Trả lời chất vấn của đại biểu HĐND TP trong lĩnh vực cơ chế chính sách (20:03 09/07/2020)


HNP - Kỳ họp thứ 15, HĐND TP Hà Nội khóa XV đã đổi mới hình thức chất vấn, đó là không thực hiện chất vấn trực tiếp trên hội trường mà dành thời gian để đại biểu thảo luận giải pháp phát triển kinh tế-xã hội sau dịch Covid-19. Do đó, HĐND TP đã tiến hành chất vấn qua văn bản, đại biểu gửi câu hỏi chất vấn để UBND TP và các sở, ngành liên quan trả lời.

Trong đó, đối với nhóm vấn đề thực hiện một số cơ chế chính sách của Thành phố, 5 đại biểu HĐND TP đã gửi câu hỏi đề nghị UBND TP trả lời. Đáng chú ý, đại biểu Hoàng Thị Tú Anh (Tổ ĐB Đan Phượng) đề nghị UBND Thành phố cho biết kết quả việc triển khai thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ dịch bệnh Covid-19. Những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và giải pháp khắc phục.

Trả lời câu hỏi này, UBND TP cho biết, tính đến 20/5/2020, Thành phố cơ bản đã hoàn thành công tác chi trả cho 4 nhóm đối tượng (người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo). Đã có 385.516/3 85.683 người được nhận hỗ trợ với kinh phí là 474,2 tỷ đồng. Tỷ lệ chi trả toàn Thành phố đạt 99,97%, làm tròn là 100%. Còn 167 đối tượng chưa nhận hỗ trợ vì các đối tượng này hiện đang vắng mặt tại nơi cư trú.

Thực hiện giai đoạn 2 về công tác hỗ trợ các đối tượng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thành phố Hà Nội thực hiện triển khai việc hỗ trợ cho 05 nhóm đối tượng: (1) Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương. (2) Hộ kinh doanh (có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 01 tháng 4 năm 2020). (3) Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. (4) Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm. (5)  Người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động. Đến 4/6/2020, đã có 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội tổ chức triển khai thực hiện công tác hỗ trợ cho cho 5 nhóm đối tượng trên. Kết quả tính đến 17h ngày 02/7/2020, số người được phê duyệt hỗ trợ là 17.079 người với kinh phí 17.375,8 triệu đồng; Số hộ được phê duyệt hỗ trợ là 992 hộ với kinh phí 992 triệu đồng; Số doanh nghiệp có người lao động được hỗ trợ là 11 doanh nghiệp. Với những khó khăn vướng mắc trong công tác này, UBND TP đã đưa nhiều các giải pháp khắc phục.

Cũng liên quan đến cơ chế chính sách, đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung (Tổ ĐB Gia Lâm) chất vấn, qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 15 của HĐND Thành phố, rất nhiều cử tri các quận, huyện kiến nghị Thành phố cần có hướng dẫn cụ thể đối với việc bố trí chức danh Phó Trưởng thôn, Phó Tổ trưởng Tổ dân phố và chính sách đối với đối tượng này. Đồng thời cử tri cũng đề nghị Thành phố cần có quy định, hướng dẫn cụ thể về quy mô diện tích, số hộ dân... làm căn cứ, cơ sở để các địa phương triển khai việc sắp xếp kiện toàn các thôn, tổ dân phố, vì hiện nay chưa có hướng dẫn nên việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, chưa đạt được sự đồng thuận của nhân dân.

Với câu chất vấn này, UBND TP cho biết, về việc bố trí chức danh Phó Trưởng thôn, Phó Tổ trưởng tổ dân phố tại thôn, tổ dân phố, căn cứ Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 hướng dẫn về Tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố và Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 03/12/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV, UBND Thành phố đã ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố (ban hành kèm theo Quyết định số 16/2019/QĐ-UBND ngày 19/9/2019) và Quyết định số 08/2020/QĐ-UBND ngày 27/4/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố.

Tại Điều 4 của Quy chế quy định: “Mỗi thôn có Trưởng thôn; mỗi tổ dân phố có Tổ trưởng tổ dân phố. Trường hợp cần thiết thì có 01 Phó Trưởng thôn, 01 Phó Tổ trưởng tổ dân phố”. Tại Khoản 2, Điều 15 của Quy chế quy định: “... Phó Trưởng thôn, Phó Tổ trưởng tổ dân phố do Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố lựa chọn sau khi xin ý kiến Chi ủy chi bộ và thống nhất với Trưởng ban Công tác mặt trận thôn, tổ dân phố để đề nghị UBND cấp xã ban hành quyết định công nhận”.

Như vậy, tùy theo tình hình thực tế của địa phương, nếu thấy cần thiết, UBND cấp xã có quyền quyết định việc bố trí 01 Phó trưởng thôn, 01 Phó Tổ trưởng tổ dân phố trên cơ sở đề nghị của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố khi Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố đã xin ý kiến Chi ủy chi bộ và thống nhất với Trưởng ban Công tác mặt trận của thôn, tổ dân phố.

Về chính sách đối với Phó Trưởng thôn, Phó Tổ trưởng tổ dân phố, căn cứ quy định tại Nghị định 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ, HĐND thành phố đã có Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 quy định về số lượng, chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; mức phụ cấp, mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố; chế độ hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách cấp xã không tiếp tục bố trí công tác trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tại Điểm 4.1, Khoản 4, Điều 1, Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND của HĐND Thành phố quy định mức bồi dưỡng đối với những người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố. Theo đó, mức bồi dưỡng hàng tháng đối với Phó Trưởng thôn, Phó Tổ trưởng tổ dân phố không quá 0,7 mức lương cơ sở. Như vậy, ngoài Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng ban công tác Mặt trận được hưởng phụ cấp thì Phó Trưởng thôn, Phó Tổ trưởng tổ dân phố cũng được hưởng mức bồi dưỡng theo quy định.

Về quy định, hướng dẫn cụ thể quy mô diện tích, số hộ dân làm căn cứ sắp xếp, kiện toàn các thôn, tổ dân phố, hiện nay, các văn bản của Trung ương hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố không có quy định về quy mô diện tích của thôn, tổ dân phố mà chỉ quy định cụ thể về quy mô số hộ gia đình của thôn, tổ dân phố để làm căn cứ sắp xếp kiện toàn.

UBND Thành phố đã có Quyết định số 5241/QĐ-UBND ngày 19/9/2019 ban hành Đề án tiếp tục kiên toàn thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố. Theo đó quy định quy mô số hộ gia đình của các thôn, tổ dân phố phải xem xét thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn như sau: Các thôn có quy mô dưới 150 hộ gia đình thì phải sáp nhập với thôn liền kề; các tổ dân phố có quy mô dưới 225 hộ gia đình thì phải sáp nhập với tổ dân phố liền kề.

Tuy nhiên, tại Đề án tiếp tục kiện toàn thôn, tổ dân phố, UBND Thành phố cũng đã chỉ đạo các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện cần xem xét đến các yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, địa hình và phong tục tập quán của cộng đồng dân cư tại địa phương để xây dựng phương án kiện toàn thôn, tổ dân phố hợp lý, tạo được sự đồng thuận của nhân dân địa phương và đúng với quy định của pháp luật.


Hoàng Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t