Vì sao chậm chyển đổi Phòng công chứng sang Văn phòng công chứng (16:39 20/06/2019)


HNP - Mặc dù UBND thành phố Hà Nội đã sớm ban hành Kế hoạch số 32/KH-UBND về việc chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng theo Luật Công chứng 2014. Nhưng sau 3 năm triển khai, đến nay, vẫn chưa có Phòng công chứng nào trên địa bàn thành phố được chuyển đổi; nguyên nhân do cơ quan tham mưu còn lúng túng trong hướng dẫn phương án xử lý tài sản; việc thực hiện chế độ cho công chức, viên chức khó khăn và thêm cả việc một số công chứng viên lo lắng mất đi thương hiệu “Phòng công chứng nhà nước”.

Vẫn nặng tư duy “người nhà nước” đến lúc về hưu

Toàn thành phố có 122 tổ chức hành nghề công chứng (10 Phòng công chứng và 112 Văn phòng công chứng) với 470 công chứng viên phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã, đáp ứng nhu cầu công chứng của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố. Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hồ Xuân Hương, thực hiện kế hoạch của UBND thành phố, Sở đã phối hợp với các sở: Nội vụ, Tài chính, Lao động Thương binh và Xã hội khảo sát một số Phòng công chứng và xây dựng dự thảo Đề án chuyển đổi những phòng công chứng có đủ điều kiện (phòng số 4 và số 6), nhưng quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc, phát sinh đơn thư. Trong đó, nhiều công chứng viên cho rằng, xác định giá chuyển đổi là không hợp lý; tên sau khi chuyển đổi là tên cá nhân, mất đi thương hiệu “nhà nước”;…

Công chứng viên Vũ Việt Hoàn (Phòng Công chứng số 3-Cầu Giấy) cho biết, hiện nay, thành phố có nhiều tổ chức hành nghề công chứng, tạo áp lực cạnh tranh rất lớn, số lượng vụ việc của các Phòng công chứng giảm rõ rệt.  Bên cạnh tâm lý chung thương hiệu “nhà nước” khiến người dân yên tâm hơn khi giao dịch ở các Phòng công chứng, thì việc đấu giá chuyển đổi cũng là trở ngại lớn. Theo hướng dẫn của Sở Tài chính, các công chứng viên khi thực hiện chuyển đổi (hợp danh) lại phải mua lại thương hiệu của chính mình đã xây dựng nhiều năm; trong khi đó theo quy định hiện hành công chứng viên đăng ký thành lập mới Văn phòng công chứng thủ tục gọn nhẹ, không phải đóng góp khoản chi phí nào.  

Trưởng Phòng Công chứng số 1 (Hai Bà Trưng) Tuấn Đạo Thanh nhận định, khó khăn lớn nhất thời điểm này trong thực hiện chuyển đổi các Phòng công chứng là nội dung Điều 4 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng: “Văn phòng công chứng được thành lập từ việc chuyển đổi Phòng công chứng phải kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và tiếp nhận toàn bộ hồ sơ công chứng của Phòng công chứng đó”. Như vậy, nếu phải kế thừa những sự việc cách đây 20 đến 30 năm, nếu có hợp đồng công chứng bị tòa án tuyên vô hiệu, bản thân công chứng viên không thể gánh trách nhiệm nổi, vì đa phần hợp đồng công chứng nhà đất, giá trị lớn.

Trưởng phòng Công chứng số 4 (Thanh Xuân) Đặng Mạnh Tiến cho rằng, chính sách áp dụng đối với công chứng viên tham gia chuyển đổi chưa cụ thể, rõ ràng, đang là viên chức nhà nước, khi chuyển đổi thì “mất danh người nhà nước”, nên đội ngũ công chứng viên rất tâm tư.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Thị Liễu cho biết, qua rà soát, toàn thành phố có 7/10 Phòng công chứng đủ điều kiện đề chuyển đổi sang Văn phòng công chứng, nhưng chưa thực hiện chuyển đổi theo kế hoạch do khó khăn, vướng mắc như trên. Thời gian tới, Sở Nội vụ sẽ cùng với các sở, ngành tham mưu cho thành phố các giải pháp để sớm thực hiện chuyển đổi theo kế hoạch. Về giải quyết chính sách cán bộ, trước khi chuyển đổi, Sở sẽ đề xuất công chức, viên chức thì đăng ký nguyện vọng được điều chuyển địa bàn, hoặc là nghỉ theo chế độ. Tuy nhiên, kinh phí chi trả  chính sách nghỉ việc thuộc nguồn kinh phí sự nghiệp của đơn vị đó, nhưng hiện nay hầu hết các Phòng công chứng đều khó khăn, việc duy trì thường xuyên đã phải “gồng”, tới đây, Sở sẽ kiến nghị với Bộ Nội vụ về chính sách này. Bên cạnh đó, Sở cũng tham mưu cho thành phố kiến nghị các Bộ, Ngành Trung ương đồng ý khi chuyển đổi từ Phòng công chứng sang Văn phòng công chứng thì được giữ nguyên tên như cũ, tạo điều kiện cho các đơn vị ổn định, phát triển.

Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Bích Thủy cho biết, giá trị các hợp đồng công chứng ở phòng công chứng và văn phòng công chứng như nhau, nhưng nhiều người dân vẫn cảm thấy yên tâm hơn khi giao dịch ở Phòng công chứng. Vì thế, Sở Tư pháp cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa, hóa giải tâm lý thì mới dễ dàng thực hiện chuyển đổi.

“Khi chuyển đổi, hồ sơ trước đây thuộc phòng công chứng thì kiểm đếm, khoanh lại, để nếu có xảy ra các vụ kiện dân sự thì xem xét, giải quyết trên cơ sở đơn vị sự nghiệp công lập, có như vậy thì mới thúc đẩy nhanh việc thực hiện chuyển đổi” - Trưởng Phòng công chứng số 1 Tuấn Đạo Thanh chia sẻ.

Sau đợt giám sát về hoạt động của các Phòng công chứng trên địa bàn thành phố, Ban Pháp chế HĐND thành phố đã đề nghị các sở, ngành liên quan của thành phố khẩn trương đề xuất giải pháp tháo gỡ về cơ chế, chính sách, để thực hiện chuyển đổi theo quy định đối với các phòng công chứng đủ điều kiện. “Không nhất thiết phải chuyển đổi ngay cả 10 phòng công chứng, đối với những địa bàn vùng nông thôn, như: Ba Vì, Sóc Sơn, Mê Linh… chưa đủ điều kiện chuyển đổi, Sở Tư pháp báo cáo, thuyết minh lý do cụ thể với thành phố, đồng thời, tính toán phù hợp mô hình để thực hiện tự chủ một phần hoặc tự chủ chi thường xuyên nhằm duy trì hoạt động. Nếu các Phòng công chứng đã đủ điều kiện, nhưng không tiến hành chuyển đổi thành Văn phòng công chứng theo quy định, các sở, ngành cũng đề xuất với thành phố thực hiện chính sách giải thể” - Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh.


Hà Vy


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t