Tiếp xúc cử tri chuyên đề “Thực trạng công tác quản lý thuế” trên địa bàn Thành phố (14:52 14/05/2019)


HNP - Sáng 14/5, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phối hợp với UB MTTQ Thành phố và Cục thuế Thành phố tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về thực trạng công tác quản lý thuế trên địa bàn Thành phố và kiến nghị, giải pháp thực hiện luật về quản lý thuế trong thời gian tới; Góp ý vào một số nội dung trong dự án Luật quản lý thuế (sửa đổi).

Đồng chí Bùi Huyền Mai phát biểu kết luận hội nghị


Báo cáo tại hội nghị, đồng chí Mai Sơn, Cục trưởng Cục thuế Hà Nội cho biết, qua hơn 10 năm thực hiện Luật Quản lý thuế, công tác quản lý thuế, thu thuế đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đảm bảo quản lý chặt chẽ nguồn thu; nhận thức của người dân, doanh nghiệp đối với việc thực hiện nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước được nâng cao; bộ máy hành chính thuế không ngừng được kiện toàn, đội ngũ cán bộ, công tác quản lý thuế từng bước chuyên nghiệp, chuyên sâu.
 
Theo số liệu thống kê, kết quả thu nội địa giai đoạn 2009 đến năm 2018 đạt 1.420.828 tỷ đồng, số thu qua các năm đều tăng và đều hoàn thành vượt so với dự toán pháp lệnh. Công tác đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế đã đạt được nhiều kết quả tích cực, rút ngắn được thời gian thực hiện, đã từng bước ứng dụng CNTT và giảm thủ tục hành chính. Đến nay, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai đến tất cả các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố, với số lượng doanh nghiệp đang thực hiện khai thuế qua mạng đạt 98%.
 
Công tác kiểm tra, thanh tra thuế ngày càng phát huy vai trò chủ chốt trong công tác quản lý thuế. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tram cơ quan quản lý thuế đã đảm bảo việc thu đúng, thu đủ số thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước, đồng thời, đề xuất những kiến nghị về cơ chế, chính sách quản lý thuế để phù hợp với tình hình thực tế hoạt động của người nộp thuế. Hợp tác quốc tế trong hoạt động quản lý thuế ngày càng phát triển, góp phần thúc đẩy giao lưu thương mại và thu hút đầu tư và nâng cao năng lực quản lý thuế của cơ quan thuế…
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả được được, đồng chí Mai Sơn cũng cho rằng, Luật Quản lý thuế hiện nay còn bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế của cơ quan thuế và ảnh hưởng đến việc thực hiện TTHC thuế, như: Một số chính sách quản lý thuế chưa theo kịp những thay đổi về kinh tế - xã hội, không còn phát huy được hiệu quả quản lý; Quy định về việc xây dựng, ứng dụng CNTT vào công tác quản lý thuế mặc dù đã có nhiều kết quả nhưng chưa theo kịp với thực tiễn phát triển của giao dịch thương mại toàn cầu, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý của Chính phủ điện tử; Quy định về địa vị pháp lý của các cơ chế thiết chế trung gian giữa người nộp thuế và cơ quan thuế chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện…
 
Trên cơ sở đó, đồng chí Cục trưởng Cục thuế Hà Nội đề nghị Quốc hội sớm xem xét, thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi) hoàn chỉnh, toàn diện nhằm mục đích tạo cơ cở cho quản lý thuế hiện đại, tiếp cận tới những chuẩn mực, thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế thực hiện nghiêm quyền, nghĩa vụ của người nộp thuế; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thuế theo quy định pháp luật; tích cực phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
 
Trong quá trình hướng dẫn thực hiện và triển khai thực hiện Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cần tiếp tục tăng cường ứng dụng CNTT vào tất cả các bộ phận, các khâu trong công tác thuế và giải quyết các TTHC; tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế, đồng thời tạo sự đồng thuận, tự giác tuân thủ của người nộp thuế cũng như xây dựng lực lượng công chức thuế chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới.
 
Tại Hội nghị các đại biểu đã cơ bản nhất trí với các nội dung dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), đồng thời nhận định, dự thảo Luật sửa đổi lần này đã giải quyết căn bản những khó khăn, vướng mắc và hạn chế của Luật Quản lý thuế hiện hành.
 
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng phát biểu, góp ý nhằm hoàn thiện hơn dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), trong đó tập trung vào một số nội dung chủ yếu: Tình hình triển khai và các kết quả quản lý thuế trong giai đoạn hiện nay của Thành phố Hà Nội; nguyên tắc quản lý thuế, giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế; khoanh nợ, xóa tiền nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; quy định liên quan đến các đại lý thuế; các vấn đề về áp dụng hóa đơn và chứng từ điện tử…
 
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Huyền Mai, Thành ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đánh giá cao nỗ lực của ngành thuế nói chung và công tác quản lý thuế trên địa bàn thành phố Hà Nội trong nhiều năm qua. Các kết quả đạt được của hệ thống thuế thành phố Hà Nội đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nói chung của Thành phố; Công tác quản lý thuế luôn được các cấp, các ngành quan tâm, quản lý theo đúng quy định; Hoạt động quản lý thuế ngày càng chuyên nghiệp, công tác CCHC rõ nét và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của Thủ đô.
 
Cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, các đại biểu đã có những đóng góp cụ thể, đồng chí Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội khẳng định, đây là nền tảng cơ bản cung cấp thông tin cho các vị đại biểu Quốc hội cân nhắc, lựa chọn, thảo luận và quyết định khi xem xét thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 sắp tới.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t