Nhiều khó khăn trong xây dựng các trường công lập (13:44 16/04/2019)


HNP - Việc xây dựng các trường học công lập thời gian qua rất được các cấp, các ngành của thành phố Hà Nội quan tâm, song nghịch lý “nơi dư đất, thiếu tiền; nơi có tiền thì thiếu đất” diễn ra phổ biến tại các quận, huyện. Đợt giám sát mới đây của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố tại một số địa phương đã rõ vấn đề này, rất cần những giải pháp khắc phục.

Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố làm việc với huyện Ứng Hòa về đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục


Nhiều khó khăn, trở ngại

Do là quận lõi của nội thành nên quận Hai Bà Trưng gặp rất nhiều khó khăn trong việc mở rộng quỹ đất, tăng diện tích của các cơ sở giáo dục. Với quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị, đến nay, quận mới có 41/64 trường công lập đạt chuẩn Quốc gia (đạt 64%). Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Văn Hoạt, thực tế quận rất khó khăn về việc bố trí quỹ đất để xây dựng trường, nên từ năm 2016 đến nay, UBND quận đã rất cố gắng triển khai 25 dự án với tổng số vốn đầu tư khoảng 638 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, để thực hiện đầu tư xây mới, cải tạo sửa chữa, mở rộng các dự án trường học. Dự kiến, từ nay đến 2020, UBND quận sẽ dành kinh phí, quỹ đất để đầu tư xây mới, mở rộng một số trường, trong đó, tập trung vào những phường đông dân cư, có nhiều nhà chung cư tại phường Vĩnh Tuy, Minh Khai…

Quận Thanh Xuân cũng có nhiều khó khăn trong vấn đề quỹ đất để xây dựng trường học công lập. Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Mai Trang cho biết, hiện tại, quận có 44 trường học công lập phân bố đều ở 11 phường. Tuy nhiên, với quy mô dân số tăng nhanh, nhiều khu đô thị xây dựng, nhu cầu học tập của học sinh là rất lớn, nhưng hiện tại trên địa bàn quận cũng rất khó khăn cho việc bố trí quỹ đất. Vì thế, đến kỳ tuyển sinh, đã tạo áp lực cho các trường do chưa mở rộng quy mô tăng lớp, bởi điều kiện diện tích đất của trường hạn chế.

Khó khăn ở cấp quận trái ngược với khó khăn của các huyện trong lĩnh vực xây dựng trường học. Giai đoạn 2016-2020, huyện Mê Linh dự kiến triển khai 71 dự án đầu tư mới cho giáo dục và nâng cấp cơ sở vật chất các trường với tổng số tiền 1.502 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế, từ năm 2016 đến nay, UBND huyện mới triển khai khởi công mới 44 dự án với tổng mức đầu tư 905 tỷ đồng. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn, về quỹ đất thì huyện không khó khăn như các quận, nhưng nguồn ngân sách thì thực sự thiếu. Cùng với khó khăn đầu tư cho xây dựng mới các trường, trên địa bàn huyện còn nhiều trường đến hạn và quá hạn công nhận lại đạt chuẩn Quốc gia nhưng thiếu nguồn vốn để nâng cấp, sửa chữa, thì mới đạt tiêu chí công nhận lại.

Tương tự ở huyện Ứng Hòa cũng vậy. Toàn huyện có 25 trường đã đến hạn và quá hạn công nhận lại trường chuẩn quốc gia, nhưng đến nay đều xuống cấp nghiêm trọng. “Trong số 25 trường cần công nhận lại, thì có đến 20 trường phải đầu tư mới từ đầu mới có thể công nhận lại được đạt chuẩn quốc gia” - ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ứng Hòa chia sẻ.

Cần nhiều giải pháp

Qua giám sát thực tế, nhiều thành viên Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố chia sẻ với những khó khăn nội tại của các quận, huyện trong việc đầu tư cho giáo dục. Đại biểu chuyên trách Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Hương cho biết, trước việc nghịch lý quận có nguồn lực thì thiếu đất, huyện có đất thì thiếu tiền, một số huyện đã kết nghĩa với quận, vận động hỗ trợ vốn xây dựng trường học cho địa phương. “Hiện tại, huyện Thanh Oai đã thực hiện được mô hình này và huyện Mê Linh cũng đang triển khai vận động đơn vị quận kết nghĩa với huyện để hỗ trợ - đây là giải pháp tốt nhằm kêu gọi mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục” - bà Phạm Thị Thanh Hương nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu, ngoài việc các khu dân cư hiện hữu thiếu trường học, thì tại các khu đô thị thuộc các quận cũng ít chủ đầu tư quan tâm đến việc xây dựng công trình hạ tầng xã hội thiết yếu, trong đó, có trường học theo quy hoạch. Vì thế, đề nghị UBND thành phố,  khi phê duyệt quy hoạch và quyết định đầu tư, cần có những quy định ràng buộc rõ ràng về trách nhiệm của chủ đầu tư đối với việc bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh và bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý khi hoàn thành (Thanh Xuân có 3 trường mầm non, nhà trẻ ở các khu đô thị đã hoàn thành, đưa vào sử dụng chưa bàn giao cho quận quản lý). Đặc biệt, cần quy định cụ thể cho các khu chung cư, khu đô thị mới phải quy hoạch, xây dựng đủ trường học theo nhu cầu, trong đó, ưu tiên quỹ đất cho xây dựng trường công lập; không điều chỉnh quy hoạch đất xây dựng trường học sang mục đích khác.

Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo quận Hai Bà Trưng Trần Lưu Hoa cho rằng, hiện tại, quận Hai Bà Trưng có 8 trường mầm non công lập có điểm lẻ, dù được đầu tư cơ sở vật chất nhưng địa điểm phân tán, công tác quản lý gặp khó khăn, quá trình đầu tư tốn kém. Vì thế, đề nghị UBND thành phố tạo điều kiện tiếp tục quy hoạch mạng lưới trường lớp và quy đổi địa điểm lẻ tại các trường học.

Theo Phó Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội Nguyễn Quang Thắng, việc hoàn thiện mạng lưới trường học phù hợp thực tế rất quan trọng với những quận nội đô. Vì thế, các quận cần quy hoạch về trường, lớp dài hạn; rà soát kỹ kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm quỹ đất cho các cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu phát triển. Đối với các huyện, cần đánh giá thực trạng cơ sở vật chất hiện có tại các trường học từ mầm non đến trung học, qua đó, xác định kế hoạch chỗ nào cần xây mới, cải tạo, đầu tư tăng cường… Riêng đối với các trường học cần công nhận lại về đạt chuẩn, các huyện nên bố trí trọng điểm, tránh dàn trải, dẫn đến nhanh xuống cấp, khó khăn cho việc công nhân lại những lần tiếp theo.


Hà Vy


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t