Phấn đấu đạt mục tiêu về cung cấp nước sạch cho nhân dân (21:58 20/08/2019)


HNP - Nghị quyết số 05/NQ-HĐND, ngày 3/8/2016, của HĐND thành phố về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 của thành phố Hà Nội, đã xác định việc phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn là một khâu đột phá nhằm đáp ứng nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt 100%. Thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố, UBND thành phố đã ban hành các kế hoạch về việc nâng cao chất lượng hệ thống cấp nước sạch ở khu đô thị và các vùng nông thôn thành phố Hà Nội nhằm sớm về “đích”, song cũng còn nhiều trở ngại, khó khăn.

Còn nhiều trở ngại

Để hoàn thành mục tiêu sớm, UBND thành phố hiện đã, đang triển khai đầu tư xây dựng 11 dự án phát triển nguồn; phê duyệt chủ trương đầu tư 23 dự án phát triển mạng lưới cấp nước sạch để nhà đầu tư nghiên cứu, triển khai thi công tại 382/416 xã. Cùng với đó, UBND thành phố cũng củng cố, nâng cấp các công trình trạm cấp nước sạch nông thôn. Đặc biệt, năm 2018, UBND thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 20 nhà đầu tư thực hiện 31 dự án cấp nước sạch trên địa bàn thành phố với mật độ phủ mạng lưới đạt 88%; khu vực còn lại, tiếp tục kêu gọi đầu tư, đảm bảo đến năm 2020, 100% người dân khu vực đô thị và nông thôn đều được tiếp cận sử dụng nước sạch cùng tiêu chuẩn.

Như vậy, có thể khẳng định, UBND thành phố Hà Nội đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để “về đích” đúng hẹn với tỷ lệ dân cư nông thôn được dùng nước sạch, tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều trở ngại.

Bởi theo rà soát của Sở Xây dựng, tính đến tháng 6/2019, tại huyện Quốc Oai, vẫn còn 3 xã (Hòa Thạch, Phú Cát, Đông Yên) chưa xây dựng mạng cấp nước; huyện Thạch Thất còn 9 xã (Cẩm Yên, Đồng Trúc, Hạ Bằng, Lại Thượng, Phú Kim, Tân Xã, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung) chưa được đấu nối với hệ thống cấp nước tập trung; thị xã Sơn Tây, còn một số hộ dân thuộc 2 xã (Sơn Đông, Cổ Đông) mới chỉ đang ở giai đoạn đầu tư.

Đáng lưu ý, qua giám sát, khảo sát của Ban Đô thị HĐND thành phố, 12 dự án đầu tư phát triển mạng cấp nước đã được triển khai song thực hiện chậm không đảm bảo tiến độ phê duyệt. Trong đó, có các dự án thuộc các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Thanh Trì,… Nguyên nhân chậm chủ yếu là do các chủ đầu tư chưa quyết liệt trong triển khai thực hiện dự án theo tiến độ, kế hoạch được phê duyệt. Mặc dù UBND thành phố đã có cơ chế tạo điều kiện để các chủ đầu tư được vay vốn từ Quỹ đầu tư phát triển thành phố, song việc tiếp cận nguồn vốn gặp khó khăn do doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện để được vay vốn. Cùng với đó, công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương với một số chủ đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng chưa tốt, chưa kịp thời.

Giải pháp để hoàn thành mục tiêu

Để đạt mục tiêu cấp nước sạch cho khu vực nông thôn, UBND thành phố chỉ đạo các sở ngành, chính quyền các cấp tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực nước sạch tại các khu vực còn khó khăn; cải tạo, nâng cấp, thay thế hệ thống mạng đường ống cấp nước cũ, nhằm bảo đảm đồng bộ hệ thống mạng quy hoạch, áp lực, chất lượng nước sạch trên toàn hệ thống.

Trong đó, UBND thành phố giao Sở Xây dựng tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, định kỳ giao ban kiểm điểm tiến độ thực hiện từng dự án công trình nhà máy nước, các mạng truyền dẫn, phân phối theo đúng kế hoạch đã được UBND thành phố chấp thuận tại quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Cùng với đó, yêu cầu Sở kiểm tra, đôn đốc các Công ty cấp nước trong việc lắp đặt bổ sung thiết bị, nâng cấp các trạm cấp nước hiện có, đảm bảo chất lượng nước theo tiêu chuẩn nước uống của Bộ Y tế và chủ trương của thành phố.

Đặc biệt, UBND thành phố giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Công ty cấp nước xây dựng phương án tiếp nhận các trạm cấp nước cục bộ trong phạm vi phát triển mạng lưới cấp nước từ hệ thống cấp nước tập trung của đơn vị được UBND thành phố giao triển khai thực hiện (trong đó, có nghiên cứu giải pháp kết nối, thay thế nguồn cấp cho các trạm cấp nước).

Bên cạnh các giải pháp trên, UBND thành phố cũng đã nghiên cứu có phương án bảo đảm cấp nước cho người dân tại những khu vực  khó có khả năng tiếp cận từ nguồn nước sạch tập trung tại một số xã thuộc các huyện: Phúc Thọ, Chương Mỹ, Thạch Thất, Ba Vì. Thực tế, những khu vực này thực sự khó khăn trong kêu gọi xã hội hóa để đầu tư hệ thống cấp nước sạch. Có như vậy mới bảo đảm đạt mục tiêu cấp nước sạch đến năm 2020.

Đặc biệt, mới đây, tại kỳ họp thứ 9, HĐND thành phố khóa XV, HĐND thành phố đã ban hành nghị quyết về “Điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050”. Nghị quyết ban hành là cần thiết, bởi thời gian qua, Thủ đô Hà Nội có sự phát triển nhanh về kinh tế xã hội và tốc độ đô thị hóa, dẫn đến nhu cầu dùng nước sinh hoạt và sản xuất ngày càng gia tăng. Từ đó, thực trạng cấp nước đô thị và cấp nước nông thôn cũng thay đổi theo hướng như không dự báo trước đây, ở một số khu vực thiếu nước do nhu cầu tăng nhanh hơn so với năng lực phục vụ của các công trình cấp nước.

Với những giải pháp trên, hi vọng thành phố sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra về cung cấp nước sạch cho người dân. Đặc biệt, việc tính toán lại nhu cầu dùng nước và điều chỉnh các phương án cấp nước để đáp ứng nhu cầu dùng nước của Thủ đô sẽ là giải pháp căn cơ trong lĩnh vực này.


Hà Vy


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t