Tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trong ngày tại các quận nội thành đạt 99% - 100% (13:31 06/07/2019)


HNP - Ban Đô thị vừa có Báo cáo số 21/BC-HĐND về kết quả giám sát tình hình thực hiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo kết quả giám sát, đối với việc xây dựng định mức, đơn giá, giá dịch vụ, lựa chọn nhà thầu và thực hiện thanh, quyết toán gói thầu trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, Thành phố đã rà soát, điều chỉnh loại bỏ hoặc thay thế phù hợp theo hướng tăng cường cơ giới hóa, tiết giảm kinh phí, làm căn cứ xác định khối lượng đấu thầu, giao chỉ tiêu thu giá dịch vụ VSMT. Phương thức thu tiền sử dụng dịch vụ VSMT đã được Thành phố điều chỉnh thay đổi phù hợp với thực tiễn quản lý để nâng cao hiệu quả công tác thu (từ năm 2019 đã chuyển trách nhiệm thu tiền sử dụng dịch vụ vệ sinh môi trường từ chủ đầu tư là các quận, huyện, thị xã , trực tiếp là các xã, phường, thị trấn sang cho đơn vị thực hiện cung ứng dịch vụ duy trì VSMT thu) bước đầu đã hiệu quả hơn, kết quả thu đạt cao hơn trước.

Phương thức quản lý duy trì VSMT đã được Thành phố thay đổi từ cơ chế đặt hàng sang thực hiện cơ chế đấu thầu tập trung các gói thầu VSMT (thực hiện từ quý I/năm 2017) đảm bảo tập trung một đầu mối, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực, tăng tính công khai, minh bạch và khả năng cạnh tranh của các nhà thầu cung ứng dịch vụ duy trì VSMT trên địa bàn Thành phố. Qua 3 lần tổ chức đã đấu thầu thành công 26 gói thầu (25 gói thầu của 25 quận, huyện và 01 gói thầu của Sở Xây dựng thực hiện các khối lượng duy trì VSMT cấp Thành phố); Kết quả đấu thầu đã tiết giảm được kinh phí, tỷ lệ chênh lệch giữa giá trúng thầu và giá gói thầu là 0,36%, tỷ lệ chênh lệch giữa giá trúng thầu và đăng ký nhu cầu của đơn vị là 3,67%. Đối với một số khối lượng công việc không có trong gói thầu tập trung do đề xuất thiếu hoặc do đặc thù được thực hiện theo phương thức đặt hàng.

Trong công tác thu gom, tập kết, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, sau đấu thầu tập trung, Thành phố đã lựa chọn 20 đơn vị có đủ năng lực theo hồ sơ mời thầu trúng thầu thực hiện duy trì VSMT trên địa bàn Thành phố. Các đơn vị, doanh nghiệp trúng thầu cung ứng duy trì VSMT đã cơ bản thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thành phố về đổi mới công nghệ, tăng cường đầu tư phương tiện cơ giới hóa, đặt thùng rác theo yêu cầu gói thầu VSMT trên địa bàn các quận, huyện, Thành phố.

Tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trong ngày tại các quận nội thành đạt 99% - 100%, tại các huyện đạt 87%-88%. Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trung bình trên địa bàn Thành phố hiện nay khoảng 6.500 tấn/ngày (trong đó khối lượng phát sinh trên địa bàn 12 quận và thị xã Sơn Tây khoảng 3.500 tấn/ngày và địa bàn 17 huyện ngoại thành Hà Nội khoảng 3.000 tấn/ngày) cơ bản được vận chuyển để xử lý.

Thành phố đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội xây dựng và thực hiện phương án nâng cao chất lượng VSMT đã và đang thực hiện tại quận Hoàn Kiếm, bước đầu đạt kết quả, chất lượng VSMT có chuyển biến tích cực. Từ tháng 3/2019, UBND Thành phố đã chủ trương, chỉ đạo tất cả các đơn vị trúng thầu cung ứng dịch vụ duy trì VSMT trên địa bàn Thành phố thực hiện bổ sung khối lượng thu gom rác thải sinh hoạt trong ngày đạt tỷ lệ 100% ở tất cả các khu vực đô thị và nông thôn.

Trong việc thực hiện các Khu xử lý chất thải rắn theo Quy hoạch, đã đầu tư xây dựng và mở rộng các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung tại vùng I (Sóc Sơn), vùng II ( Xuân Sơn) theo quy hoạch. Thực hiện duy trì hoạt động khu xử lý rác thải vừa và nhỏ tại một số huyện và thực hiện đóng bãi theo quy định. Đã đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào vận hành 4 nhà máy xử lý đốt rác (không phát điện) tại các khu vực Xuân Sơn - Ba Vì, Phương Đình - Đan Phượng, Việt Hùng - Đông Anh, với tổng công suất thiết kế xử lý đốt 895 tấn/ngày đêm.

Đã phê duyệt chủ trương đầu tư 4 dự án sử dụng công nghệ hiện đại: Dự án điện rác Sóc Sơn công suất 4.000 tấn/ngày đêm, Dự án xử lý rác thải thu hồi điện Xuân Sơn công suất 1.000 tấn/ngày đêm, Dự án khí hóa rác thải thành điện năng công suất 500 tấn/ngày đêm, Dự án nhà máy khu xử lý chất thải Đồng Ké công suất 1.500 tấn/ngày đêm.

Đã đầu tư xây dựng 03 trạm trung chuyển, chuyển tải chất thải rắn sinh hoạt cỡ vừa và nhỏ tại một số huyện (Cao Dương, Thanh Oai (công suất 100 tấn/ngày); Trạm chuyển tải Lâm Du (công suất khoảng 300 tấn/ngày đêm); Trạm chuyền tải Ao Bút - Thanh Xuân đã được UBND Thành phố chấp thuận chủ trương, đang tiến hành các thủ tục đầu tư xây dựng),...


Hoàng Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t