Giám sát tiến độ triển khai, quản lý vận hành, khai thác các dự án xử lý nước thải làng nghề huyện Hoài Đức (15:11 15/08/2018)


HNP - Sáng 15/8, đoàn giám sát của Tổ Đại biểu số 24, HĐND Thành phố, do đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố làm trưởng đoàn, đã giám sát tiến độ triển khai, công tác quản lý vận hành, khai thác các dự án xử lý nước thải làng nghề trên địa bàn huyện Hoài Đức.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cùng đoàn giám sát khảo sát tại Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà


Trên địa bàn huyện Hoài Đức hiện có 52/54 làng nghề, trong đó, 12 làng nghề đã được công nhận. Trong 12 làng nghề được công nhận đã có 09 làng nghề và 15 xã, thị trấn có dự án thu gom, xử lý nước thải.
 
Báo cáo về tiến độ triển khai, công tác quản lý, vận hành, khai thác các dự án nhà máy xử lý nước thải làng nghề trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đỗ Đức Trung cho biết: Dự án Nhà máy xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng, được UBND Thành phố phê duyệt từ năm 2013. Đến nay, việc thi công các gói thầu xây lắp đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc. Dự kiến, dự án hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng trong quý IV năm 2018 sẽ xử lý nước thải của 5 xã: Đắc Sở, Yên Sở, Sơn Đồng, Đức Giang và Tiền Yên .
 
Dự án nhà máy xử lý nước thải Vân Canh, phục vụ nhu cầu cho các xã Vân Canh, Kim Chung, Lại Yên và Di Trạch. Hiện nay, do thay đổi nguồn vốn đầu tư (kêu gọi xã hội hóa) nên chưa triển khai thực hiện.
 
Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà, công suất 20.000m3/ngày đêm, tại xã Dương Liễu, xử lý nước thải của làng nghề 03 xã Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế phần vùng đồng. Tháng 10/2016, Nhà máy đã được khánh thành và đưa vào sử dụng, đã góp phần giảm ô nhiễm do nước thải làng nghề gây ra. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành xử lý nước thải còn chưa đáp ứng được yêu cầu, đến nay, lượng nước thải xử lý chỉ đạt dưới 10.000m3/ngày đêm vào thời điểm mùa vụ. Đặc biệt, do nước thải lẫn nhiều sơ sợi đã gây khó khăn cho hệ thống bơm nước vào nhà máy…
 
Theo lãnh đạo UBND huyện Hoài Đức, khi 03 nhà máy này đi vào hoạt động sẽ cơ bản sẽ thu gom hết nước thải làng nghề trên toàn địa bàn huyện Hoài Đức. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay, mới chỉ có Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà hoàn thành và đưa vào hoạt động song vẫn chưa hoàn chỉnh. Còn lại Nhà máy xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng và Nhà máy xử lý nước thải Vân canh vẫn chưa hoàn thành do còn vướng nhiều khó khăn, vướng mắc. 
 
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, Tổ Đại biểu giám sát về tiến độ triển khai, công tác quản lý, vận hành, khai thác các dự án xử lý nước thải làng nghề trên địa bàn huyện Hoài Đức là nét mới trong hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND Thành phố nhiệm kỳ này. Qua đó, giúp tăng cường hoạt động giám sát của các Tổ đại biểu HĐND Thành phố (30 Tổ đại biểu tại 30 quận, huyện, thị xã) theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
 
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu kết luận buổi giám sát
 
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố cho biết, trong thời gian qua, công tác quản lý môi trường trên địa bàn Thành phố được Thành ủy-HĐND-UBND Thành phố đặc biệt quan tâm. Đây cũng là một trong những vấn đề có tính cấp bách, dân sinh bức xúc, phát sinh trong quá trình đô thị hóa, phát triển KTXH không những trên địa bàn huyện Hoài Đức mà còn nhiều quận, huyện của Thành phố. Qua đánh giá của Thành phố cho thấy, một phần ô nhiễm nguồn nước tại lưu vực các sông có việc xả thải của các làng nghề của các quận, huyện vào các kênh nước dẫn ra lưu vực sông, trong đó có các làng nghề của huyện Hoài Đức.
 
Chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP cho rằng, bên cạnh nguyên nhân khách quan như các quy định của pháp luật về ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực xử lý ô nhiễm môi trường hiện nay còn hạn chế, cũng cần phải nhấn mạnh các nguyên nhân chủ quan. Đó là, sự phối hợp giữa các sở, ngành của Thành phố, UBND huyện và các Chủ đầu tư còn chưa chặt chẽ; chưa kịp thời xử lý những khó khăn phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng, quản lý vận hành dự án các nhà máy xử lý nước thải. Bên cạnh đó, hiệu quả công tác vận động, tuyên truyền để nâng cao trách nhiệm các hộ sản xuất kinh doanh làng nghề trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các ngành, UBND các cấp huyện Hoài Đức còn chưa cao.
 
Thời gian tới, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu các Chủ đầu tư các dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án trên cơ sở quy mô đầu tư và các hạng mục bổ sung của dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trong đó tập trung hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải của các làng nghề khu vực nằm ngoài đê. 
 
Ban Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố Hà Nội tập trung phối hợp với UBND huyện Hoài Đức và các địa phương liên quan để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án để dự án Nhà máy xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong Quý IV/2018 theo đúng kế hoạch.
 
UBND huyện Hoài Đức cần tập trung phối hợp với các sở, ngành của Thành phố, Chủ đầu tư các dự án để xử lý dứt điểm các hạn chế trong quá trình thực hiện. Phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường, Chủ đầu tư khảo sát và đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải tại các làng nghề do UBND huyện làm chủ đầu tư. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất kinh doanh thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như chính sách về giá dịch vụ thoát nước trên địa bàn các xã làng nghề; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ môi trường.

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t