Ban Pháp chế HĐND thành phố: Đổi mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn (14:22 12/11/2019)


HNP - Từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, ngoài tham mưu, phục vụ tốt các chương trình công tác của Thường trực HĐND thành phố, Ban Pháp chế HĐND thành phố còn đổi mới hoạt động thẩm tra, giám sát, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và quy định của Luật.

Nghiên cứu kỹ các văn bản mới phục vụ thẩm tra

Thời gian qua, Ban Pháp chế HĐND thành phố đã bám sát sự chỉ đạo của Thành ủy, Đảng đoàn, Thường trực HĐND thành phố tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch đạt kết quả tốt, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Đặc biệt, từ đầu năm 2019 đến nay, Ban đã phối hợp với các ban HĐND thành phố tham mưu HĐND, Thường trực HĐND các nội dung chuẩn bị các kỳ họp thứ 8, 9 HĐND thành phố khóa XV; tổ chức các hoạt động giám sát, giải trình, tiếp dân, xử lý đơn thư theo quy định. Cùng với đó, hoạt động thẩm tra các đề án, báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết cũng được Ban thực hiện đúng quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, có tính phản biện cao, góp phần cung cấp thông tin cho đại biểu HĐND thành phố nghiên cứu, thảo luận, quyết định tại các kỳ họp HĐND thành phố.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam (nguyên Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố) cho biết: Nhiệm kỳ 2016-2021, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự… có tác động lớn đến hoạt động thẩm tra, giám sát của Ban. Vì thế, Ban cũng phải đổi mới cách làm, từng thành viên chuyên trách nghiên cứu sâu các văn bản mới liên quan để thực hiện theo đúng thẩm quyền.

Đơn cử như việc đặt tên đường phố, trước đây, quy định giao cho Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố thẩm tra vì liên quan đến kho tên các danh nhân, nhưng nay theo quy định mới, giao cho Ban Pháp chế chủ trì phối hợp với các ban thực hiện thẩm tra gắn với vấn đề quản lý dân cư. Vì thế, Ban đã vào cuộc sớm thẩm tra, khảo sát ngay từ khi đề xuất tên đường, phố của các quận, huyện, thị xã. “Cũng chính vì thẩm tra, khảo sát sớm, kỹ, nên trung bình chỉ có 1/3 các tên đường, phố đề xuất ban đầu được thông qua tại kỳ họp. Bởi những tuyến phố ngắn, không đáp ứng tiêu chí về có vỉa hè, cây xanh, Ban đều có ý kiến cần phải bổ sung đủ tiêu chí mới đề xuất HĐND thành phố thông qua” - ông Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh.

Ngoài ra, để phục vụ thẩm tra các nội dung theo quy định, nhất là báo cáo thường kỳ của khối nội chính, Ban Pháp chế HĐND thành phố còn tổ chức họp trước với các ngành để trao đổi thông tin, yêu cầu giải trình rõ các vấn đề liên quan trước khi xây dựng báo cáo thẩm tra. Đơn cử như chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9, HĐND thành phố khóa XV, Ban đã họp với các ngành như: Công an, Tòa án, Viện kiểm sát, Cục thi hành án dân sự để nắm bắt về tình hình tội phạm về “tín dụng đen”, xâm hại trẻ em… “Việc làm rõ thông tin, giúp thành viên ban thẩm tra báo cáo, tờ trình của các ngành được toàn diện, có tính phản biện cao để HĐND thành phố có thêm thông tin sát thực, từ đó xem xét, quyết định” - bà Phùng Bích Nga, thành viên Ban Pháp chế HĐND thành phố cho biết.

Làm tốt vai trò tham mưu 

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho biết, thời gian qua, không chỉ làm tốt nhiệm vụ thẩm tra, giám sát, Ban Pháp chế còn tham mưu cho Đảng đoàn, HĐND, Thường trực HĐND thành phố nhiều việc đột xuất, phức tạp. Tiêu biểu như việc góp ý kiến đối với dự thảo Tờ trình (tóm tắt) của Ban Thường vụ Thành ủy trình Bộ Chính trị về Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; Báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu khóa XV, nhiệm kỳ 2016-2021; phê chuẩn miễn nhiệm chức danh thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố tại các đơn vị quận, huyện, thị xã: Sơn Tây, Bắc Từ Liêm, Ba Vì, Cầu Giấy, Long Biên. Đặc biệt là Ban đã tham mưu cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND thành phố tiếp công dân theo vụ việc từng tháng và xử lý một số vụ việc liên quan đến đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn thành phố hiệu quả, chất lượng.

Ông Lê Xuân Yên (xã Xuân Canh, huyện Đông Anh) cho biết, gia đình có đơn khiếu nại về việc công nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thôn Xuân Trạch, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh. Qua buổi tiếp công dân theo vụ việc của Thường trực HĐND thành phố, các cấp, các ngành của thành phố đã xem xét giải quyết vụ việc thấu tình, đạt lý.

Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố Duy Hoàng Dương nhận định: Để thực hiện tốt nhiệm vụ, chức năng theo thẩm quyền, mỗi thành viên trong ban luôn cố gắng đọc, nghiên cứu kỹ các văn bản. Đặc biệt, hoạt động giám sát đối với khối nội chính càng cần nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật, từ đó mới chỉ ra những ưu điểm, hạn chế và kiến nghị những giải pháp cụ thể sát thực tế đối với ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, do lĩnh vực rộng, có thời điểm Ban vẫn chưa bao quát hết được các lĩnh vực của đời sống, nên những vấn đề vướng mắc của cơ sở, bức xúc của cử tri chưa được tổ chức giám sát kịp thời.

Từ nay đến tháng 12-2019, Ban sẽ phối hợp với các ban HĐND và Văn phòng HĐND thành phố tham mưu Thường trực HĐND tổ chức kỳ họp thường kỳ cuối năm; trong đó, quan tâm, tập trung cho công tác thẩm tra báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết của HĐND thành phố. “Để phục vụ tốt cho kỳ họp, Ban sẽ thực hiện các đợt khảo sát, giám sát chuyên đề như: Xây dựng khu vực phòng thủ Thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo; công tác chấp hành pháp luật năm 2019 của các cơ quan tư pháp trên địa bàn thành phố;…” - Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố Duy Hoàng Dương nhấn mạnh.


Hà Vy


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t