Giám sát việc chính sách, pháp luật về Thống kê trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 – 2019 (22:00 20/08/2019)


HNP - Ngày 20/8, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã làm việc với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư; Giáo dục và Đào tạo; Lao động, Thương binh và Xã hội; Giao thông vận tải; Y tế, Công an thành phố Hà Nội và huyện Chương Mỹ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về Thống kê trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2019. Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Huyền Mai làm Trưởng đoàn giám sát.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Bùi Huyền Mai phát biểu kết luận buổi giám sát


Theo báo cáo của các đơn vị, trong 3 năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục Luật Thống kê (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016) đã được quan tâm triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, góp phần nâng chất lượng báo cáo thống kê. Các thông tin trong báo cáo thống kê giúp các bộ phận liên quan tham mưu có hiệu quả cho lãnh đạo các đơn vị, ngành trong công tác chỉ đạo, điều hành, dự báo việc thực hiện các hoạt động trong năm cũng như xây dựng kế hoạch của đơn vị, quy hoạch của ngành.
 
Tuy nhiên, thực trạng chung tại nhiều đơn vị là đội ngũ cán bộ làm công tác thống kê báo cáo tại các đơn vị không ổn định, kiêm nhiệm nhiều công việc khác. Trình độ nghiệp vụ chuyên môn thống kê của một số công chức thống kê ở xã còn hạn chế gây ảnh hưởng đến tiến độ và tính chính xác trong công tác thống kê. Mặt khác, nhiều đơn vị cho rằng việc thực hiện công tác thống kê tốn nhiều thời gian báo cáo do: Quá nhiều biểu mẫu thống kê, nhiều đề mục trùng lặp, chưa thống nhất giữa các mẫu nên tuyến cơ sở phải báo cáo trùng lặp nhiều lần, mất nhiều thời gian; bên cạnh đó, các phần mềm không đồng bộ dẫn đến việc không tích hợp được cơ sở dữ liệu, không thể dùng chung dữ liệu. Điển hình như lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết: Hiện nay, các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn thành phố, phòng giáo dục đào tạo, các sở, ngành phải thực hiện báo cáo số liệu trên nhiều phần mềm trực tuyến khác nhau như phần mềm Esam của Thành phố, phần mềm CSDL của Bộ GD&ĐT… trong khi dữ liệu giữa các phần mềm không tương thích, gây ảnh hưởng đến tiến độ báo cáo và gây khó khăn trong công tác triển khai cho các cấp học.
 
Đại diện các đơn vị đã kiến nghị với Đoàn giám sát một số nội dung: Hỗ trợ kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thống kê; tăng cường tổ chức tập huấn cho các cán bộ trực tiếp làm công tác thống kê; triển khai, hỗ trợ việc thực hiện phần mềm thống kê và các nội dung biểu mẫu thống kê mới; kiến nghị UBND TP và các bộ, ngành nghiên cứu, áp dụng thống nhất sử dụng chung một phần mềm hoặc giữa các phần mềm có sự tương thích về dữ liệu, giúp giảm tải bớt công việc và dữ liệu đảm bảo được tính tương thích, đồng bộ, nhất quán…
 
Phát biểu kết luận các cuộc giám sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Bùi Huyền Mai ghi nhận từ khi có Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành, các sở, ngành có bước chuyển biến so với trước đây, quan tâm hơn đến công tác thống kê, phối hợp tốt hơn với Cục Thống kê thành phố Hà Nội để thực hiện thu thập các số liệu.
 
Đồng chí Bùi Huyền Mai đánh giá, một trong những hạn chế rõ nhất là nhận thức chưa thay đổi nhiều. Các sở, ngành chuyên môn chỉ thực hiện theo yêu cầu thống kê của ngành dọc, còn những thống kê chung chưa được coi trọng. Bên cạnh đó, việc quan tâm của các sở, ngành về công tác này còn chưa cao, điều này thể hiện ở việc các sở, ngành chưa bố trí được cán bộ chuyên trách, có được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn cao để đảm nhận công việc.
 
Đồng chí Bùi Thị Huyền Mai cũng ghi nhận các ý kiến kiến nghị của các sở, ngành và khẳng định sẽ tổng hợp thành báo cáo chung, xin ý kiến Thành phố, các bộ, ngành để giải quyết. Đối với các vấn đề còn nhiều vướng mắc sẽ được các ĐBQH nêu ý kiến, chất vấn tại các kỳ họp.

Quang Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t