Tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về định hướng nghề trong giáo dục phổ thông (20:38 28/03/2019)


HNP - Chiều 28/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn hiện nay; góp ý vào một số nội dung lớn trong dự án Luật giáo dục (sửa đổi)". Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí: Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Bùi Huyền Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại hội nghị


Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện, học sinh sau khi tốt nghiệp THCS trên địa bàn Hà Nội được phân chia theo 4 luồng khác nhau. Cụ thể, học sinh tiếp tục thi và học tại các trường THPT; học sinh không thi đỗ các trường THPT tham gia học tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên để lấy bằng bổ túc THPT; học sinh được xét tuyển vào các trường đào tạo nghề; học sinh tham gia lực lượng lao động sản xuất mà chưa qua đào tạo. 
 
Trong công tác đào tạo nghề, cùng với sự phát triển của hệ thống cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, số lượng lao động tham gia đào tạo cũng được tăng lên, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất. Giai đoạn 2015-2018, theo báo cáo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đã tuyển sinh, đào tạo được 742.264 lượt người. Trong đó, trình độ cao đẳng 71.461 người; trình độ trung cấp 101.512 người; trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng 569.291 người. Với kết quả tuyển sinh, đào tạo trên, đã từng bước nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 60,66% năm 2017 lên 63,18% năm 2018.
 
Đồng tình với báo cáo, các đại biểu đã nêu ý kiến về các vấn đề định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục đang được quan tâm. Nhiều đại biểu kiến nghị cần tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền sâu rộng về giáo dục hướng nghiệp nhằm thay đổi nhận thức của phụ huynh học sinh cũng như đổi mới công tác giáo dục trong mỗi nhà trường để tạo nội lực ngay từ bên trong. Cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động có trách nhiệm tham gia vào quá trình đào tạo, tiếp nhận và sử dụng lao động qua đào tạo. Tiếp tục thực hiện chính sách phân luồng thông qua miễn giảm học phí cho học sinh đi học nghề. Tái cơ cấu hệ thống giáo dục để tạo điều kiện phân luồng và học tập suốt đời của người dân,… Các đại biểu cũng đã góp ý vào một số điều cụ thể trong dự án Luật giáo dục (sửa đổi).
 
Đồng chí Ngô Văn Quý phát biểu tiếp thu ý kiến cử tri
 
Phát biểu tiếp thu các ý kiến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông là điều mà thành phố đang quyết tâm thực hiện. Qua các ý kiến kiến nghị của cử tri, thành phố tiếp thu và đề nghị Sở Lao động Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn các trường xây dựng nội dung chương trình các ngành nghề cụ thể; đồng thời, định hướng tuyển sinh phù hợp với tình hình phát triển chung của thành phố. Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo thành phố đề nghị ngành xây dựng kế hoạch đặc thù của Hà Nội. Ngoài việc hỗ trợ học sinh học nghề, cần xây dựng chính sách hấp dẫn, chính sách hỗ trợ liên thông; bổ sung giảng dạy thêm 2 môn ngoại ngữ và tin học trong đào tạo nghề. Phó Chủ tịch nhấn mạnh, cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo nghề với Trung tâm Giáo dục thường xuyên; giữa nhà trường và doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác đào tạo, định hướng nghề nghiệp.
 
Kết luận tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, Đoàn sẽ tiếp thu cao nhất những kiến nghị tâm huyết của cử tri để đánh giá kỹ hơn thực trạng, giải pháp, đề xuất cho vấn đề này. Trong đó, cần gắn định hướng nghề nghiệp, đào tạo nghề với tạo việc làm. Đồng thời, đề nghị Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý chỉ đạo các đơn vị của thành phố triển khai rà soát, đánh giá Quy hoạch nguồn nhân lực của Hà Nội nhằm ưu tiên cho các lĩnh vực đào tạo nghề cấp thiết và dành ưu đãi cho ngành này. Cùng với đó, tiến hành khảo sát nhu cầu của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn, từ đó xây dựng đầu tư hợp lý.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t