Đoàn ĐBQH TP Hà Nội lắng nghe ý kiến việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (20:45 08/08/2019)


HNP - Ngày 8/8, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về kết quả thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và đề xuất kiến nghị trong thời gian tới. Dự và chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Bùi Huyền Mai; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh.

Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu kết luận Hội nghị


Báo cáo kết quả việc thực hiện Nghị quyết 42, Giám đốc NHNN Việt Nam, Chi nhánh TP Nguyễn Minh Tuấn cho biết: Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tích cực triển khai các nhiệm vụ và giải pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 cũng như theo chỉ đạo của NHNN kiểm soát, hạn chế nợ xấu mới phát sinh; tích cực tập trung nhân lực, tranh thủ sự hỗ trợ giúp đỡ của chính quyền địa phương các cấp và các ban, ngành, đoàn thể cũng như các cơ quan pháp luật để hỗ trợ công tác thu hồi nợ; Thường xuyên tổ chức truyền thông tới các đơn vị, bộ phân trực thuộc các nội dung của Nghị quyết 42 để áp dụng trong công tác xử lý nợ xấu và tổ chức rà soát, đánh giá lại các khoản nợ để xem xét áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định tại Nghị quyết.
 
Sau hai năm thực hiện Nghị quyết 42, việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn Hà Nội đã có những bước chuyển biến khá tích cực, có tác dụng giúp các TCTD nâng cao chất lượng tín dụng, giảm thiểu nguy cơ mất vốn và đóng góp vào việc phát triển kinh tế xã hội Thủ đô; khách hàng có nợ xấu trả nợ có xu hướng tăng lên, phần nào phản ảnh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện, có ý thức tự giác, chủ động và hợp tác hơn trong việc trả nợ các TCTD, việc chủ tài sản cố ý chây ỳ, chống đối kéo dài thờii gian trả nợ giảm…
 
Đến 30/6/2019, dư nợ xấu theo Nghị quyết 42 của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn Hà Nội là 174 tỷ đồng; đã xử lý được 140,9 tỷ đồng nợ xấu (trong đó: khách hàng trả nợ 21,5 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 15,25%); Sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý 86,5 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 61,39%); Xử lý tài sản bảo đảm để thu nợ 32,9 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 23,35%). Như vậy, tỷ lệ nợ xấu có những bước chuyển biến rõ nét, cụ thể tại thời điểm 31/7/2017 tỷ lệ nợ xấu là 2,8%/tổng dư nợ; đến 30/6/2019 tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 2,02%/tổng dư nợ.
 
Tuy nhiên, để thực hiện Nghị quyết 42 có hiệu quả hơn cần các bộ ngành, địa phương và đơn vị có liên quan tích cực vào cuộc, tham mưu Thủ tướng có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các TCTD liên quan đến thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm và nộp thuế khi chuyển nhượng TSBĐ; cần bổ sung thêm trường hợp sang tên, đăng ký quyền sở hữu bất động sản liên quan đến việc xử lý nợ xấu của TCTD vào các trường hợp tạm thời chưa thu thuế…
 
Tại hội nghị, đã có 11 cử tri nêu ý kiến chỉ ra rằng việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 là cần thiết, giúp giảm thiểu nợ xấu. Tuy nhiên, đây mới chỉ là Nghị quyết thí điểm, do đó, cần phải được đưa vào Luật để cụ thể hóa. Cùng với đó cần có hướng dẫn cụ thể đối với thực hiện Hợp đồng bảo đảm hiện nay theo điều kiện bắt buộc của Nghị quyết 42, việc áp dụng trong thực tế phát sinh nhiều bất cập; việc thu giữ tài sản bảo đảm có người ở đang gặp nhiều khó khăn, nhất là lực lượng thu hồi xử lý nợ của ngân hàng còn mỏng; cần giảm bớt thủ tục, quy phạm pháp luật không cần thiết khi áp dụng đối với việc thực hiện Nghị quyết 42; cần có thị trường mua bán nợ rộng rãi có sự tham gia của ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trong nước và quốc tế; cho phép tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại bán nợ xấu công khai minh bạch; cần tuân thủ quy định pháp luật, quy chế của ngành trong việc thực hiện nghiệp vụ của ngân hàng, trong thực tế nhiều tài sản bảo đảm khi thu hồi, phát mại gặp nhiều vấn đề về pháp lý…
 
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, đây là buổi tiếp xúc rất quan trọng để lắng nghe ý kiến phản ánh của các ngân hàng, các đơn vị liên quan trong việc thực hiện Nghị quyết số 42 của Quốc hội, qua đó, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc để phản ánh với Quốc hội và các cơ quan liên quan, từ đó, có những điều chỉnh phù hợp để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống. Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định trên cơ sở các ý kiến góp ý của các cử tri, Đoàn ĐBQH TP sẽ có ý kiến chính thức với các cơ quan chức năng có liên quan. Đồng thời, đề nghị các đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, các ngành Tòa án, Công an tiếp thu các ý kiến để khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về vấn đề này sẽ phản ánh.
 
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng yêu cầu các quận, huyện thực hiện nghiêm Chỉ thị 22/CT-UBND ngày 30/112017 của UBND thành phố Hà Nội. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Thành phố phối hợp với các ngành liên quan tổ chức sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 42 để đánh giá những mặt được, hạn chế và kiến nghị những giải pháp trong thời gian tới.

Quang Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t