Cần đẩy nhanh các dự án thuộc quy hoạch thoát nước đô thị (18:13 24/10/2017)


HNP - Tại buổi giám sát, sáng 24/10, của Ban Đô thị HĐND TP tại Sở Xây dựng về tình hình, kết quả thực hiện quy hoạch hệ thống thoát nước đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, việc thoát nước đã được cải thiện đáng kể với hệ thống thoát nước được đầu tư đồng bộ, tuy nhiên, cũng còn những vướng mắc cần giải pháp tháo gỡ.

Ban Đô thị giám sát tại Sở Xây dựng


Đầu tư đồng bộ

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, tại quyết định số 725/QĐ-TTg ,ngày 10/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố được chia ra 3 vùng tiêu chính: Vùng tiêu Tả Đáy, vùng Hữu Đáy và vùng Bắc Hà Nội. Trong đó, Sở Xây dựng được UBND TP giao quản lý hệ thống thoát nước đô thị, bao gồm khu vực trung tâm Hà Nội với diện tích khoảng 300km2 chủ yếu nằm trong vùng Tả Đáy và một phần vùng Bắc Hà Nội và phân chia thành 5 khu vực chính là: Khu vực sông Tô Lịch, Khu vực Tả sông Nhuệ, Khu vực hữu Nhuệ, Khu vực quận Long Biên, các huyện và các phường thuộc thị xã Sơn Tây và các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn thành phố.

Đến nay, hệ thống thoát nước khu vực sông Tô Lịch đã và đang được đầu tư xây dựng với một số công trình trọng điểm đã hoàn thành như: cụm công trình đầu mối Yên Sở, hệ thống hồ điều hòa Yên Sở hơn 130ha, cải tạo 56km kênh mương, cải tạo 17 hồ, cải tạo và xây dựng 49,9km cống thoát nước, xây dựng 3 trạm/nhà máy xử lý nước thải Kim Liên, Trúc Bạch, Bảy Mẫu, xây dựng 36,5km đường công vụ dọc các tuyến sông, trang bị các thiết bị nạo vét cơ giới hiện đại…

Đối với khu vực thoát nước Tả Nhuệ, đã hoàn thành dự án xây dựng và cải tạo 3 trạm bơm Cổ Nhuế, Đồng Bông I, Đồng Bông II, dự án cụm công trình đầu mối Liên Mạc giai đoạn 1. Tuy nhiên, đây là khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, nhiều khu đô thị đã và đang xây dựng đi vào hoạt động, ngoài ra hệ thống cống rãnh trong các khu vực ngõ xóm, khu vực đô thị hóa còn manh mún nên khả năng tiêu thoát kém, do vậy khi mưa lớn kéo dài sẽ bị úng ngập như khu vực Keangnam Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng…

Đối với khu vực thoát nước Hữu Nhuệ, một số dự án đã và đang triển khai là Dự án thoát nước động lực phía Tây Nam quận Hà Đông, Trạm bơm Yên Nghĩa, Dự án cụm công trình đầu mối Liên Mạc. Tuy nhiên, hệ thống thoát nước đô thị ở khu vực này chưa được hình thành.

Về khu vực thoát nước Bắc Hà Nội (chủ yếu quận Long Biên và huyện Đông Anh), đã triển khai một số dự án như Dự án cải tạo thoát nước chống úng ngập phố Vũ Xuân Thiều, Dự án xây dựng trạm bơm Gia Thượng và tuyến mương Thượng Thanh, đầu tư cải tạo và xây dựng hệ thống cống nối thông hồ Vục, hồ Đầu Băng và hồ Tư Đình, xây dựng nâng cấp trạm bơm Phương Trạch - Đông Anh, Vĩnh Thanh - Đông Anh.

Với việc đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước, tình hình úng ngập trên địa bàn thành phố, đặc biệt là khu vực nội thành đã giảm đáng kể. Trưởng phòng Hạ tầng Sở Xây dựng cho biết, năm 2015, đã giảm thiểu được 8 điểm úng ngập; năm 2016 giảm thêm 3 điểm và năm 2017 qua kiểm chứng các trận mưa lớn cho thấy, công trình thoát nước đang cho hiệu quả tích cực.

Khó khăn vướng mắc và giải pháp tháo gỡ

Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, Sở đang rất tích cực triển khai thực hiện Quy  hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội, nhưng đến nay, các dự án theo quy hoạch và kế hoạch phát triển hạ tầng thoát nước đô thị còn chậm do nhu cầu về vốn đầu tư các dự án rất lớn, việc huy động các nguồn lực xã hội theo hình thức đối tác công tư để triển khai các dự án thoát nước còn khó khăn, bất cập do đặc thù các dự án thoát nước thiếu hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Ngoài ra, các dự án thoát nước sử dụng vốn vay ODA thường có quá trình chuẩn bị đầu tư kéo dài dẫn tới nhiều thay đổi về cơ chế chính sách và mặt bằng hiện trạng… dẫn tới phải điều chỉnh bổ sung. Việc chưa hài hòa về thủ tục  giữa Chính phủ Việt Nam và nhà tài trợ nước ngoài cũng là nguyên nhân gây ra các dự án triển khai còn chậm.

Cũng theo báo cáo của lãnh đạo Sở Xây dựng, công tác GPMB còn gặp nhiều khó khăn do các công trình thoát nước có khối lượng GPMB rất lớn, các chính sách, kinh phí phục vụ bồi thường hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí quỹ nhà tái định cư của thành phố còn nhiều khó khăn, bất cập. Ngoài ra, việc thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của chủ đầu tư dự án và chính quyền địa phương cũng dẫn tới việc triển khai dự án còn chậm. Bên cạnh đó, thủ tục, quy trình thẩm định, phê duyệt qua nhiều cấp từ thành phố đến trung ương là một trong những yếu tố lớn nhất gây ra chậm trễ ở mỗi giai đoạn như việc điều chỉnh dự án đầu tư, điều chỉnh thiết kế, duyệt phát sinh, kế hoạch đấu thầu, thiết kế bản vẽ thi công, kết quả đấu thầu, thực hiện hợp đồng và thanh toán… Cũng theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng, việc các dự án thoát nước còn chậm trễ đã gây úng ngập cục bộ một số khu vực trong nội thành.

Trưởng Ban Đô thị Nguyễn Nguyên Quân cho rằng, so sánh giữa kết quả đạt được với mục tiêu, kế hoạch đặt ra của các dự án thoát nước thì còn chưa tương xứng. Quá trình tổ chức triển khai thực hiện Quy  hoạch, đặc biệt là các dự án của thành phố còn chậm do nhiều nguyên nhân, chưa đảm bảo tính đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư của các dự án. Hầu hết các dự án đã được phê duyệt, đã được bố trí vốn nhưng triển khai chậm thì nguyên nhân chính là do chỉ đạo điều hành trong GPMB. Bên cạnh đó, cơ chế thu hút đầu tư nguồn lực xã hội hóa cũng chưa đồng bộ, linh hoạt, đặc biệt là cơ chế hỗ trợ sau đầu tư, tính phí, tính giá chưa thu hút được nhiều dự án xã hội hóa.

Để đẩy nhanh việc triển khai thực hiện Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp, thoát nước và môi trường thành phố cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thoát nước để giải quyết, khắc phục và giảm thiểu tình trạng úng ngập trong mùa mưa bão. Đồng thời, chỉ đạo Sở NN và PTNT cùng các nhà đầu tư liên quan đầu tư xây dựng các dự án trạm bơm Yên Nghĩa, Liên Mạc, thoát nước Tây Nam Hà Đông, Tả Nhuệ và các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước khác. Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho rằng, hệ thống thoát nước theo quy hoạch không cần phải điều chỉnh, chỉ cần đẩy nhanh tiến độ thi công.


Nguyễn Hợp


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t