Kỳ họp thứ hai, HĐND TP Hà Nội khoá XVI: Đại biểu thảo luận, đóng góp tích cực vào các nội dung (11:36 23/09/2021)


HNP - Trong điều kiện đảm bảo phòng chống dịch Covid 19, tại kỳ họp thứ hai, HĐND TP Hà Nội khoá XVI, Thường trực HĐND Thành phố đã gửi phiếu xin ý kiến thảo luận trước của các vị đại biểu HĐND Thành phố về 16 báo cáo và 17 dự thảo Nghị quyết trình tại Kỳ họp. Ngoài các nội dung đã nêu tại báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND Thành phố, Thường trực HĐND Thành phố đã nhận được 50 ý kiến của các vị đại biểu HĐND Thành phố để UBND Thành phố nghiên cứu tiếp thu, giải trình, bổ sung thêm thông tin cho đại biểu trước khi biểu quyết thông qua các Nghị quyết tại Kỳ họp. 

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà báo cáo nội dung thảo luận tại kỳ họp


Qua thảo luận, các đại biểu tán thành với các nội dung báo cáo của Thường trực HĐND TP, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP, Tòa án nhân dân TP, Viện Kiểm sát nhân dân TP; báo cáo, tờ trình của UBND TP; báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND TP và cho rằng các báo cáo, tờ trình được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, cô đọng, súc tích; chất lượng các báo cáo, tờ trình tốt đã cho thấy sự phối hợp chặt chẽ giữa Thường trực HĐND TP với UBND TP, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy; sự chủ động, tích cực trong việc chuẩn bị nội dung của các Sở, Ngành Thành phố với các Ban HĐND Thành phố.
 
Trong lĩnh vực kinh tế, đại biểu đề nghị phân tích rõ hơn tác động của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đến cộng đồng doanh nghiệp nói chung, trong đó, có các doanh nghiệp FDI lớn có ảnh hưởng đến phát triển KT-XH của Thành phố, cùng với tình trạng doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động có tác động lớn đến đời sống của người lao động. Đề nghị làm rõ thêm những khó khăn, thách thức đối với việc phục hồi kinh tế sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Cập nhật kịp thời các giải pháp, biện pháp điều hành và tổ chức thực hiện các chỉ đạo mới của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy tăng trưởng sản xuất kinh doanh trong tình hình mới (NQ 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; Gói hỗ trợ 21.000 tỷ đồng của CP để miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19…).
 
Đại biểu cũng đề nghị tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và đội ngũ quản lý để nhanh chóng xây dựng Kế hoạch khởi động, phục hồi và phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới. Đề xuất các giải pháp, biện pháp đặc thù, đột phá của Thành phố phù hợp với tình hình thực tế và khả năng, thẩm quyền của Thành phố nhằm xây dựng nền kinh tế tự chủ, nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể, chú trọng phân loại các giải pháp phù hợp với từng nhóm loại hình, lĩnh vực sản xuất kinh doanh (trong đó quan tâm đến kinh doanh trực tuyến đã phát huy hiệu quả trong thời gian giãn cách vừa qua).
 
Về kế hoạch và các dự án đầu tư công của TP, đại biểu đề nghị tiếp tục chỉ đạo các giải pháp cụ thể, quyết liệt để việc giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ cao theo kế hoạch đề ra. Rà soát, đánh giá kỹ từng dự án để đảm bảo việc đầu tư các công trình, dự án của kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp khả năng cân đối ngân sách; cùng với việc ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng xã hội (lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục) và hạ tầng giao thông, cần quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp trọng điểm, quan trọng để tạo tiền đề cho kêu gọi đầu tư, phát triển sản xuất; nâng cao hơn nữa hiệu quả đầu tư công, phát huy các bài học kinh nghiệm đã có, nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế với các giải pháp, bước đi chắc chắn, phù hợp.
 
Đáng chú ý, đa số các đại biểu nhất trí sự cần thiết đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương dự án vành đai 4. Đề nghị UBND TP hoàn thiện, trình phê duyệt theo quy định.
 
Trong công tác xây dựng nông thôn mới và phát triển nông nghiệp, đại biểu cho rằng cần có đánh giá kỹ hơn về kết quả, đóng góp của sản xuất nông nghiệp vào ổn định và tăng trưởng kinh tế Thành phố 8 tháng đầu năm. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu đề xuất những cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể để phục hồi, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ nông dân khắc phục khó khăn vượt qua đại dịch. Đề xuất các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, quảng bá thương hiệu sản phẩm của các làng nghề; có chính sách ưu đãi về vốn vay cho người dân các làng nghề thông qua các tổ chức hội nghề nghiệp đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.
 
Bên cạnh đó, để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, UBND Thành phố mới đây đã ban hành Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND ngày 06/9/2021 về quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội, đại biểu đề nghị UBND Thành phố tiếp tục rà soát tổng thể việc phân cấp quản lý một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố gắn với phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi của Thành phố giai đoạn 2022-2025.
 
Trong công tác phòng chống dịch Covid-19, đề nghị báo cáo, đánh giá rõ hơn các vấn đề sau để xây dựng kế hoạch thực hiện và các giải pháp triển khai trong thời gian tới: Sự nỗ lực, tích cực của các quận, huyện, thị xã; Vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội, Nhân dân, doanh nghiệp, đội ngũ y tế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; Công tác kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh an toàn dịch bệnh đối với người bán - người mua trong bối cảnh dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống, hệ thống cung cấp thực phẩm thiết yếu phục vụ người dân; Công tác xử lý vi phạm trong công tác phòng chống, dịch (về thực hiện 5K, ra đường trong trường hợp không cần thiết, đưa thông tin giả, sai sự thật trên không gian mạng,...); Kế hoạch cụ thể tiêm vắc xin của Thành phố trong 3 tháng cuối năm 2021, đặc biệt là tiêm chủng cho trẻ em và các đối tượng còn lại.
 
Ngoài ra, cần đánh giá sâu kết quả, hiệu quả các chính sách của Thành phố, đặc biệt các cơ chế chính sách liên quan đến hỗ trợ một số đối tượng gặp khó khăn trong đại dịch Covid. Tập trung hỗ trợ kịp thời, hỗ trợ bao phủ đầy đủ nhóm đối tượng khó khăn do đại dịch. Đề nghị báo cáo bổ sung thông tin về kết quả việc triển khai dạy học online thời gian qua và giải pháp khắc phục hạn chế về chất lượng đường truyền, trang thiết bị học online có lúc, có nơi còn chưa đảm bảo.
 
Trong quản lý và thực hiện quy hoạch, đại biểu đề nghị Thành phố cần quan tâm công tác quản lý quy hoạch (đặc biệt là Quy hoạch Thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050) và dành đủ kinh phí thực hiện cắm mốc giới quy hoạch. Mặt khác, cần quan tâm đến quy hoạch chất thải rắn do đến nay nhiều điểm trung chuyển chất thải rắn đã quy hoạch không phù hợp, việc triển khai thực hiện quy hoạch đối với các nhà máy xử lý rác khu vực phía Nam còn chậm, kết quả còn hạn chế,…

Nguyễn Hợp - Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t