Tiếp tục kiến nghị về công trình Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội (11:23 17/10/2017)


HNP - Ban Văn hóa Xã hội - HĐND TP Hà Nội vừa có Báo cáo số 102/BC-VHXH về kết quả khảo sát tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội.

Báo cáo nêu rõ, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội - Công trình trọng điểm chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, là cơ sở đào tạo công lập trực thuộc UBND thành phố Hà Nội, với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao cung cấp cho các ngành công nghiệp mũi nhọn, các ngành kinh doanh dịch vụ... trên địa bàn thành phố Hà Nội và khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Trường được khởi công xây dựng từ năm 2003, trên diện tích 4,8ha, với tổng diện tích xây dựng là 42.000m2, tổng vốn đầu tư là 320 tỷ đồng. Trường được thiết kế xây dựng cơ sở vật chất theo Tiêu chuẩn “Trường dạy nghề - Tiêu chuẩn thiết kế /TCXDVN 60-2003 đáp ứng quy mô đào tạo có thể đạt tới 3.000 - 4.000 sinh viên. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.

Từ năm 2010, nhà trường đã tiếp nhận bàn giao các hạng mục công trình của Dự án Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đưa vào sử dụng các hạng mục xây dựng. Toàn bộ công trình Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao được Chủ đầu tư bàn giao vào năm 2015.

Sau khi Trường được bàn giao các hạng mục và đưa vào sử dụng, tháng 4/2014, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND Thành phố đã tổ chức giám sát việc quản lý, khai thác công trình văn hóa - xã hội trọng điểm của thành phố Hà Nội từ năm 2011 đến năm 2014. Qua giám sát tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao cho thấy, tại thời điểm giám sát: 1/21 gói thầu về thiết bị đào tạo tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội chưa thực hiện. Một số công trình trong trường xuống cấp và hư hỏng nặng. Chủ đầu tư đã sửa chữa nhiều lần nhưng chưa khắc phục được, ảnh hưởng đến việc dạy và học nghề trong trường.

Từ những tồn tại trên Ban Văn hóa - Xã hội đã kiến nghị, đề xuất với UBND Thành phố: Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư công trình Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội trong việc thực hiện dự án. Đồng thời, đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo hoàn thành dứt điểm 01/21 gói thầu về trang thiết bị đào tạo của nhà trường trong quý II/2014; tiếp tục sửa chữa những hạng mục bị xuống cấp, hư hỏng theo quy định.

Tuy nhiên, đến nay, việc sửa chữa, chống xuống cấp những hạng mục bị xuống cấp, hư hỏng đối với Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao chưa được triển khai thực hiện.

Ngày 05/10/2017, Ban Văn hóa - Xã hội đã tổ chức khảo sát đánh giá hiện trạng công trình, thực tế cho thấy: Một số vị trí sảnh và hành lang tầng 1 tại một số nhà (Nhà học lý thuyết 11 tầng, nhà xưởng thực hành, nhà thư viện, nhà thể chất...) bị lún gây vỡ gạch lát nền, hở chân tường, một số nơi xuất hiện các vết nứt lớn chạy dọc tường các lớp học, một số nơi bậc tam cấp bị lún nghiêng nghiêm trọng, nứt và hở chân tại vị trí tiếp giáp với nền nhà. Đặc biệt, hạng mục cầu thang thông tầng nối hai nhà A và В do hiện tượng sụt, lún nên cầu thang bị nứt, đây là một hạng mục độc lập không liên kết với tòa nhà A và B, do đó, có thể bị sập bất kỳ lúc nào, rất nguy hiểm cho người qua lại và người sử dụng. Tại buổi khảo sát, lãnh đạo nhà trường trao đổi do thiếu phòng học nên đối với các công trình sụt lún nhà trường vẫn sử dụng các phòng học tại tầng 2 của tòa nhà trên, đồng thời các học sinh, sinh viên vẫn thường xuyên đi qua các hạng mục nguy hiểm trên mặc dù đã có biển cảnh báo.

Trên cơ sở khảo sát thực tế, Ban Văn hóa Xã hội - HĐND Thành phố tiếp tục kiến nghị UBND TP kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trong việc thực hiện dự án xây dựng công trình Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội.

Đồng thời, Ban Văn hóa Xã hội - HĐND Thành phố đưa ra 3 kiến nghị mới: (1) Giao cho các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá kỹ thực trạng của công trình. Trên cơ sở đó đề xuất việc giải quyết theo quy định và đảm bảo an toàn cho người sử dụng. (2) Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Chủ đầu tư và các sở, ngành có liên quan tổ chức rà soát, bố trí nguồn vốn để đẩy nhanh thực hiện dự án trên trong năm 2018. (3) Qua khảo sát cho thấy, các hạng mục đang xuống cấp, vì vậy việc thực hiện cải tạo, sửa chữa, chống xuống cấp các hạng mục này là rất cấp bách, cần phải thực hiện ngay để đảm bảo an toàn cho cán bộ, giáo viên và sinh viên Nhà trường.

Về việc bố trí vốn cải tạo, sửa chữa các hạng mục: Tại Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 03/7/2017 của HĐND Thành phố và Quyết định số 2489/QĐ-UBND ngày 17/5/2017 của UBND Thành phố, dự án trên được bố trí nguồn vốn cải tạo sửa chữa vào năm 2019 (50 tỷ đồng) do Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình văn hóa - xã hội làm chủ đầu tư. Hiện tại, Ban QLDA đang tổ chức khảo sát, đánh giá lại hiện trạng công trình, lập và chuẩn bị các thủ tục liên quan đến chủ trương đầu tư dự án. Đề nghị Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình văn hóa - xã hội tổ chức nghiên cứu, đánh giá hiện trạng công trình để đưa ra biện pháp kỹ thuật cải tạo, đảm bảo nguyên tắc tối ưu về kinh tế, tiết kiệm ngân sách. Đồng thời, khẩn trương tổ chức thực hiện đầu tư dự án trong năm 2018.


Thanh Tình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t