Hà Nội: Nhà nước, doanh nghiệp và gia đình cùng chung tay thực hiện Chương trình Sữa học đường (20:39 05/07/2018)


HNP - Chiều 5/7, tại kỳ họp thứ Sáu, HĐND TP Hà Nội khóa XV, với tỷ lệ 96,08% số đại biểu tán thành (đạt 100% đại biểu có mặt), HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về quy định cơ chế hỗ trợ từ ngân sách địa phương thực hiện Đề án chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn TP Hà Nội.

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội Trần Thế Cương trình bày báo cáo thẩm tra


Theo tờ trình của UBND TP, do Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng trình bày, mục tiêu của Đề án "Chương trình Sữa học đường" nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày nhằm giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai. Đồng thời, nâng cao nhận thức của cộng đồng, cha, mẹ, người chăm sóc về tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sự phát triển toàn diện về tầm vóc, thể lực và trí tuệ của trẻ em, đặc biệt là bữa ăn học đường và sử dụng các sản phẩm sữa phù hợp theo nhóm tuổi.
 
Để triển khai xây dựng Nghị quyết, UBND TP giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp các sở, ngành đơn vị liên quan tổ chức lấy ý kiến phụ huynh học sinh về sự cần thiết, giá, chất lượng sữa và cơ chế hỗ trợ từ ngân sách thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường. Cụ thể, đã tham khảo cơ chế tài chính của một số tỉnh, TP đã và đang triển khai; tổ chức họp với các sở, ngành có liên quan, Phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã về triển khai xây dựng Đề án Sữa học đường; Khảo sát, lấy ý kiến của phụ huynh học sinh, các cơ sở giáo dục; ý kiến tham gia của các Sở, ngành như Sở Y tế, Tài chính, Lao động TB&XH,…
 
Theo Nghị quyết của HĐND TP, đối tượng áp dụng Nghị quyết này là trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Hà Nội và phụ huynh của các đối tượng này tự nguyện tham gia Đề án sữa học đường. Doanh nghiệp cung cấp sữa, các đơn vị, tổ chức cá nhân có liên quan đến việc tổ chức, thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường trên địa bàn TP.
 
Theo đó, thời gian thụ hưởng, giai đoạn 2018 - 2020 (từ năm học 2018 - 2019 đến năm học 2020 - 2021, riêng năm học 2020 - 2021, chỉ tính đến hết ngày 31/12/2020). Về định mức thụ hưởng, trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa tươi 05 lần/tuần (mỗi ngày đến trường uống một lần), mỗi lần 1 hộp 180ml và trong 9 tháng đến trường của mỗi năm học.
 
Về mức hỗ trợ, ngân sách hỗ trợ 30% (đối với 10 quận tự cân đối ngân sách: Ngân sách quận đảm bảo kinh phí hỗ trợ; đối với 20 quận, huyện, thị xã còn lại: Ngân sách Thành phố bổ sung kinh phí để thực hiện hỗ trợ), DN cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh học sinh đóng góp 50%.
 
Riêng đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc diện chính sách (thân nhân của người có công với cách mạng; trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học không có nguồn nuôi dưỡng; trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học là con của hạ sĩ quan và binh sĩ, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong lực lượng vũ trang nhân dân): Ngân sách hỗ trợ 50%.
 
Trình bày báo cáo thẩm tra tại kỳ họp, Trưởng ban Văn hóa Xã hội Trần Thế Cương cho rằng nội dung Tờ trình cơ bản phù hợp với Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020”. 
 
Một số ý kiến cho rằng, với mức hỗ trợ của doanh nghiệp 20% là thấp, do vậy, nên điều chỉnh mức hỗ trợ của doanh nghiệp từ 25% - 40% và giảm mức đóng góp của phụ huynh. Ban Văn hóa - Xã hội thấy rằng, hiện nay, tại một số gia đình có điều kiện về kinh tế thường cho con uống sữa có nguồn gốc từ nước ngoài, trong khi đó các doanh nghiệp trong nước có uy tín đang tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đồng thời để đảm bảo thực hiện chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” một cách bền vững, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước phát triển, Ban Văn hóa - Xã hội thống nhất với đề xuất mức hỗ trợ 20% đối với doanh nghiệp để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước phát triển và đảm bảo sự bền vững của Chương trình.
 
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND Thành phố thống nhất với đề xuất của UBND Thành phố về mức hỗ trợ, đóng góp để triển khai Chương trình sữa học đường cho trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học là phù hợp với khả năng hỗ trợ của doanh nghiệp, đóng góp của cha mẹ học sinh và khả năng cân đối ngân sách của Thành phố.
 
Với 98/98 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Nghị quyết đã được thông qua tại kỳ họp.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t