Thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị (20:49 22/08/2018)


HNP - Sản xuất nông nghiệp nói chung, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị trong sản xuất và phân phối sản phẩm nông nghiệp nói riêng luôn được thành phố quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện. Tuy nhiên, việc thực hiện một số cơ chế, chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển nông nghiệp của thành phố còn chậm, chưa đạt được các mục tiêu so với yêu cầu. Đây là kết quả khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố về vấn đề này.

Ban Kinh tế - Ngân sách làm việc với Sở NN&PTNT về phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp


Kết quả bước đầu

Xác định rõ tầm quan trọng của phát triển chuỗi giá trị trong sản xuất và phân phối sản phẩm nông nghiệp, Thành ủy, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chương trình, nghị quyết về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, UBND thành phố đã chỉ đạo triển khai việc phát triển sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị ở Hà Nội. Qua khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố, đến nay, toàn thành phố đã xây dựng và phát triển được 65 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn (trong đó có 27 chuỗi có nguồn gốc động vật, 38 chuỗi nguồn gốc thực vật); hình thành và phát triển một số vùng sản xuất tập trung; vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo hơn trước. Qua đó, giá trị sản phẩm nông nghiệp ngày càng tăng; thị trường cơ bản ổn định; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chuỗi ngày càng hiệu quả hơn. Đã từng bước hình thành thói quen tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân của thành phố.

Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Nguyễn Minh Tuân cho biết: đã có không ít doanh nghiệp, hợp tác xã đã cố gắng thay đổi cách nhìn nhận về thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm trong kinh doanh nông sản bằng việc nghiên cứu thị trường kỹ càng, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đầu tư dài hạn và có chiến lược kinh doanh bài bản... Điển hình, Hợp tác xã đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì đang chăn nuôi khoảng 500 con bò sữa và bê trên tổng diện tích khoảng 45ha được đầu tư bài bản. Sản phẩm sữa tươi của hợp tác xã đã được chứng nhận VietGap, có thể truy suất nguồn gốc và được thu mua 100% bởi Công ty cổ phần Sữa Ba Vì. Tương tự, Hợp tác xã rau quả Hồng Thái (xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên) đã phát triển thành công mô hình trồng rau, củ, quả an toàn, đạt chứng nhận VietGap trên diện tích 7,8ha. Do chất lượng rau, quả tốt nên hiện tại cung không đủ cầu- đơn vị điển hình của thành phố trong việc liên kết chặt chẽ giữa nơi sản xuất và các đầu mối tiêu thụ.

Cần nỗ lực hơn cho tiêu thụ sản phẩm

Dù đã có kết quả tích cực, song theo nhận định của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố, hiện tại, thành phố vẫn chưa có một chính sách đồng bộ, chính sách riêng về khuyến khích phát triển chuỗi giá trị trong sản xuất, phân phối sản phẩm nông nghiệp, mà chủ yếu hiện nay đang vận dụng các cơ chế, chính sách hiện có để áp dụng cho việc triển khai và phát triển các chuỗi giá trị. Đáng lưu ý, một số nội dung hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp của thành phố gặp nhiều khó khăn trong thực hiện, kết quả rất hạn chế (chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển sản xuất); tỷ trọng sản phẩm nông nghiệp được sản xuất, phân phối tiêu thụ qua chuỗi giá trị còn thấp (mới chiếm tỷ trọng dưới 10% tổng lượng sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ tại thị trường Hà Nội), nên không thể tham gia vào hệ thống chuỗi cung ứng tại một số siêu thị trong nước hoặc phục vụ xuất khẩu. Trong khi đó, khả năng huy động vốn, tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, việc tiếp cận và tích tụ đất đai của doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia phát triển chuỗi còn khó khăn, hạn chế dẫn đến việc mở rộng, phát triển các chuỗi giá trị còn chậm và ít.

Hợp tác xã chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa) là điển hình cho tình trạng gặp khó khăn trong liên kết, tìm kiếm đầu ra để tiêu thụ thịt lợn. Mặc dù đã đầu tư chăn nuôi khoa học, theo tiêu chuẩn VietGap, thế nhưng, việc tiêu thụ sản phẩm của đơn vị phụ thuộc chủ yếu vào các khâu trung gian và thương lái; chưa xây dựng được liên kết phân phối bền vững.

Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, muốn phát triển nông nghiệp chất lượng cao, bền vững, doanh nghiệp, hợp tác xã cần giải quyết tốt bài toán thuê đất để đầu tư sản xuất, phát triển nông nghiệp dài hạn. Vấn đề này đã rõ trong Nghị quyết 25/2013/NQ-HĐND của HĐND thành phố về chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung TP Hà Nội giai đoạn 2014-2020.

Vì vậy, các doanh nghiệp, hợp tác xã cần nhạy bén nắm bắt chính sách, đề xuất đúng và trúng với cơ quan nhà nước để lập kế hoạch phát triển lâu dài. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương và các sở, ngành liên quan cần phân tách, làm rõ các nhóm cơ chế, chính sách với từng đối tượng (doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, người tiêu dùng) để đề xuất, triển khai thực hiện hiệu quả nghị quyết.

Bên cạnh đổi mới tư duy, nắm bắt tốt chủ trương, chính sách kịp thời, mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã cũng cần tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý; nghiên cứu nắm bắt thị trường để có chiến lược phát triển cho doanh nghiệp, hợp tác xã của mình bền vững.


Hà Vy


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t