Sớm hoàn thiện dự thảo Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Luật thủy lợi (12:40 25/03/2017)


HNP - Chiều 24/3, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến xây dựng dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công sửa đổi, Luật Thủy lợi. Đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội chủ trì hội nghị.

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu chủ trì hội nghị


Theo dự thảo Tờ trình của Chính phủ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 là văn bản pháp luật cao nhất lần đầu tiên được ban hành ở Việt Nam về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Qua hơn 7 năm triển khai thực hiện, công tác quản lý, sử dụng tài sản nước đã đạt được những kết quả quan trọng, hiệu quả sử dụng được nâng lên, tình trạng thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước được khắc phục. Tuy nhiên, thực tế Luật hiện hành đã bộc lộ nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế, không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội.
 
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; đồng thời, cụ thể hóa phạm vi tài sản công theo điều 53 Hiến pháp 2013, quy định chế độ quản lý, sử dụng và xác định vai trò của Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đối với tài sản công, tạo lập sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, việc ban hành Luật mới thay thế cho Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiện hành là cần thiết.
 
Đánh giá Ban soạn thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công sửa đổi đã có quá trình chuẩn bị công phu từ khâu tổng kết, đánh giá thực tiễn, rà soát pháp luật, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế đối với việc quản lý, sử dụng tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước và tài sản được xác lập quyền sở hữu thuộc về nhà nước. Song không ít ý kiến đề nghị luật cần quy định bao quát, cụ thể, đầy đủ hơn nữa phạm vi, đối tượng, nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng các loại tài sản công đã được quy định tại Hiến pháp năm 2013 nhằm bảo đảm tài sản công được quản lý chặt chẽ, hiệu quả, thiết thực vì lợi ích quốc gia…
 
Theo Hội Luật gia TP Hà Nội, tài sản công phải được giám sát của cộng đồng, trừ các tài sản nằm trong danh mục bảo vệ bí mật nhà nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp hoặc thông qua các thành viên của mặt trận có trách nhiệm tiếp nhận thông tin của nhân dân trong lĩnh vực này và chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức giám sát, nhất là đối với việc công khai tài sản công và đầu tư xây dựng, mua, sắm cho thuê, thanh lý tài sản công.
 

Các đại biểu tham dự góp ý cho hai dự thảo luật

Đối với dự thảo Luật Thủy lợi một số đại biểu cho rằng cần sớm sửa đổi vì hiện còn nhiều bất cập, chưa sát với thực tế. Theo đại diện Hội Luật gia thành phố, dự thảo chưa xác định được vai trò của hệ thống thủy lợi trong nền kinh tế quốc dân nên chưa xác định được nội dung, mục tiêu, định hướng phát triển. Trong đó, cần coi hệ thống thủy lợi, nguồn nước là nguồn tài nguyên đặc biệt quan trọng thuộc quản lý nhà nước.
 
Bên cạnh đó, dự thảo cũng cần quy định rõ đơn vị quản lý, phân cấp quản lý, thẩm quyền định giá công trình thủy lợi, thiết bị thủy lợi. Góp ý cụ thể hơn đối với dự thảo Luật Thủy lợi một số đại biểu cho rằng dự thảo cần có sự sắp xếp lại các điều khoản để có sự thống nhất và khoa học hơn, theo như dự thảo có nêu “cộng đồng dân cư” là chưa thống nhất và chưa rõ ràng cần nó rõ hơn là quyền và trách nhiệm của cá nhân hay đơn vị nào…
 
Ngoài ra, các đại biểu còn góp ý thêm nội dung hợp tác quốc tế trong phát triển thủy lợi, trong nội dung quy hoạch cần có sự điều chỉnh, linh hoạt phù hợp với thực tế, quy hoạch phải dài hơi hơn và gắn với biến đổi khí hậu chứ không nên cứng nhắc, gò bó ở các quy định. Dự thảo luật cũng cần xem xét vấn đề xã hội hóa xây dựng thủy lợi, cần phải được xem xét ở góc độ khuyến khích, thu hút các nguồn lực từ xã hội, từ doanh nghiệp vào đầu tư hệ thống thủy lợi theo hướng hiện đại.
 
Đối với vấn đề vi phạm trong công tác quản lý thủy lợi, đại diện Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho rằng cần nêu rõ hơn về quản lý xả thải của cá nhân tổ chức ra hệ thống thủy lợi để tăng tính quản lý nhà nước, tránh tình trạng ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, trong dự thảo luật cần quy định về các doanh nghiệp ở ngoại thành làm công tác tiêu thoát nước cho nội thành cũng là dịch vụ công vì vậy cũng cần vốn từ ngân sách...Ngoài ra, dự thảo luật còn phải có quy định rõ về tiền thủy lợi phí, cách tính thủy lợi phí, việc thu thủy lợi phí từ nhân dân….
 
Kết thúc hội nghị, đồng chí Ngọ Duy Hiểu tiếp thu và đánh giá cao các ý kiến góp ý tại Hội thảo. Đây sẽ là những ý kiến hữu ích cho việc tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV năm 2017.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t