Những rào cản phát triển chợ truyền thống (12:38 25/03/2017)


HNP - Thành phố Hà Nội có hơn 400 chợ truyền thống được phân hạng, giao cho từng cấp quản lý từ thành phố đến cơ sở. So với trước, hiện nay, các chợ truyền thống đang phải đối mặt nhiều khó khăn khi thương mại điện tử phát triển, các trung tâm, siêu thị ngày càng “nở rộ” và người tiêu dùng cảm thấy chưa an tâm hơn với nguồn gốc xuất xứ hàng hóa ở chợ so với trung tâm thương mại, siêu thị…

Không còn sầm uất

Khảo sát ở các chợ hạng một do thành phố quản lý, chợ được coi có quy mô hơn 400 điểm kinh doanh, được đầu tư xây dựng kiên cố, hiện đại theo quy hoạch với chỉ tiêu tối thiểu 12m2 đất/ điểm kinh doanh, nhưng  hoạt động không sầm uất, đúng với quy mô đầu tư ban đầu. Hầu hết chợ nào cũng có các ki ốt bỏ trống do không thu hút khách hàng, tiểu thương đã không mặn mà kinh doanh; những ki ốt đang hoạt động cũng chỉ cầm chừng, mang tính chất tạo việc làm. Chợ Bưởi là chợ lớn khu vực quận Tây Hồ cách đây 10 năm trở về trước, nhưng nay đã không còn đông đúc, sầm uất, có nhiều ki ốt bỏ trống, gây lãng phí giữa trung tâm Thủ đô. Bà Lê Thị Bình (phường Bưởi, quận Tây Hồ) cho biết: mấy năm gần đây, chợ xuống cấp nhiều, thưa vắng người mua, bởi bên cạnh chợ, người dân có nhiều sự lựa chọn. ‘Tôi già, sáng mới xách làn đi chợ, chứ mấy đứa con tôi, chúng đi siêu thị mua thực phẩm cho cả tuần với lý do yên tâm hơn khâu vệ sinh thực phẩm, vừa tiện lợi, văn minh”, bà cho biết thêm. Chợ Ngã Tư Sở, quận Đống Đa cũng là chợ lớn do thành phố quản lý, nằm sát nút giao thông quan trọng (cầu vượt Ngã Tư Sở) giáp ranh giữa hai quận Đống Đa và Thanh Xuân với tổng diện tích quản lý trên 8000m2 và gần 800 hộ kinh doanh cố định. Nhiều tiểu thương ở chợ phản ánh rằng: mấy năm gần đây, buôn bán ở chợ rất khó khăn, việc thuê thêm từ 1 đến 3 nhân viên bán hàng như chục năm về hầu như không còn, nay chỉ có chủ hộ quản lý, bán hàng. Tương tự như chợ Bưởi, chợ Ngã Tư Sở cũng có nhiều ki ốt bỏ trống, bởi các hộ kinh doanh thấy không hiệu quả.

Cũng chính phát triển chợ vào thời điểm này khó khăn, nhất là đầu tư xây dựng mô hình chợ kết hợp trung tâm thương mại đã có đơn vị thất bại, không thu hút tiểu thương, nên các doanh nghiệp đều phải cân nhắc, thậm chí một vài nơi được phê duyệt đầu tư, nhưng xin trả lại thành phố.  Chợ Kim Liên là trường hợp điển hình, chợ được quận Đống Đa giao Công ty Cổ phần đầu tư Văn Phú-Invets đầu tư, xây dựng chợ kết hợp trung tâm thương mại cao tầng, nhưng nay doanh nghiệp đã xin trả lại quận. Trưởng phòng Kinh tế quận Đống Đa Lưu Thị Thúy Vân cho biết: quận mới chỉ tính đến việc lựa chọn doanh nghiệp đầu tư vào chợ, chứ chưa tính đến việc doanh nghiệp trả lại, nên xảy ra việc này quận đang lúng túng, chưa có phương án cụ thể.

Cần quy hoạch chợ theo nhu cầu

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái (thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách) cho biết, tình trạng chung hiện nay là sự suy giảm sức mua ở các chợ, vì người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn như trung tâm thương mai, siêu thị với hàng hóa có xuất xứ, an toàn và có thể giao dịch điện thoại. Đây cũng là rào cản lớn trong phát triển chợ truyền thống những năm gần đây. “ Trên quan điểm là một doanh nhân, tôi sẽ không đầu tư vào chợ, bởi chợ đa phần phục vụ những người dân có thu nhập thấp, nên tính thu kinh doanh thì cũng khó khăn đối với bà con. Vì thế, việc xây dựng, cải tạo, quy hoạch các chợ cần thực hiện theo hướng an sinh xã hội, tạo việc làm cho nhân dân, phù hợp với truyền thống lâu đời người Việt. Thực tiễn, đã có mô hình chợ kết hợp trung tâm thương mại, nhưng không hiệu quả khai thác, vì “tiến sĩ và ông đi cày” , trên thì bán hàng hiệu, dưới bày các sạp thịt, rau, củ, quả…là không ổn, trên thế giới không nước nào làm vậy. Vì thế, cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu, quy hoạch chợ truyền thống nên chỉ một tầng, không nên đầu tư dạng chợ kết hợp trung tâm thương mại.

Bà Phạm Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND thành phố, cho rằng, ngoài thương mại điện tử phát triển, chợ cóc cũng đang là rào cản phát triển chợ truyền thống. Vì thế, các quận, huyện, xã, phường cần phải giải tỏa triệt để chợ cóc, mới tạo cho chợ truyền thống phát triển ổn định. “Không cần thiết xã, phường nào cũng có chợ, mà phải kiểm định, đánh giá sát thực tế theo nhu cầu, thói quen của người dân khu  vực để quy hoạch, xây mới hoặc nâng cấp chợ; tránh làm quy mô lớn, cung lớn hơn cầu, không khai thác hết sẽ gây lãng phí”, bà Phạm Thị Thanh Mai nhấn mạnh.

Việc duy trì, phát triển chợ truyền thống là cần thiết, song cần phải nghiên cứu kỹ cung-cầu theo xu thế hiện nay, để đầu tư cho trúng, hiệu quả. Dù có chuyển đổi mô hình quản lý thì chợ phải dần theo hướng  tự hạch toán, nhà nước chỉ quy định khung giá thu từ các hộ kinh doanh. Chứ như hiện nay, nhiều chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội hình thành bộ máy Ban quản lý chợ từ 35 đến 90 nhân viên, nhà nước phải hỗ trợ thêm chi phí.


Tổng số chợ được đầu tư xây dựng và cải tạo nâng cấp trong giai đoạn 2011- 2016 trên địa bàn thành phố Hà Nội gồm: Xây dựng mới 43 chợ; xây dựng lại 16 chợ; cải tạo nâng cấp 95 chợ với tổng kinh phí hơn 3.000 tỷ đồng.


Hà Vy


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t