Khảo sát các xã miền núi tại huyện Ba Vì (13:37 16/09/2020)


HNP - Sáng 16/9, Ban Văn hoá-Xã hội, Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP Hà Nội đã đi khảo sát tình hình thực hiện các chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô Hà Nội, giai đoạn 2016-2020, tại xã Vân Hòa và làm việc với UBND huyện Ba Vì.

Đoàn khảo sát làm việc với UBND huyện Ba Vì


Còn nhiều khó khăn

Báo cáo với đoàn khảo sát, ông Bùi Huy Giáp, Trưởng phòng Dân tộc - UBND huyện Ba Vì cho biết, khu vực miền núi của huyện Ba Vì có 7 xã là nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc thiểu số. Giai đoạn 2016-2020, các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của các xã này cơ bản đạt chỉ tiêu đề ra, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của 7 xã đạt 11,5%; cơ cấu nông-lâm nghiệp-thủy sản 31,3%, công nghiệp-TTCN 13,1%; xây dựng-dịch vụ du lịch 55,6%; tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia 64,7%; tỷ lệ làng văn hoá 53,2%; tỷ lệ gia đình văn hoá 86,1%; tỷ lệ hộ dân được dùng nước hợp vệ sinh 100%; thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2019 đạt 38 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,92%,… Theo kế hoạch 138/KH-UBND ngày 15/7/2016 của UBND TP, huyện được thành phố hỗ trợ đầu tư 85 dự án với tổng mức đầu tư 1.501,132 tỷ đồng; đến nay, có 36/85 dự án đã được bố trí vốn và triển khai thực hiện.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đỗ Quang Trung, các xã miền núi của huyện Ba Vì gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội. Với chương trình xây dựng nông thôn mới, trong 7 xã miền núi mới có 2 xã đạt NTM là Minh Quang và Ba Trại. Ngoài ra, cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông cũng còn hạn chế.

Nêu những khó khăn với đoàn, ông Nguyễn Xuân Chiến - Chủ tịch UBND xã Yên Bài cho biết, trong phát triển kinh tế-xã hội của xã hiện đang gặp một số khó khăn: Một số công trình an sinh xã hội hiện đang xuống cấp, Nhà văn hoá được đầu tư xây mới nhưng khi đưa vào sử dụng lại gặp bất cập ở một số hạng mục; các vai mương được bàn giao về Công ty Thuỷ lợi sông Tích quản lý nên không thường xuyên được tu sửa, bảo dưỡng, dẫn đến hiện đã xuống cấp; các mô hình để phát triển kinh tế nâng cao đời sống người dân đang được phát huy, trong đó, phải kể đến là một số mô hình du lịch trải nghiệm, tuy nhiên, lại gặp khó khăn do đây là nguồn đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi nên không được triển khai; đất ở người dân hầu hết chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên người dân không có điều kiện đảm bảo để vay vốn làm ăn.

Còn theo ông Nguyễn Trung Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng, xã giáp tỉnh Hòa Bình nên điều kiện đi về trung tâm thành phố rất khó khăn, hiện thu nhập bình quân đầu người mới đạt 32 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo 3,66%. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất về trụ sở làm việc, nhà văn hoá,… chưa được đầu tư nên điều kiện làm việc còn khó khăn. Ông Nguyễn Gia Tuệ, Chủ tịch UBND xã Vân Hòa cũng nêu khó khăn về Trạm Y tế xã được xây dựng từ năm 1993 đã rất xuống cấp, xã đã đề nghị Ban QLDA huyện đưa vào cải tạo theo Chương trình 138 nhưng chưa được đầu tư, vì vậy, khó đảm bảo chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân.


Đoàn khảo sát tại Trạm Y tế xã Vân Hoà
 

Tránh dàn trải trong đầu tư

Phát biểu tại buổi khảo sát, Trưởng ban Đô thị Nguyễn Nguyên Quân cho rằng, huyện Ba Vì cần đánh giá kỹ các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của 7 xã miền núi, so sánh với mức bình quân chung của các xã khác để đánh giá được tình hình phát triển và đời sống thực tế có chênh lệch hay không. Ngoài ra, cần rà soát lại toàn bộ 36 dự án đang triển khai thuộc chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 xem có vướng mắc khó khăn gì, những dự án đã đưa vào sử dụng gặp phải bất cập gì, tổng hợp toàn bộ để báo cáo thành phố. Đồng thời, cần rà soát xem trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án có bỏ sót đối tượng được thụ hưởng hay không.

Còn theo Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách Hồ Vân Nga, huyện cần đánh giá kỹ thực tế từng xã để bố trí đầu tư cho phù hợp, tránh trường hợp trải đều các xã hỗ trợ đầu tư như nhau. Đồng thời, huyện cần rà soát các chế độ chính sách khi triển khai trong thực tế có gặp khó khăn vướng mắc gì để báo cáo thành phố tháo gỡ kịp thời.

Cùng quan điểm trên, Phó ban Văn hoá-xã hội Nguyễn Quang Thắng nhận định, qua khảo sát cho thấy việc đầu tư còn dàn trải, vì vậy, huyện cần xếp thứ tự ưu tiên trong đầu tư để những chương trình, dự án cấp thiết được đầu tư trước. Trong đó, cần chú trọng vào chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, đầu tư trạm y tế xã đạt chuẩn, ưu tiên về chất lượng đầu tư. Trong khi đó, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Pháp chế Duy Hoàng Dương, huyện cần chú trọng đào tạo cán bộ làm công tác dân tộc, đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt cần chú trọng nâng cao vai trò của cấp uỷ trong phát triển kinh tế-xã hội của các xã miền núi.

Ông Nguyễn Tất Vinh - Trưởng ban Dân tộc thành phố cho rằng, thành phố hết sức quan tâm đầu tư để nâng cao chất lượng sống cho đồng bào dân tộc, tuy nhiên huyện và các xã phải có được bức tranh tổng thể, nắm chắc đời sống đến từng hộ dân, từ đó mới bố trí đầu tư vào lĩnh vực nào, khu vực nào.

Kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Văn hoá-Xã hội Nguyễn Thanh Bình đánh giá, kết quả thực hiện chính sách, chương trình, dự án về miền núi trong thời gian qua trên địa bàn huyện Ba Vì đã thể hiện sự tích cực của cấp uỷ, chính quyền huyện. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch đúng hướng, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, cơ sở hạ tầng, giao thông, thuỷ lợi, các công trình văn hoá-xã hội, y tế,… đã được chú trọng đầu tư, bà con đoàn kết và chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, đây là vùng còn rất nhiều khó khăn trong tổng thể bức tranh phát triển kinh tế-xã hội của huyện và thành phố. Với tiềm năng rất lớn nhưng chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế chưa thực sự rõ nét, vẫn còn có sự lúng túng trong xác định nguồn lực, định hướng phát triển, từ đó, thu nhập bình quân đầu người còn thấp. Cơ sở hạ tầng xã hội còn thiếu, những công trình đã được đầu tư thì đang xuống cấp,…

Trước những tồn tại hạn chế này, Trưởng ban Văn hoá-Xã hội đề nghị huyện Ba Vì khẩn trương rà soát lại toàn bộ các chương trình, dự án của giai đoạn 2016-2020, đánh giá rõ về những vướng mắc, khó khăn để tổng hợp, báo cáo thành phố, trong đó, có đề xuất về giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới. Huyện cũng cần tập trung tuyên truyền, đào tạo cán bộ và nhân trong khu vực, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho người dân. Đồng thời, huyện quản lý tốt đất đai và chú trọng ưu tiên nguồn lực để phát triển khu vực này.

Đối với các sở, ngành, Trưởng ban Văn hoá-Xã hội đề nghị tiếp tục quan tâm, hướng dẫn huyện và các xã trong phát triển kinh tế-xã hội khu vực miền núi để nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.


Nguyễn Hợp


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t