Công tác tổ chức lễ hội Xuân Canh Tý đảm bảo đúng quy định (20:52 31/01/2020)


HNP - Công tác quản lý di tích và tổ chức lễ hội Xuân Canh Tý có nhiều chuyển biến, đảm bảo an ninh an toàn cho du khách chiêm bái, đó là đánh giá của Đoàn khảo sát của các Ban HĐND thành phố Hà Nội về công tác quản lý lễ hội Xuân, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trông giữ phương tiện giao thông, chiều 31/01, tại 03 quận Đống Đa, Ba Đình và Hoàn Kiếm.

Đoàn khảo sát tại di tích đình Kim Liên


Phục vụ tốt du khách đến chiêm bái

Trên địa bàn quận Ba Đình có 73 di tích lịch sử văn hóa và di tích cách mạng kháng chiến. Trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, UBND quận đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo tốt công tác quản lý lễ hội gắn với việc tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương thực hiện tốt quy định khi tham gia lễ hội. Tại các di tích, Ban quản lý đã phân công hướng dẫn phục vụ khách tham quan, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị, không để hàng quán bày bán trái phép các ấn phẩm, vàng mã trước cổng di tích. 100% các di tích đã trang bị đầy đủ trang phục, áo khoác dài để phục vụ khách tham quan, lễ bái.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, trước Tết Nguyên đán Canh Tý, quận đã ban hành 08 văn bản chỉ đạo về công tác quản lý trật tự đô thị về các hoạt động phục vụ chợ hoa, bắn pháo hoa, dọn vệ sinh môi trường trước, trong và sau Giao thừa. Năm nay, công tác vệ sinh môi trường sau Giao thừa tại khu vực hồ Hoàn Kiếm và phố cổ được hoàn thành sớm. Ngoài ra, các điểm trông giữ phương tiện đảm bảo thu đúng giá quy định. Quận cũng phân luồng giao thông kịp thời nên trong đêm Giao thừa không xảy ra ùn tắc.

Đối với quận Đống Đa, công tác quản lý Nhà nước đối với các lễ hội luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Quận đến cơ sở quan tâm chỉ đạo. Thực hiện chỉ đạo của UBND quận, tại tất cả các lễ hội đều xây dựng kế hoạch và triển khai hiệu quả các phương án đảm bảo vệ sinh, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, có phân công nhiệm vụ cụ thể, với sự tham gia đồng bộ, có hiệu quả của các đơn vị liên quan thuộc quận, các phường và các đoàn thể quần chúng nhân dân. Các lễ hội quận Đống Đa thường diễn ra trong thời gian ngắn, không gian hẹp. Cùng với việc thực hiện trông giữ xe miễn phí, tại tất cả các lễ hội không tổ chức dịch vụ ăn uống và các hoạt động kinh doanh. Trước và trong thời gian tổ chức lễ hội, Quận đều tổ chức đoàn kiểm tra phối hợp với chính quyền sở tại kiểm tra, nhằm chấn chỉnh không để diễn ra hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, các đối tượng bán hàng đeo bám khách gây mất trật tự, ảnh hưởng xấu tới mỹ quan và không gian văn hóa.

Cùng với việc tích cực tham gia phối hợp đoàn kiểm tra của thành phố, vào mỗi dịp đầu năm, UBND quận Đống Đa thành lập đoàn kiểm tra công tác quản lý di tích, tổ chức lễ hội. Thông qua công tác kiểm tra đã kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh những hạn chế trong công tác tổ chức lễ hội, góp phần đảm bảo các lễ hội được tổ chức trang trọng, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm theo đúng quy định hiện hành, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân.

Du khách đến chiêm bái tại đền Quán Thánh

Theo ghi nhận trực tiếp tại 4 Đình, Đền: Kim Liên (Đống Đa), Voi Phục, Quán Thánh (Ba Đình) và Bạch Mã (Hoàn Kiếm) - “Thăng Long Tứ Trấn” - công tác quản lý có nhiều chuyển biến so với các năm trước, không xảy ra tình trạng lộn xộn, bán hàng rong tại cổng di tích, giao thông quanh khu vực thông thoáng. Tại Đền Bạch Mã còn tổ chức bãi trông xe miễn phí cho nhân dân đến di tích. Đặc biệt, Ban quản lý các di tích rất kịp thời thông tin về tình hình dịch bệnh hô hấp cấp do chủng mới virus Corona để du khách tự biết cách phòng tránh khi đến những nơi đông người, trong đó, tại đền Bạch Mã có bảng hướng dẫn và loa phát thanh để thông tin kịp thời tới người dân.

Tiếp tục quản lý di tích và tổ chức lễ hội trật tự, văn minh

Đoàn khảo sát ghi nhận, năm nay, công tác quản lý các đình, đền có nhiều chuyển biến so với các năm trước. Tại các di tích, Ban quản lý đã phân công người hướng dẫn phục vụ khách tham quan, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, không để hàng quán bày bán trái phép các ấn phẩm, vàng mã trước cổng di tích.

Theo Trưởng ban Đô thị Nguyễn Nguyên Quân, do yếu tố khách quan, hạ tầng đô thị ở các đình, đền nằm trong các khu phố cổ, đông đúc dân cư nên cũng có thời điểm giao thông chưa bảo đảm. Tuy nhiên, các quận đã tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch và có biện pháp kịp thời đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đô thị tại những địa điểm di tích và nơi diễn ra lễ hội. Còn Trưởng ban Văn hóa Xã hội Nguyễn Thanh Bình đánh giá, các quận có di tích lớn, đặc biệt là 03 quận có “Thăng Long tứ trấn” đã triển khai tốt công tác quản lý di tích và tổ chức lễ hội, nhờ đó, tại các di tích du khách đến chiêm bái trật tự, văn minh.

Sau khi khảo sát thực tế, Đoàn khảo sát đề nghị các quận tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di tích; phân luồng, bảo đảm trật tự an toàn giao thôngg; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho công chức phụ trách lĩnh vực văn hóa thông tin cơ sở, trưởng ban quản lý di tích, nhằm quản lý có hiệu quả, phát huy bảo tồn các giá trị văn hóa di tích.

Tiếp thu ý kiến của đoàn, lãnh đạo các quận Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích, lễ hội. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa tới các tầng lớp nhân dân, qua đó, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của di sản văn hóa trong đời sống văn hóa tinh thần và sự phát triển kinh tế-xã hội. Ngoài ra, vận động nhân dân du Xuân, chiêm bái theo đúng quy định và thực hiện an toàn, văn minh nơi di tích.


Huy Hoàng


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t