Sớm giải quyết bất cập trong quy hoạch mạng lưới trường học (05:38 28/05/2017)


HNP - Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội về quy hoạch mạng lưới trường, lớp với mục tiêu xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp Thủ đô Hà Nội cả về quy mô và chất lượng, đảm bảo cơ cấu hợp lý theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa, chuẩn hóa. Nghị quyết đã đi vào cuộc sống sau 5 năm triển khai, song đợt giám sát mới đây của Thường trực HĐND thành phố cho thấy vẫn còn một số bất cập, quy hoạch mạng lưới trường “nơi nhiều nguồn lực thì thiếu đất, nơi có đất thì thiếu nguồn lực”.

Áp lực dân số tăng nhanh

Theo Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội, giai đoạn 2011 - 2016, thành phố Hà Nội đã xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo gần 800 trường học các cấp, trong đó xây dựng mới 250 trường (109 trường công lập, 141 trường tư thục) là sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã. Tuy nhiên, so với số lượng học sinh tăng 343.000 học sinh giai đoạn 2011 - 2016, thì số trường đầu tư mới vẫn chưa đáp ứng so với thực tiễn, nhất là khu vực nội thành rất khó khăn vì quỹ đất hạn hẹp. Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam cho biết, bất cập nhất trong phát triển hệ thống mạng lưới giáo dục trên địa bàn thành phố là các quận nội thành thì sẵn sàng nguồn lực đầu tư xây dựng trường, nhưng lại rất khó khăn địa điểm (quận Hà Đông, Hoàng Mai, Đống Đa, Nam Từ Liêm), trong khi đó các huyện ngoại thành thì dễ bố trí địa điểm xây dựng trường học nhưng lại thiếu nguồn lực đầu tư (Ba Vì, Đông Anh,Thạch Thất, Ứng Hòa). Ông Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh, “Nghịch lý đang diễn ra, một số huyện đang tích cực tham gia chương trình nông thôn mới, quy hoạch xây dựng trường đầy đủ, nhưng thiếu học sinh. Ở một vài quận, rất khó khăn quy hoạch đất xây dựng trường, nhưng lại phát triển hệ thống dân lập nhiều hơn công lập, học sinh sở tại ít có điều kiện theo học”.  Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố Trần Thế Cương cũng cho rằng, ngoài bất cập trong quy hoạch mạng lưới trường học khu dân cư giữa nội thành và ngoại thành, tại các khu đô thị mới, các công trình hạ tầng xã hội, trong đó có trường học cũng chưa được các chủ đầu tư dự án quan tâm, thực hiện đúng theo quy hoạch. Thực tế, mới có 15 khu đô thị mới có hệ thống hạ tầng cơ bản đáp ứng nhu cầu của cư dân, còn 78 dự án khu đô thị mới đang trong giai đoạn đầu tư, trong đó có 15 dự án chưa bảo đảm đồng bộ hạ tầng kỹ thuật xã hội hoặc thiếu so với nhu cầu thực tế.

Khảo sát tại các quận như Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, những năm gần đây phát triển nhiều chung cư cao tầng với hàng nghìn hộ dân, trong khi tiến độ xây dựng các trường học thì chậm. Nhiều khu đô thị chỉ tập trung xây dựng trường tư thục, dẫn đến nhu cầu, áp lực được học trường công lập ngày càng tăng cao. Tiêu biểu như Khu đô thị Mỹ Đình 2 (Nam Từ Liêm) không có trường mầm non công lập, nhưng lại có 10 trường mầm non tư thục với 1.467 trẻ; Khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính (Cầu Giấy) có 6 trường tư thục ở 3 cấp  mầm non, tiểu học, THCS, nhưng không có trường công lập; Khu đô thị Bắc Linh Đàm (Hoàng Mai) có 4 trường tư thục hệ mầm non, tiểu học, thiếu trường công lập.

Cần bổ sung quy hoạch

Theo nhận định của Đoàn giám sát Thường trực HĐND thành phố, nguyên nhân có sự bất cập trên có cả khách quan và chủ quan. Đó là các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng… quỹ đất hạn chế, nên sĩ số học sinh/ lớp đông, khó khăn xây dựng trường chuẩn quốc gia. Một số huyện như Chương Mỹ, Thanh Trì, Mỹ Đức… kinh tế khó khăn, nguồn thu hạn chế, dân cư ở không tập trung, diện tích rộng dẫn đến một số trường có nhiều điểm lẻ, phòng học cấp 4. Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng và Bí thư Quận ủy Ba Đình Hoàng Trọng Quyết cho rằng: sự bất cập trên chính là việc dự báo tình hình dân số của từng quận, huyện, thị xã chưa theo kịp tốc độ tăng nhanh, dẫn đến khó khăn trong xác định nhu cầu quỹ đất cần đầu tư. Bên cạnh đó, nhiều quận ven đô phát triển nhiều khu đô thị nhưng chưa quan tâm đúng mức về quy hoạch mạng lưới trường học.

Cũng theo Đoàn giám sát của HĐND thành phố, để giải bài toán “nơi thừa, nơi thiếu” trường, lớp, UBND thành phố cần chỉ đạo các sở chuyên ngành rà soát kỹ, bổ sung quy hoạch, đáp ứng nhu cầu cả trước mắt và lâu dài. Trưởng Ban Kinh tế HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Mai cho biết, không nhất thiết cứng nhắc cứ mỗi xã, phường, thị trấn nào cũng quy hoạch có một trường mầm non, tiểu học, THCS; nơi nào cần thiết có thể hai trường, để phục vụ nhu cầu. Những nơi thiếu đất để xây dựng trường mới, thì cần đề xuất giải pháp nâng tầng, tăng phòng học cho học sinh. Ngoài ra, UBND thành phố cũng chỉ đạo các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ di dời các nhà máy, xí nghiệp trong diện pải di dời, bàn giao mặt bằng xây dựng cho địa phương ưu tiên quỹ đất xây dựng các trường học.

Về giải pháp đối với các khu đô thị, UBND thành phố cũng sớm chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch và Kiến trúc rà soát lại quy hoạch, mặt bằng xây dựng, yêu cầu các đơn vị dành diện tích phù hợp cho hạ tầng xã hội, trong đó có trường học; không điều chỉnh quy hoạch đất xây dựng trường học sang mục đích khác. Có như vậy, mới từng bước giải quyết nhu cầu của học sinh, giãn số học sinh/lớp theo đúng tinh thần Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐND của HĐND thành phố.


Hà Vy


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t