Quản lý khai thác khoáng sản cần sự phối hợp đồng bộ (19:45 27/08/2020)


HNP - Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội không quy hoạch, cấp phép khai thác cát, sỏi lòng sông. Tuy nhiên, khảo sát của các ban HĐND thành phố mới đây cho thấy, tình trạng khai thác cát trái phép trên lòng sông diễn ra chưa được xử lý triệt để, nguyên nhân do công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương với các lực lượng chức năng từ khi phát hiện vi phạm đến xử lý chưa đồng bộ.

Khó quản đối với vùng giáp ranh

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam, mặc dù không được cấp phép khai thác, nhưng do nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng ngày càng tăng, trong khi chưa có nguồn vật liệu xây dựng thay thế; lợi nhuận từ hoạt động khai thác cát lớn…Do vậy, các đối tượng thường lợi dụng đêm tối, địa bàn giáp ranh, lợi dụng giấy phép khai thác được UBND các tỉnh giáp ranh cấp phép để hoạt động khai thác cát trái phép lòng sông trên địa bàn thành phố. Từ năm 2019 đếm nay, Sở đã thành lập Đoàn kiểm tra, kiểm tra hoạt động 8 đơn vị khai thác khoáng sản; giải tỏa các bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố, nhưng thực tiễn tồn tại vẫn còn.

Khảo sát tại địa bàn huyện Thường Tín, huyện chỉ có 8 địa điểm tập kết, trung chuyển cát, vật liệu xây dựng được UBND thành phố đồng ý cho thuê đất để kinh doanh cát, bãi trung chuyển vật liệu xây dựng, nhưng cũng vẫn xảy ra nhiều vụ khai thác cát trái phép tại một số xã ven sông Hồng.

Phó Chủ tịch UNND huyện Thường Tín Nguyễn Sỹ Tuyến cho biết, hàng năm UBND huyện đều tổ chức các hội nghị để chủ tịch UBND các xã, thị trấn ký cam kết về công tác quản lý, xử lý vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, trong đó có vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác, kinh doanh vật liệu xây dựng trái phép, vi phạm về bảo vệ đê điều, nhưng vẫn còn tình trạng vi phạm. Theo đó, từ năm 2011 đến năm 2019, UBND huyện phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, xử lý 51 vụ vi phạm, trong đó, xử lý tịch thu phương tiện 2 tầu thuyền là phương tiện vi phạm khai thác cát trộm. Ngoài ra, UBND huyện cũng chỉ đạo kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về khai thác đất, cưỡng chế phá dỡ giải tỏa xong dứt điểm, chấm dứt hoạt động toàn bộ 59 cơ sở, lò sản xuất gạch tại các xã trên địa bàn huyện; xử lý, giải tỏa vật liệu xây dựng tập kết, kinh doanh trái phép đối với 7 trường hợp.

Còn đối với huyện Mê Linh, trên địa bàn huyện có 2 đơn vị khai thác cát, sỏi lòng sông được cấp phép; 2 tổ chức được cấp phép hoạt động tập kết trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông Hồng. Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng của thành phố và huyện thường xuyên quản lý, kịp thời ngăn chặn các hành vi, vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản lòng sông và vật liệu trái phép trên trên địa bàn huyện, nhưng tình trạng vi phạm pháp luật  trong hoạt động khai thác khoáng sản chưa được giải quyết một cách triệt để.

Cần xử lý đồng bộ

Phó Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Đoàn Việt Cường cho biết, việc khai thác cát trái phép đã diễn ra từ lâu, các lực lượng chức năng đã biết, kiểm tra, xử lý, song do nhiều nguyên nhân vẫn chưa xử lý đồng bộ, triệt để. Đáng lưu ý, công tác phối kết hợp giữa chính quyền địa phương với các lực lượng chức năng của thành phố từ khi phát hiện hành vi vi phạm, đến công tác kiểm tra, xử lý còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ.

Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mê Linh Phạm Minh Giáp thừa nhận, bên cạnh khó khăn các đối tượng lợi dụng đêm tối, địa bàn giáp ranh hoặc những ngày mưa để hoạt động, thì việc công tác phối hợp giữa các ban, ngành, lực lượng chức năng chưa được đồng bộ, chặt chẽ; chính quyền một số xã chưa thực sự vào cuộc trong công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản.

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Vũ Hà, hiện nay, nhiều ngành, nhiều cấp  được giao cùng quản lý lĩnh vực này (tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông-vận tải, xây dựng, công thương, UBND các cấp), do công tác phối hợp giữa  các cơ quan liên quan chưa liên tục, thường xuyên, nên hiệu quả chưa cao. Cùng với đó, công tác kiểm tra, phát hiện các trường hợp vi phạm về khai thác, hút cát trộm dưới lòng sông còn gặp nhiều khó khăn do lực lượng tham gia mỏng, chưa có đủ phương tiện phục vụ khi kiểm tra, đối tượng thường hoạt động vào ban đêm nên công tác kiểm tra, bắt giữ là rất khó khăn.

“Hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Hồng diễn ra đa số lén lút hoạt động vào ban đêm, do lực lượng, phương tiện để xử lý hoạt động khai thác khoáng sản (cát, sỏi) trái phép trên sông còn thiếu. Hiện tại, Công an huyện Mê Linh chưa có cán bộ được đào tạo về điều khiển ca nô và việc quản lý, sử dụng phương tiện (ca nô) gặp nhiều khó khăn nên việc triển khai lực lượng bắt giữ còn bị động, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác bắt giữ, xử lý vi phạm”- Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết thêm.

Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân cho biết, để xử lý triệt để các vụ khai thác khoáng sản trái phép, Công an thành phố cần tăng cường phối hợp Công an các huyện tập huấn về công tác phát hiện, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản. Cùng với đó, công tác phối hợp cần được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa, bao gồm cả thanh tra kiểm tra định kỳ và đột xuất. Thời gian tới, hoạt động quản lý khai thác cát sỏi lòng sông sẽ được HĐND thành phố tiếp tục khảo sát, giám sát, từ đó có những kiến nghị cụ thể, quyết liệt hơn đối với Trung ương và thành phố trong lĩnh vực này.


Hà Vy


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t