Nhiều giải pháp trong công tác đào tạo nghề lao động nông thôn (14:42 15/07/2020)


HNP - Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 15, HĐND TP Hà Nội khóa XV, đại biểu HĐND TP đã đặt câu hỏi chất vấn bằng văn bản đối với UBND TP và các sở, ngành về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, trong đó, tập trung vào những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này.

Đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Tổ đại biểu huyện Sóc Sơn) nêu chất vấn, hiện nay, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn mới chủ yếu dựa trên đăng ký học nghề của người lao động, chưa gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, yêu cầu của thị trường lao động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch nông thôn mới của địa phương và nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đề nghị UBND Thành phố cho biết nguyên nhân? Giải pháp thực hiện trong thời gian tới?

Về câu hỏi chất vấn này, UBND TP đã có văn bản trả lời. Theo đó, để có cơ sở ban hành kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hàng năm UBND Thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã có đào tạo nghề cho lao động nông thôn đề xuất chỉ tiêu, ngành nghề đào tạo trên cơ sở thực hiện rà soát nhu cầu học nghề của người lao động nông thôn bảo đảm các nghề nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch phát triển xây dựng thôn mới, quy hoạch sản xuất nông nghiệp và yêu cầu tái cấu trúc ngành nông nghiệp. Nghề phi nông nghiệp phải xuất phát từ quy hoạch sản xuất công nghiệp, dịch vụ, quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp, nhu cầu sử dụng lao động theo vị trí việc làm của thị trường và trong doanh nghiệp.

Tính đến tháng 12/2019, toàn Thành phố có khoảng 17.813 lao động làm việc tại 1.053 HTX nông nghiệp đang hoạt động và 11.108 lao động làm việc tại 2.912 trang trại. Trung bình, 01 trang trại sử dụng 3,8 lao động, 01 HTX có 16,9 lao động, lao động của các trang trại, HTX đều hoạt động trong lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và được phân bố ở 21 quận, huyện, thị xã. Qua 10 năm thực hiện, đã có 102.537 lao động đã được đào tạo nghề nông nghiệp, lao động đang làm việc tại các HTX, trang trại có nhu cầu đã được đào tạo theo đúng quy định.

Giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở tái cơ cấu ngành nông nghiệp, UBND Thành phố sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung quy hoạch nông nghiệp để định hướng phát triển nông nghiệp cho các huyện thị xã. Trên cơ sở quy hoạch nông nghiệp, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng NTM của địa phương năm 2021, UBND Thành phố sẽ chỉ đạo rà soát nhu cầu đào tạo, đào tạo nâng cao nghề nông nghiệp trên địa bàn, tổ chức đào tạo nâng cao cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn Thành phố.

UBND TP cũng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc công tác khảo sát xác định nhu cầu học nghề; chính quyền cấp xã, các hội đoàn thể ở cơ sở phải chịu trách nhiệm công tác khảo sát, xác định nhu cầu đào tạo gắn với định hướng đào tạo của Thành phố, của Bộ, các ngành đã hướng dẫn. Các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng các giải pháp khuyến khích doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh tại địa phương tích cực tham gia Đề án, phối hợp với các cơ sở dạy nghề trong công tác tổ chức đào tạo thực hành nghề và tiếp nhận lao động sau học nghề hoặc bao tiêu sản phẩm (công nghiệp, nông nghiệp) lâu dài.

Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Phạm Thị Thanh Hương (Tổ đại biểu huyện Ứng Hòa) đặt câu hỏi, qua giám sát của HĐND cho thấy, hầu hết người lao động sau đào tạo nghề phải tự tạo việc làm và có mức thu nhập thấp, số được các doanh nghiệp tuyển dụng không nhiều. Đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết công tác kiểm tra, giám sát của Sở đối với nội dung trên? Nguyên nhân? Trách nhiệm và giải pháp để khắc phục tình trạng trên trong thời gian tới?

Về câu hỏi này, Sở Lao động, TB&XH cho biết, để tiếp tục đảm bảo yêu cầu của chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn đó là đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đáp ứng nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và giảm nghèo bền vững. Thời gian tới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Thành phố cần tiếp tục thực hiện theo hướng tổ chức các nghề nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch phát triển xây dựng thôn mới, quy hoạch sản xuất nông nghiệp và yêu cầu tái cấu trúc ngành nông nghiệp. Nghề phi nông nghiệp phải xuất phát từ quy hoạch sản xuất công nghiệp, dịch vụ, quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp, nhu cầu sử dụng lao động theo vị trí việc làm của thị trường và trong doanh nghiệp.

Cùng với đó, ngành nghề tổ chức đào tạo phải phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường lao động, phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đáp ứng nhiệm vụ tái cơ cấu ngành, lĩnh vực và giảm nghèo bền vững tổ chức đào tạo nghề phải gắn với các yêu cầu thực tế của các doanh nghiệp; có sự kết hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, đơn vị đào tạo và cơ quan địa phương trong tổ chức đào tạo giải quyết việc làm cho người lao động, thực hiện nghiệm túc không tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi chưa xác định được nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có đựợc sau khi học nghề.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương (Tổ đại biểu huyện Đông Anh) đặt câu hỏi, hiện nay, chính sách tín dụng cho vay giải quyết việc làm sau học nghề cho người lao động nông thôn còn bất cập, nguồn vốn cho vay chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay giải quyết việc làm của người lao động. Đề nghị Ngân hàng chính sách xã hội Thành phố cho biết nguyên nhân hạn chế của việc cho vay giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo nghề Trách nhiệm? Giải pháp để khắc phục trong thời gian tới?

Về câu hỏi này, Ngân hàng chính sách xã hội Thành phố cho biết, tính đến 30/6/2020, NHCSXH thành phố Hà Nội đang triển khai cho vay 16 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đạt 9.687 tỷ đồng với trên 246 nghìn khách hàng đang vay vốn, trong đó, dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm 5.075 tỷ đồng (tỷ trọng 52% trên tổng dư nợ) với gần 120 nghìn khách hàng. Thông qua nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, 6 tháng đầu năm 2020 Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội đã phối hợp với hội, đoàn thể các cấp cho vay được 45.538 lượt khách hàng, giải quyết việc làm cho trên 47.000 lao động trên địa bàn Thành phố.

Theo rà soát của Sở Lao động Thương binh và xã hội tổng số hộ có nhu cầu vay vốn năm 2020 là 71.591 hộ, như vậy, Chi nhánh mới cho vay được 63% nhu cầu vay vốn năm 2020, vẫn còn 26.053 hộ có nhu cầu vay vốn trong năm 2020 nhưng chưa được đáp ứng vốn vay. Trong thời gian tới, Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với Sở LĐTB&XH và các sở, ban, ngành liên quan tham mưu UBND Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã bố trí Ngân sách chuyển vốn sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay giải quyết việc làm của nhân dân trên địa bàn.


Thanh Tình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t