Triển khai Chương trình sữa học đường: Cần nỗ lực hơn nữa (10:01 22/10/2019)


HNP - Nghị quyết số 06/2018/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội về “Quy định cơ chế hỗ trợ, đóng góp thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018-2020” (Chương trình Sữa học đường) đã triển khai được hơn một năm. Khảo sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố mới đây về thực hiện nghị quyết trên, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn một số hạn chế cần phải khắc phục, để thu hút đông đảo phụ huynh tham gia.

Triển khai vẫn chưa đồng đều

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Xuân Tiến: Chương trình Sữa học đường được triển khai tại tất cả các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học trên địa bàn Hà Nội theo nguyên tắc tự nguyện. Được UBND thành phố giao là cơ quan thường trực thực hiện chương trình này, thời gian qua, Sở đã đẩy mạnh tuyên truyền đến phụ huynh học sinh; quán triệt, triển khai, tập huấn cho cán bộ, giáo viên tại các trường mẫu giáo và tiểu học về các nội dung liên quan.

Đến nay, toàn thành phố có hơn một triệu trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học tham gia, đạt tỷ lệ 87,7%. Trong đó, các quận, huyện có số trẻ tham gia hơn 90% là: Mỹ Đức, Đan Phượng, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thạch Thất, Sóc Sơn, Ba Vì, Hoàn Kiếm, Quốc Oai.

“Dù cố gắng, nhưng thực tế việc tham gia chương trình này vẫn chưa đồng đều ở quận, huyện, thị xã. Hiện, vẫn còn 12,3% cơ sở giáo dục chưa tham gia và hơn 140.000 trẻ em trong diện thụ hưởng chưa được uống sữa theo chương trình. Trong đó, nhiều trường mầm non, tiểu học ngoài công lập trên địa bàn các quận, vùng ven đô các huyện tham gia tỷ lệ thấp” - ông Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh.

Mặc dù tích cực tuyên truyền, vận động, triển khai các bước, nhưng quận Nam Từ Liêm mới có 73,97% trẻ em và học sinh trong diện hưởng thụ Chương trình Sữa học đường tham gia. Đáng lưu ý, có 40/42 trường ngoài công lập triển khai uống hai loại sữa (sữa học đường và sữa khác). Theo Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long, nguyên nhân tỷ lệ tham gia chưa đạt cao, do trên địa bàn quận có 6 trường khối mầm non có yếu tố nước ngoài nên không đăng ký tham gia; một số trường công lập và ngoài công lập đã tổ chức cho học sinh uống sữa công thức, nên không tham gia.

Bên cạnh việc đăng ký tham gia Chương trình sữa học đường không đồng đều ở các trường, thì việc tổ chức uống sữa, thu gom vỏ hộp cũng còn nhiều bất cập. Phó Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Quang Thắng cho biết: Công tác bảo quản sữa tại một số trường chưa được chú trọng. Tại trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Nam Từ Liêm), chưa bố trí được kho chứa sữa, để tạm ở văn phòng tuyển sinh. Ngoài ra, tại các lớp, sữa chưa phát cho học sinh uống, thì cũng để sữa ở gầm bàn giáo viên trong lớp học. Tương tự, Trường mầm non Xuân Phương thuộc quận Nam Từ Liêm cũng tích sữa ở Phòng y tế.

“Công tác nhận, phát sữa cho trẻ em, học sinh là nhiệm vụ của doanh nghiệp cung ứng sữa, song thực tế việc này, hầu hết giáo viên các trường phải đảm nhiệm, tăng thêm việc nhưng thù lao thì không có, gây áp lực cho giáo viên” - ông Nguyễn Quang Thắng cho biết thêm.

Cần thêm giải pháp mới

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Đỗ Đức Trung cho biết: Là huyện triển khai Chương trình Sữa học đường đạt 93,3%, nhưng thực tế, một số trường chưa có kho riêng để bảo quản sữa. Đặc biệt, vấn đề thu gom vỏ hộp hiện cũng khó khăn, đơn vị cung cấp sữa chưa quan tâm đúng mức, khả năng tự thu gom của các trường hạn chế. Theo ông Đỗ Đức Trung, “Để triển khai tốt Chương trình Sữa học đường, thành phố cần thêm các giải pháp mới, trong đó, cần có cơ chế hỗ trợ cho cán bộ, giáo viên làm công tác kiêm nhiệm triển khai chương trình này (nhận, phát sữa); đồng thời, công tác thu gom vỏ hộp phải được đơn vị cung ứng triển khai nhanh, kịp thời”.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cao Dương (huyện Thanh Oai) Nguyễn Thị Nhàn đề xuất thành phố sớm bổ sung kinh phí cho các trường xây dựng kho chứa bảo đảm an toàn, công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai uống sữa cho học sinh. Bởi, để tránh các sự cố không mong muốn có thể xảy ra, thì việc bảo đảm tốt an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường phải được coi trọng.

Chị Phạm Thị Tuyết (phụ huynh học sinh cháu Hoàng Văn Dương, Trường tiểu học Cao Dương, huyện Thanh Oai) chia sẻ: Thực tế, một số phụ huynh chưa đăng ký cho con tham gia Chương trình Sữa học đường là còn lo lắng về chất lượng sữa. Vì thế, nhà trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác dụng thiết thực của chương trình, giới thiệu các quy trình nhận, bảo quản và thu gom vỏ hộp để họ yên tâm tham gia.

Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Thanh Bình nhận định: Thực tiễn khảo sát cho thấy, ở khối huyện, tỷ lệ trẻ em và học sinh tham gia Chương trình Sữa học đường cao hơn khối quận. Bên cạnh đó, hầu hết các trường đều đang khó khăn trong việc bố trí kho bảo quản sữa. Ngay sau đợt khảo sát, Ban Văn hóa-xã hội HĐND thành phố sẽ tổng hợp, kiến nghị với UBND thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND các quận, huyện, thị xã một số giải pháp để tháo gỡ những khó khăn trên. Trong đó, vấn đề tuyên truyền, vận động phụ huynh tham gia chương trình đầy nhân văn, ý nghĩa này phải đặt lên hàng đầu. Cùng với đó, việc giao dự toán, thực hiện thanh quyết toán kinh phí mua sữa của các cơ sở giáo dục cần được triển khai linh hoạt, khoa học, kịp thời.

“Hiện nay, số liệu đối chiếu về số lượng sữa thực tế sử dụng hàng tháng giữa các cơ sở giáo dục và đơn vị cung cấp sữa còn chậm, muộn, dẫn đến việc nghiệm thu số lượng sữa đã sử dụng hàng tháng chậm, qua đó, thanh quyết toán càng chậm. Việc này cần phối hợp khắc phục sớm giữa các cơ sở, đơn vị triển khai Chương trình Sữa học đường” - ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.


Hà Vy


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t