HĐND thành phố Hà Nội và các địa phương: Tích cực chuẩn bị cho kỳ họp giữa năm (14:33 28/06/2019)


HNP - Để chuẩn bị tốt cho kỳ họp giữa năm 2019, HĐND thành phố Hà Nội và các quận, huyện, thị xã đang khẩn trương thực hiện các nội dung giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri, thẩm tra các báo cáo, tờ trình nhằm mục tiêu kỳ họp diễn ra thành công, các nghị quyết ban hành chất lượng, đi vào cuộc sống.

Ban Pháp chế HĐND thành phố làm việc với các cơ quan Tư pháp thành phố chuẩn bị cho kỳ họp thứ chín HĐND thành phố khóa XV


Thẩm tra sâu
 
Kỳ họp thứ 9 này, HĐND thành phố dự kiến sẽ xem xét, thông qua 13 nghị quyết chuyên đề. Trong đó, sẽ xem xét ban hành nhiều nghị quyết quan trọng như: Kết quả giám sát việc thực hiện “Năm kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, gắn với việc thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về "Tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức" và cải cách hành chính trên toàn thành phố từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay”; việc điều chỉnh địa giới hành chính giữa các quận: Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm; phê duyệt danh mục cơ sở nhà đất phải di dời theo quy hoạch hoặc do ô nhiễm môi trường; điều chỉnh quy hoạch hệ thống cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050...
 
Để ban hành nghị quyết sát thực tiễn, triển khai đi vào cuộc sống ngay, các Ban của HĐND thành phố đang phối hợp với các cơ quan của UBND thành phố thực hiện thẩm tra các báo cáo, tờ trình. Theo Trưởng Kinh tế - Ngân sách Hồ Vân Nga, vai trò thẩm tra của các ban rất quan trọng, bởi với một khối lượng tài liệu không hề nhỏ ở mỗi kỳ họp (thường từ 13 đến 15 nghị quyết), thời gian thảo luận trong một ngày, thì kinh nghiệm đại biểu hay chọn đọc báo cáo thẩm tra trước, sau đó, mới tra cứu kỹ các tài liệu. Vì thế, trách nhiệm của các Ban trong hoạt động thẩm tra rất quan trọng, cần phân tích thấu đáo các vấn đề, bao gồm cả ưu, khuyết điểm và dự báo tình hình sau khi quyết định để đại biểu xem xét quyết định tại kỳ họp.
 
“Ban Pháp chế đã tiến hành thẩm tra báo cáo của các cơ quan Tư pháp thành phố, qua đó, nhiều vấn đề cần bổ sung làm rõ trước khi diễn ra kỳ họp như liên quan đến đấu tranh phòng chống tội phạm: Xâm hại trẻ em; tín dụng đen và tội phạm tham nhũng, lạm dụng chức vụ quyền hạn. Đây là những vấn đề cử tri rất quan tâm, nghi vấn phải chăng có việc bỏ lọt tội phạm? Nếu các cơ quan không cung cấp thông tin, giải trình rõ, Ban pháp chế sẽ đưa vào nội dung chất vấn tại kỳ họp” - ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố cho biết.
 
Ở HĐND cấp quận, huyện, thị xã, đến nay hầu hết đã thực hiện xong hoạt động tiếp xúc cử tri và đang chuẩn bị tài liệu, điều kiện vật chất cho kỳ họp. Phó Chủ tịch HĐND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Tiến Thành cho biết, công tác chuẩn bị cho kỳ họp HĐND quận lần thứ 8 khóa II đã cơ bản hoàn tất; từ nay đến 28/6, bên cạnh các Ban HĐND quận thực hiện thẩm tra theo quy định, các tổ đại biểu HĐND quận cũng tổng hợp ý kiến thảo luận, nội dung chất vấn tại kỳ họp. “Qua thẩm tra, các Ban HĐND quận đã đề xuất UBND quận giải trình một số nội dung liên quan đến ngân sách, đầu tư công. Đây là vấn đề nóng, nhiều cử tri quan tâm, nên Thường trực HĐND quận sẽ chủ trì hội nghị để thống nhất với UBND quận về tiến độ, thời gian từng dự án, trước khi diễn ra kỳ họp” - Ông Nguyễn Tiến Thành cho biết thêm.
 
HĐND huyện Phúc Thọ cũng đã thực hiện xong các đợt giám sát chuyên đề trước khi diễn ra kỳ họp giữa năm. Trong đó, hai chuyên đề được cử tri quan tâm là việc thực hiện nghị quyết của HĐND huyện về chỉ tiêu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm tai nạn cho người lao động trên địa bàn; việc thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng nông thôn trên địa bàn huyện và công tác bảo đảm vệ sinh môi trường. Phó Chủ tịch HĐND huyện Phúc Thọ Khuất Thị Thu Tuấn cho biết, qua giám sát, HĐNĐ huyện đã kiến nghị với UBND huyện các giải pháp để quản lý nhà nước tốt hơn nữa các lĩnh vực trên. Thời gian tới, các nội dung kiến nghị chậm thực hiện, HĐND huyện sẽ đưa vào nội dung chất vấn, hoặc phiên giải trình.
 
Chọn vấn đề cho phiên chất vấn
 
Các kỳ họp HĐND thành phố và các quận, huyện, thị xã thường được bố trí một ngày hoặc nửa ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Trong đó, phiên chất vấn của HĐND thành phố được truyền hình trực tiếp; phiên chất vấn của HĐND các địa phương hầu hết cũng được truyền thanh trực tiếp để cử tri theo dõi, giám sát. Vì thế, việc lựa chọn nội dung cho phiên chất vấn được Thường trực HĐND thành phố và các quận, huyện, thị xã chú trọng.
 
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, kỳ họp này, HĐND thành phố Hà Nội tiếp tục dành nhiều thời gian cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn những vấn đề dân sinh bức xúc, vấn đề bất cập từ thực tiễn qua giám sát, tiếp công dân, tiếp xúc cử tri. Theo đó, dự kiến, HĐND thành phố sẽ chọn các vấn đề chất vấn liên quan đến thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế theo Nghị quyết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015, của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”; tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố; việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đối với các trường công lập và việc xây dựng trường học tại các khu đô thị trên địa bàn; tình hình thực hiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn…
 
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện Ba Vì Chu Văn Liên cho biết, đến nay, công tác chuẩn cho kỳ họp đã hoàn tất, dự kiến HĐND huyện dành nửa ngày cho hoạt động chất vấn, tập trung vào lĩnh vực xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất xen kẹt, đất sau dồn điền đổi thửa; việc giải quyết kiến nghị của cử tri về môi trường; công tác điều tiết nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.
 
Kỳ họp giữa năm, HĐND quận Ba Đình cũng dự kiến đưa các nội dung: tình hình quản lý và sử dụng nhà sinh hoạt cộng đồng; công tác thực hiện phòng cháy, chữa cháy; công tác quản lý trật tự đô thị. Theo Phó Chủ tịch HĐND quận Ba Đình Phạm Thị Hồng Hạnh, những ý kiến tại hội nghị tiếp xúc của HĐND quận cũng là kênh quan trọng để Thường trực HĐND quận xem xét đưa vào phiên chất vấn như công tác bảm đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, cải tạo chung cư cũ. 

Hà Vy


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t