Hiệu quả hoạt động thẩm tra sâu của các Ban HĐND thành phố Hà Nội (22:11 06/08/2018)


HNP - Kỳ họp thứ sáu, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV diễn ra đầu tháng 7 vừa qua đã thông qua 14 báo cáo, ban hành 10 nghị quyết quan trọng. Thành công của kỳ họp có sự đóng góp rất lớn của các Ban HĐND thành phố trong hoạt động thẩm tra sâu, kỹ các dự thảo báo cáo, tờ trình, nghị quyết-nguồn thông tin cần thiết, chính thống mang tính chất định hướng để các đại biểu xem xét, thảo luận, biểu quyết quyết định.

Đại biểu HĐND thành phố giám sát trực tiếp tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn


Gợi mở quan trọng cho đại biểu

Trong số nghị quyết được ban hành, Nghị quyết về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2018 của thành phố được các Ban HĐND thành phố chú trọng thẩm tra kỹ, soi chiếu với các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra và kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm. Qua đó, căn cứ đề các đại biểu HĐND thành phố xem xét, quyết định. Do có sự thẩm tra kỹ lưỡng của các Ban, nêu rõ những thuận lợi, khó khăn, hạn chế, đã gợi mở, định hướng cho các đại biểu HĐND thành phố thảo luận, quyết nghị các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm 2018.

Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga cho biết: thẩm tra về kinh tế, ngân sách là công việc khá phức tạp, đòi hỏi chuyên môn sâu. Trong thực tế, thường chú trọng đến dự toán chi ngân sách chứ chưa quan tâm nhiều đến dự toán thu ngân sách, nhưng lại là yếu tố rất quan trọng. Bởi nếu không kỹ càng, tỷ mỷ nghiên cứu căn cứ số thu ngân sách cấp trên giao, kết quả thực hiện của năm trước, các nhân tố tác động tăng-giảm số thu trong năm (phát triển KT-XH, thay đổi chính sách thu…), thì khó để quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Đơn cử như thu ngân sách của thành phố 6 tháng đầu năm 2018 có chuyển biến tích cực, đạt hơn 50% dự toán. Đặc biệt, tỷ trọng các khoản thu tỷ nội địa (trừ dầu thô, tiền sử dụng đất và thu từ xổ số) trong tổng số thu ngân sách cao hơn cùng kỳ của 2 năm gần đây cho thấy bền vững hơn trong thu ngân sách. Vì thế, trong báo cáo thẩm tra, Ban Kinh tế - Ngân sách đã phân tích rõ bối cảnh, nguyên nhân đạt được, nhận được sự đồng thuận cao của đại biểu, không thảo luận nội dung thu ngân sách, dành thời gian cho các nội dung khác.

Ghi nhận diễn biến tại kỳ họp, các báo cáo của ngành, nghị quyết chuyên đề cũng được các Ban HĐND thành phố thẩm tra kỹ, trong đó, có cả hoạt động khảo sát để đối chiếu số liệu, phục vụ cho thẩm tra tờ trình, dự thảo nghị quyết. Trong đó, thẩm tra các báo cáo thuộc lĩnh vực tư pháp là nội dung khó, nhạy cảm, đòi hỏi đại biểu phải có trình độ chuyên môn và am hiểu sâu về lĩnh vực tư pháp, nhất là các khâu trong tố tụng hình sự, dân sự… Với các thành viên trong Ban Pháp chế HĐND thành phố có kinh nghiệm, liên tục cập nhật các văn bản nhiều pháp luật thuộc lĩnh vực tư pháp mới sửa đổi, bổ sung, nên báo cáo thẩm tra rất chất lượng, căn cứ quan trọng để đại biểu HĐND thành phố xem xét, quyết định.

Kinh nghiệm cần phát huy

Theo Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam, để làm tốt vai trò thẩm tra, các Ban HĐND cần xác định đúng tầm quan trọng của các báo cáo thẩm tra và những tiêu chí cần có của một báo cáo thẩm tra trình kỳ họp. Cụ thể, báo cáo thẩm tra phải giúp đại biểu HĐND có những thông tin cần thiết để xem xét, đánh giá tình hình, kết quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị một cách đầy đủ, khách quan, đúng chức năng, nhiệm vụ, phù hợp hơn với chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và ý nguyện của cử tri. Tiêu chí của báo cáo thẩm tra là nêu rõ quan điểm của người thẩm tra, không xuôi chiều theo nội dung trình. Để đạt mục đích trên, mỗi Ban cần chuẩn bị tài liệu (báo cáo và các tài liệu tham khảo); phân công nhiệm vụ các thành viên ban nghiên cứu; tổ chức lấy ý kiến những người am hiểu về vấn đề đó; khảo sát tình hình thực tế tại địa phương về những vấn đề liên quan đến thẩm tra.

Khảo sát tình hình thực tế cũng là kinh nghiệm được các Ban HĐND thành phố Hà Nội triển khai áp dụng ở kỳ họp vừa qua. Tiêu biểu như khảo sát phục vụ thẩm tra về Nghị quyết quy định một số nội dung, mức chi đặc thù thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố; Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội; Nghị quyết quy định mức hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường đối với người dân khu vực xung quanh các khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp trên địa bàn thành phố…

“Lãnh đạo các Ban lựa chọn những vấn đề cần đánh giá sâu để khảo sát, hoặc trong báo cáo nêu chủ yếu kết quả nhưng thực tế còn có nhiều vấn đề bất cập mà qua tiếp xúc cử tri, phản ánh của báo chí, dư luận xã hội quan tâm để tổ chức khảo sát. Hình thức khảo sát thông qua buổi làm việc hoặc tổ chức nắm tình hình thực tế, sẽ mang lại hiệu quả cao”- Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân chia sẻ.

Theo quy định chậm nhất 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp, các Ban HĐND tổ chức thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết. Thời gian qua, dù có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Ban và các cơ quan chuyên môn của thành phố Hà Nội trong thông tin, báo cáo, nhưng vẫn có sự chậm muộn trong việc gửi tài liệu của một số cơ quan cho các Ban HĐND thẩm tra. Vì thế, để có thời gian cho nghiên cứu tài liệu, các Ban HĐND thành phố cần chủ động liên hệ với các cơ quan tham mưu cho UBND ban hành báo cáo đề nghị gửi văn bản trước để nghiên cứu (nếu chưa có bản chính thức, đề nghị gửi dự thảo tại phiên họp gần nhất).


Hà Vy


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t