Thiếu trường học trong các khu đô thị: Cần có giải pháp trước mắt và lâu dài (21:48 11/07/2017)


HNP - Sự phát triển nhanh chóng của các khu đô thị mới, khu nhà ở cao tầng, đã làm thay đổi diện mạo Thủ đô, tạo không gian đô thị văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân. Dù vậy, khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố về việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch và xây dựng các công trình hạ tầng xã hội (trường học, khu vui chơi, nhà văn hóa, nơi sinh hoạt công cộng) tại các khu đô thị, khu nhà ở cao tầng trên địa bàn thành phố vẫn chưa đáp ứng theo quy hoạch, thực tiễn. Đặc biệt, trường học công thiếu trầm trọng, thành phố cần có giải pháp khắc phục cả trước mắt và lâu dài.

Thực trạng báo động

Theo Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội về “Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, thường xuyên, chuyên nghiệp Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch mạng lưới trường học thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2030” thì mỗi xã, phường, thị trấn, khu đô thị mới phải có ít nhất một trường mầm non, một trường tiểu học và một trường THCS công lập. Tuy nhiên, theo khảo sát cho thấy, hầu hết các khu đô thị đều thiếu trầm trọng, gây áp lực cho các trường học công tại khu dân cư hiện hữu.

Theo rà soát của Sở Xây dựng, 78 dự án khu đô thị mới có quy hoạch đất xây dựng công trình hạ tầng xã hội (nhà trẻ, trường học phổ thông, nhà văn hoá, nơi sinh hoạt cộng đồng, vườn hoa, cây xanh) thì mới có 36 dự án được đầu tư xây dựng đảm bảo đồng bộ theo quy hoạch; 27 dự án đang thực hiện tiến độ xây công trình hạ tầng xã hội cùng với tiến độ xây dựng nhà ở; 15 dự án đầu tư xây dựng chưa đảm bảo đồng bộ hạ tầng xã hội so với tiến độ xây dựng nhà ở.

Phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai có 72 toà nhà cao tầng đang sử dụng. Dự kiến cuối năm 2017, phường sẽ có thêm 10 toà nữa đưa vào sử dụng, đón cư dân vào sinh sống. Hạ tầng xã hội của phường Hoàng Liệt đang chịu sức ép của khoảng 7 vạn dân (tương đương với dân số của 3 phường), nhưng mỗi cấp học phường chỉ có một trường công lập. Tương tự, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, dân số ở mức 16 nghìn dân và 3 năm gần đây, người dân đã phải dùng hình thức bốc thăm khi xin học cho con. Dự kiến, năm 2017, phường đón cư dân về sinh sống hai tòa chung cư cao tầng, thì không biết việc xin học còn khó khăn đến đâu? Khảo sát tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm cũng cho thấy, 9 toà nhà của dự án GoldMart City, mỗi tòa cao 40 tầng, quy mô hơn 5.400 căn hộ. Dự kiến tháng 9/2017, các tòa nhà đón cư dân vào ở, nhưng trường liên cấp tiểu học và THCS vẫn chưa hoàn thiện, mới dừng lại ở chân móng công trình, trong khi dự án đã 2 lần điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng số căn hộ. Cũng chung hiện trạng, Khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm, sau 7 năm đón cư dân vào ở, chủ đầu tư mới xây dựng được một trường mầm non, 3 trường nữa nằm trong quy hoạch, nhưng chưa xây dựng do chưa kêu gọi đầu tư được theo hình thức xã hội hoá.  

Giải pháp khắc phục

Thực trạng trên do rất nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chính do quyết định phê duyệt đầu tư chưa xác định rõ vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc thực hiện các công trình hạ tầng xã hội, dẫn đến có chủ đầu tư bỏ hoang đất xây dựng các công trình hạ tầng xã hội hoặc có thực hiện nhưng tiến độ chậm. Mặt khác, việc đầu tư vào các công trình hạ tầng xã hội lợi nhuận thấp, các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục còn chậm, chưa cụ thể, dẫn đến các chủ đầu tư ít đầu tư vào các công trình hạ tầng xã hội trong các khu đô thị mới. Bên cạnh đó, nhiều dự án, tình trạng người mua nhà để đầu tư, đầu cơ, vì vậy khi nhận nhà không đưa vào sử dụng ngay dẫn đến khi xây dựng xong nhà trẻ, trường học không đủ học sinh, các chủ đầu tư xây dựng một cách cầm chừng.

Nhiều thành viên Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố cho rằng, thực tiễn, công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch cũng còn nhiều bất cập, bố trí quỹ đất để xây dựng hạ tầng xã hội ở một số khu đô thị, khu nhà ở cao tầng còn chưa đảm bảo tính khả thi (đất xây dựng trường ở khu vực nghĩa trang, khu vực ao hồ, khu vực dân cư, khu vực đường giao thông, khu vực khó giải phóng mặt bằng, nằm trong quy hoạch hành lang xanh…). Tiêu biểu như tại dự án khu đô thị Tây Nam hồ Linh Đàm, ô đất NT2 quy hoạch xây dựng nhà trẻ mẫu giáo thuộc phạm vi đất hiện trạng khu nghĩa trang thôn Bằng A; ô đất TH2 quy hoạch xây dựng trường tiểu học thuộc phạm vi đất hiện trạng là ao đình thôn Bằng A.

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: để giải quyết hiện trạng trên, thành phố Hà Nội cần có giải pháp trước mắt và lâu dài. Về trước mắt, thành phố cần ưu tiên quỹ đất xây dựng trường học khi di chuyển các cơ quan, đơn vị thuộc diện phải di dời ra khỏi nội đô theo Quyết định 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các dự án xây dựng trường học chủ đầu tư chậm triển khai, UBND thành phố sớm thu hồi và giao cho UBND quận, huyện, thị xã lập dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách hoặc kêu gọi đầu tư xã hội hóa. Đặc biệt, thành phố sớm chỉ đạo việc cập nhật quy mô dân số tại các khu đô thị phù hợp quy hoạch, phù hợp thực tế, làm cơ sở điều chỉnh các chỉ tiêu quy mô trường, lớp đối với từng đơn vị, địa phương.

Về giải pháp lâu dài, khi phê duyệt quy hoạch và quyết định đầu tư, thành phố cần có những quy định ràng buộc rõ ràng về trách nhiệm của chủ đầu tư đối với việc đảm bảo tiến độ, chất lượng xây dựng các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ dân sinh và bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý khi hoàn thành. Bên cạnh đó, thành phố nên có quy định cụ thể cho các khu chung cư, khu đô thị cải tạo xây mới phải quy hoạch, xây dựng đủ trường học theo nhu cầu, trong đó ưu tiên quỹ đất cho xây dựng trường công lập, không điều chỉnh quy hoạch đất xây dựng trường học sang mục đích khác. 


Hà Vy


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t