Đề xuất giải thể Phòng công chứng đủ điều kiện nhưng không thực hiện chuyển đổi theo quy định (13:33 06/07/2019)


HNP - Ban Pháp chế vừa có Báo cáo số 22/BC-HĐND về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật trong hoạt động công chứng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo kết quả giám sát, toàn Thành phố hiện có 10 Phòng công chứng và 112 Văn phòng công chứng phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã, với 470 công chứng viên; trong 02 năm (2017 - 2018) các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thực hiện công chứng 821.212 hợp đồng, giao dịch, tổng thù lao và phí công chứng hơn 589 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 56 tỷ đồng. Hoạt động công chứng đã mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, đảm bảo tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch dân sự và kinh tế, góp phần tạo lập môi trường pháp lý tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung về kinh tế - xã hội của Thủ đô, đáp ứng yêu cầu tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp của Thành phố.

Tuy nhiên, số lượng tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên trên địa bàn tập trung nhiều khu vực nội thành, có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh như: Mở các điểm giao dịch ngoài trụ sở vẫn diễn ra, “cò lôi kéo”... công tác quản lý tổ chức và hoạt động đối với các văn phòng công chứng trên địa bàn Thành phố còn nhiều bất cập; Công tác phối hợp giữa một số văn phòng công chứng với cơ quan Văn phòng đăng ký đất đai trong việc cập nhật các thông tin dừng giao dịch của các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn chưa kịp thời; công chứng viên chưa thực sự chủ động trong việc xác minh các thông tin phục vụ hoạt động công chứng là nguyên nhân tiềm ẩn nảy sinh tranh chấp. Kế hoạch số 32/KH-UBND, ngày 04/02/2016, của UBND Thành phố về việc thực hiện việc chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng đến nay chưa thực hiện được; Việc xử lý đối với vi phạm trong hoạt động hành nghề công chứng còn chưa nghiêm khắc, chưa có hình thức xử phạt bổ sung, chế tài chưa đủ mạnh để đủ sức răn đe các vi phạm,...

Qua giám sát, Ban Pháp chế kiến nghị UBND TP tổ chức thi hành, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công chứng; thực hiện các chính sách, biện pháp phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng; Chỉ đạo các sở, ngành liên quan xây dựng cơ chế liên thông, nhằm kịp thời cập nhật các biến động về hợp đồng giao dịch, nâng cao chất lượng trong hoạt động công chứng, đảm bảo tính pháp lý; Kịp thời xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng của địa phương và ban hành quy chế khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu công chứng khi có hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Đồng thời, tập trung chỉ đạo thực hiện Kế hoạch số 32/KH-UBND, ngày 04/2/2016, của UBND Thành phố thực hiện việc chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng; chỉ đạo các Sở: Tài chính, Nội vụ phối hợp với Sở Tư pháp đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Ban Pháp chế đề xuất bổ sung nội dung Kế hoạch chuyển đổi như sau: Không chuyển đổi các Phòng công chứng thuộc địa bàn các Huyện có khó khăn, ít văn phòng công chứng nhằm đảm bảo phục vụ yêu cầu công chứng của người dân, có lộ trình giao tự chủ từng phần; Chuyển đổi các Phòng công chứng đã đủ điều kiện chuyển đổi theo Luật công chứng năm 2014 và Nghị định 29/2015/NĐ-CP của Chính phủ, nhất là khu vực nội thành cũ đã có nhiều Văn phòng công chứng hoạt động theo quy hoạch của Chính phủ. Đối với các Phòng công chứng đã đủ điều kiện mà không thực hiện việc chuyển đổi, thực hiện thủ tục giải thể theo quy định của pháp luật.


Hoàng Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t