Cần tăng cường đầu tư nguồn nhân lực và trang thiết bị cho y tế dự phòng (15:12 26/07/2018)


HNP - Sáng 26/7, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề “tình hình thực hiện chính sách pháp luật về y tế dự phòng trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Các đồng chí: Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội; Bùi Huyền Mai, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý.

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại hội nghị


Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong những năm qua, Y tế dự phòng thành phố đã thiết lập hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ thành phố đến cơ sở, chủ động giám sát, phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm gây dịch kể cả các bệnh dịch xâm nhập và dịch lưu hành. Chủ động giám sát dịch xâm nhập ngay tại cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, đặc biệt là luôn giám sát chặt chẽ các chuyến bay đến từ các vùng có dịch Ebola, MERS-CoV....
 
Để đáp ứng phòng, chống dịch bệnh và các sự kiện Y tế công cộng, hệ thống y tế dự phòng thành phố đã thành lập 65 đội cơ động chống dịch trong đó có 5 đội tuyến thành phố và 60 đội tuyến quận huyện. Các đội chống dịch cơ động được lựa chọn và đào tạo bài bản, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả qua đó đã khống chế thành công nhiều vụ dịch lớn như SARS (năm 2003), tả (năm 2007-2009) sởi (năm 2008, 2014), cúm đại dịch (năm 2009), sốt xuất huyết (năm 2009, 2017)…
 
Công tác tiêm chủng duy trì đạt tỷ lệ cao trên 95% với 8 loại vắc xin. Các chiến dịch tiêm chủng bổ sung vắc xin dược tổ chức hiệu quả khi có nguy cơ bùng phát dịch. Nhờ đó đã làm giảm đáng kể các loại bệnh có vắc xin tiêm chủng, duy trì được thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh và đang tiến tới loại trừ bệnh sởi. 
 
Trong công tác phòng chống HIV/AIDS đã triển khai hệ thống giám sát và tổ chức giám sát trọng điểm phát hiện các trường hợp nhiễm HIV đưa vào quản lý điều trị. Duy trì chương trình giảm tác hại dư phòng lây nhiễm HIV như phát bơm kim tiêm, bao cao su miễn phí cho đối tượng nguy cơ; hiện nay toàn thành phố có 18 cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone với tổng số bệnh nhân đang điều trị là 4.742. Duy trì 22 phòng khám ngoại trú điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV, hiện đang điều trị cho 12.443 người nhiễm HIV.
 
Bên cạnh đó, Y tế dự phòng đã triển khai phòng, chống bệnh không lây nhiễm với các bệnh như bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp giai đoạn 2011-2016. Thiết lập hệ thống giám sát, phòng chống bệnh không lây nhiễm (BKLN) dựa vào cộng đồng.
 
Tại hội nghị đã có 14 ý kiến của cử tri đóng góp vào nhiều vấn đề liên quan đến việc thực hiện công tác chuyên môn và cơ chế chính sách. Trong đó, nhiều ý kiến đề nghị cần có chế độ tăng phụ cấp cho cán bộ y tế dự phòng, nhất là các cán bộ ở vùng xa, thôn, bản và lãnh đạo; đầu tư đầy đủ trang thiết bị cho các quận, huyện, xã, phường, nhất là trang thiết bị xét nghiệm; về công tác tuyên truyền, cần đầu tư bài bản, sâu rộng hơn để nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống bệnh, nâng cao sức khỏe. 
 
Bên cạnh đó, cử tri cũng đề nghị nâng mức xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm y tế dự phòng để tạo sức răn đe. Hỗ trợ truyền thông phòng, chống HIV, tạo dư luận để người bị nhiễm HIV không bị kỳ thị. Về mặt luật pháp cần có cơ chế đảm bảo thông tin cho người nhiễm HIV/AIDS. Giải quyết các vướng mắc trong khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. Đề nghị Thành phố xử lý ô nhiễm môi trường nhất là ô nhiễm không khí để tạo môi trường sống trong lành cho nhân dân.
 
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý phát biểu tại hội nghị
 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết, Hà Nội có địa bàn rộng, dân số đông, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm, đặc biệt là công tác y tế dự phòng. Những năm qua, Thành phố đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị cho ngành y tế, quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ… Phó Chủ tịch ghi nhận và tiếp thu các ý kiến của cử tri và yêu cầu ngay sau hội nghị Sở Y tế chủ trì xây dựng kế hoạch phối hợp với các quận, huyện trong công tác y tế dự phòng. Đối với các kiến nghị về cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của Trung ương sẽ được Thành phố tổng hợp để kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền. 
 
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Đại Biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND TP  Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị UBND TP rà soát lại các thủ tục, các cơ chế, về chi ngân sách trên địa bàn TP trong lĩnh vực y tế để xem có những chính sách nào đã lạc hậu, cần bổ sung hoặc cần thay thế từ đó có bức tranh tổng thể để kiến nghị với Thành ủy, HĐND TP để sửa đổi cho phù hợp. Đồng thời, rà soát lại công tác đầu tư để xem tiến độ đầu tư, đánh giá sự hiệu quả trong đầu tư, so sánh để tìm ra phương thức đầu tư tối ưu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân trong công tác phòng, chống dịch.
 
Đối với Bộ Y tế, đồng chí đề nghị khi ban hành các thông tư, hướng dẫn cần căn cứ tình hình cụ thể và có những đặc thù đối với những địa phương có dân cư đông như thành phố Hà Nội. 
 
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cám ơn và ghi nhận các ý kiến đóng góp của cử tri đồng thời tổng hợp các ý kiến để gửi đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi các quy định cho phù hợp.

Quang Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t