiện, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2022-2030. 
 
Đối với huyện Phúc Thọ, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã đã được thực hiện một cách bài bản, khoa học, đặc biệt là tạo sự đồng thuận trong nhân dân khi triển khai thực hiện. Trong đó, việc sắp xếp đơn vị hành chính đã thực sự gắn với mục tiêu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cùng với đó, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn được nâng cao. Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính giúp giảm đầu mối các cơ quan, đơn vị do đó thuận tiện cho công tác chỉ đạo của huyện đến cơ sở bảo đảm kịp thời, thông suốt. 
 
Đối với quận Hai Bà Trưng, đồng chí Phạm Thị Thanh Mai đánh giá, quận đã có cách làm riêng, sáng tạo, trong quá trình triển khai các nghị quyết, văn bản, quận đã triển khai bài bản, khoa học, quyết liệt, đúng quy định. Sau sắp xếp, nhân dân được thụ hưởng và quận đã minh chứng được rõ nét chủ trương sắp xếp là đúng. Quá trình tổ chức thực hiện cũng đã rút ra những kinh nghiệm, cách làm để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo. 
 
Nêu 4 nhóm vấn đề tiếp tục triển khai trong thời gian tới, đồng chí Phạm Thị Thanh Mai đề nghị quận Hai Bà Trưng tiếp tục rà soát, đối chiếu với tiêu chuẩn trong Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, cùng với yêu cầu đòi hỏi của tình hình mới xem xét có cần tiếp tục điều chỉnh, sắp xếp hay không để báo cáo Thành phố. Đồng thời, tiếp tục quan tâm đến cán bộ, đảng viên, nhân dân của các phường sau sắp xếp để kịp thời phản ánh, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền quận. Ngoài ra, quận cần triển khai việc cắm mốc thực địa, lập hồ sơ bản đồ địa giới hành chính sau sắp xếp.
 
Đối với huyện Phúc Thọ, đồng chí Phạm Thị Thanh Mai đề nghị cần tiếp tục đánh giá những tác động cụ thể sau khi sắp xếp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc khi thực hiện giai đoạn 2022-2030. Đồng thời, huyện cũng đưa ra những kiến nghị cụ thể để Đoàn giám sát làm cơ sở pháp lý hoàn thiện báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nguyễn Hợp


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t