Đóng góp vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Bảo vệ môi trường (16:05 15/09/2020)


HNP - Sáng 15/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đồng chí Bùi Huyền Mai, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP chủ trì hội nghị.

Đồng chí Bùi Huyền Mai tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu


Phát biểu mở đầu hội nghị, bà Bùi Huyền Mai cho biết, Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013. Sau 06 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập lớn, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan và phù hợp với tình hình thực tiễn.
 
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 52/142 điều, sửa kỹ thuật 12/142 điều, bổ sung mới 02 điều, bãi bỏ nội dung liên quan đến 05 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Dự thảo Luật có bố cục gồm 04 Điều, cụ thể, Điều 1 quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Điều 2 quy định về việc bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ tại một số điều, khoản, điểm của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Điều 3 quy định về việc bãi bỏ một số điều, khoản của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 4 quy định về hiệu lực thi hành.
 
Tại hội nghị, các đại biểu đều tán thành việc cần thiết phải sửa đổi Luật này. Đồng thời, tập trung phân tích, chỉ rõ những hạn chế cần sửa đổi nội dung một số điều cho bảo đảm tính liên tục, thống nhất trong quá trình xây dựng dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết từ khi nghiên cứu, tổng kết thực tiễn.
 
Theo đại diện Sở Tư pháp, Luật đã tiếp thu, chỉnh sửa theo các ý kiến đóng góp của các tập thể, cá nhân. Tuy nhiên, dự thảo vẫn còn những vấn đề cần chỉnh sửa thêm, trong đó Luật quy định các hệ thống biểu mẫu cần thống nhất, nếu không mỗi ngành lại có biểu mẫu riêng, do đó, sẽ khó trong việc quản lý. Bên cạnh đó, tại khoản 32, điều 1 sửa đổi bổ sung điều 66 thì chưa thống nhất trong quy định về thời gian, cần rà soát lại và nên để thời gian theo ngày chứ không nên theo tháng.
 
Theo đại diện Sở Xây dựng, đối với hình thức cắt điện, nước thì nên tiến hành ngay từ giai đoạn đầu vi phạm trong trật tự xây dựng, tránh trường hợp công trình vi phạm kéo dài thì sẽ rất khó để cưỡng chế.
 
Theo đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP, nên cân nhắc lại mức xử phạt thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, bởi nếu mức vi phạm nhỏ nên phân cấp để dễ quản lý. Còn theo đại diện Sở Giao thông vận tải, nếu quy định cứng về thời gian lập biên bản xử lý vi phạm hành chính thì sẽ khó trong quá trình xử lý. Ngoài ra, đối với việc niêm phong tang vật, khi tạm giữ phương tiện, tang vật thì phải tiến hành niêm phong, tránh trường hợp khiếu nại sau này.
 
Với vai trò của chính quyền địa phương, đại diện UBND phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng cho rằng, đối với mức xử phạt thấp thì không cần thiết phải ra quyết định xử phạt, mà giao quyền cho các lực lượng chức năng xử lý. Còn theo đại diện UBND huyện Gia Lâm, đối với vi phạm trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng cháy chữa cháy, nên quy định xử phạt ở mức tối đa để tăng sự răn đe.
 
Theo Đại biểu Quốc hội - Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội, trong dự thảo Luật nên bổ sung thêm một số chức danh có thẩm quyền xử phạt hành chính trong lực lượng công an nhân dân, chẳng hạn đối với Văn phòng, hay cơ quan điều tra hình sự. Đồng thời, Luật cũng nên quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của chức danh cấp phó trong trường hợp chưa có cấp trưởng, để tránh tình trạng ùn tắc trong xử lý vi phạm hành chính của chính quyền địa phương.
 
* Chiều cùng ngày, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Hội nghị đã nghe 8 ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội và đại diện các sở, ngành liên quan.
 
Theo bà Nguyễn Thanh Tú, Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật - Sở Tư pháp, dự thảo Luật dài và nhiều thuật ngữ chuyên ngành, nếu tiếp cận dưới góc độ người dân thì sẽ rất khó hiểu, vì vậy các thuật ngữ, định nghĩa cần đơn giản hoá, dễ hiểu từ đó mới dễ thực hiện. Ngoài ra, cần bổ sung nguyên tắc công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện Luật bảo vệ môi trường. Đối với điều về giáo dục, truyền thông về môi trường, cần đưa ra những quy phạm về quy tắc ứng xử với môi trường, để làm nền tảng cho các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra bộ quy tắc ứng xử về môi trường. Đồng thời, nên bổ sung trách nhiệm của cơ quan, đoàn thể cấp xã trong việc phổ biến, tuyên truyền Luật.
 
Theo đại diện UBND phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, đối với xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, hiện nay thẩm quyền của phường chỉ được xử phạt ở mức thấp nhưng thực tế thì các vi phạm đều phải xử phạt ở khung cao nên phường phải đề xuất lên cấp trên xử phạt. Vì vậy, đề nghị Luật tăng thẩm quyền khung xử phạt vi phạm hành chính cho cấp phường. Đối với trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của UBND các cấp, quy định về cải tạo môi trường là khó thực thi đối với tiềm lực của cấp xã, vì vậy nội dung này cần được xem xét lại.
 
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Chiến, các quy định của pháp luật hiện nay về lĩnh vực môi trường còn thiếu và chưa đủ mạnh, dẫn đến môi trường chưa được đảm bảo. Qua thực tiễn cho thấy mức chế tài xử phạt như hiện nay còn thấp nên chưa đủ sức răn đe, do đó cần thiết phải tăng mức xử phạt, ngoài ra cần có những quy định mang tính đột phá.
 
Kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Huyền Mai cho biết, các ý kiến hết sức tâm huyết, trách nhiệm, cụ thể, có phân tích, đánh giá từ thực tiễn là nguồn tư liệu quan trọng. Thay mặt Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, đồng chí Bùi Huyền Mai tiếp thu toàn bộ các ý kiến để Đoàn tổng hợp, báo cáo với Quốc hội.

Nguyễn Hợp


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t