Đẩy mạnh quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn Thành phố (11:20 22/03/2017)


HNP - Chiều 21/3, Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP, do Trưởng ban Phạm Thị Thanh Mai làm Trưởng đoàn, đã làm việc với Sở Công thương về tình hình quản lý, hoạt động của các chợ trên địa bàn Thành phố.

Trưởng ban Phạm Thị Thanh Mai kết luận tại buổi giám sát


Báo cáo với đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho biết: Trên địa bàn Thành phố có 454 chợ, trong đó, có 15 chợ hạng 1; 65 chợ hạng 2; 311 chợ hạng 3 và 63 chợ chưa phân hạng. Về mô hình quản lý, có 55 chợ do Ban quản lý chợ quản lý; 239 chợ do Tổ quản lý chợ quản lý hoặc xã, phường, thị trấn trực tiếp quản lý; 102 chợ do doanh nghiệp quản lý (chiếm 22,4%); 58 chợ do hợp tác xã quản lý. Trong tổng số 454 chợ có khoảng 102 chợ kiên cố; 224 chợ bán kiên cố; 128 chợ lán tạm. Tổng diện tích đất chợ trên toàn Thành phố khoảng 170ha, với tổng số khoảng 90.000 hộ kinh doanh. 
 
Nhìn chung, cơ sở vật chất tại hầu hết các chợ chưa đảm bảo các điều kiện hoạt động về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đô thị… Tại hầu hết những chợ đã được đầu tư xây dựng lâu năm, cơ sở vật chất đều bị xuống cấp.
 
Về việc thu phí chợ trên địa bàn, trong giai đoạn 2011-2016: Các chợ thực hiện việc thu phí chưa thống nhất. Hiện nay, có 368/454 chợ có báo cáo về mức thu phí chợ. 276 chợ không được UBND các quận, huyện, thị xã báo cáo căn cứ thực hiện thu phí tại chợ.
 
Về công tác PCCC, có 277/454 chợ có hồ sơ theo dõi, phương án PCCC (chiếm khoảng 61%). Trong đó, có 100% các chợ tại khu vực thành thị (160 chợ) có hồ sơ theo dõi, phương án PCCC. Tại khu vực nông thôn, tất cả các chợ hạng 1 đều được hướng dẫn và thực hiện các quy định của nhà nước về PCCC. Tuy nhiên, theo đánh giá công tác đảm bảo PCCC tại chợ vẫn còn hạn chế, hàng năm, vẫn xảy ra các vụ cháy chợ gây thiệt hại lớn về tài sản.
 
Sở Công thương Hà Nội cũng đánh giá, công tác quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn vẫn gặp nhiều hạn chế như: một số quận, huyện, thị xã chưa thực hiện tốt công tác QLNN về chợ. Công tác kiểm tra VSATTP đối với chợ hạng 2 hoặc hạng 3 của một số quận, huyện của UBND TP còn chậm. Còn tồn tại mô hình xây dựng chợ chưa phù hợp chưa hiệu quả dẫn đến lãng phí đầu tư và búc xúc trong nhân dân (mô hình TTTM kết hợp chợ...). Công tác chuyển đổi mô hình chợ tương đối chậm, quy trình chuyển đổi một số chợ chưa công khai minh bạch nên dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện về chợ. Việc cải tạo nâng cấp, chống xuống cấp của UBND các huyện, thị xã còn chậm và nhiều hạn chế dẫn đến còn nhiều chợ xuống cấp không đảm bảo về PCCC, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường... chưa thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư, quản lý, kinh doanh, khai thác. 
 
Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, Trưởng đoàn giám sát Phạm Thị Thanh Mai đánh giá Sở Công thương đã có nhiều cố gắng trong việc quản lý nhà nước về chợ. Công tác thu hút đầu tư được thực hiện tốt, qua đó, đã huy động được nhiều nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư phát triển chợ. Công tác kiểm tra được tăng cường, nhất là kiểm tra về PCCC và ATTP. 
 
Tuy nhiên, đồng chí cũng chỉ ra rằng: hiện nay, nhiều chợ trên địa bàn Thành phố xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được các tiêu chí theo quy định. Việc phân hạng chợ không có quy chế rà soát, đánh giá lại tạo ra lỗ hổng về quản lý. Nhiều chợ không có báo cáo căn cứ thu phí nhưng Sở Tài chính và các quận, huyện, thị xã phụ trách cũng không nắm được căn cứ thu phí…
 
Trưởng đoàn giám sát Phạm Thị Thanh Mai đề nghị Sở Công thương cần thực hiện nghiêm các quy định trong quản lý nhà nước về chợ. Chỉ đạo các đơn vị tích cực thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ, đối với các chợ thực hiện theo mô hình ban quản lý trực thuộc quận, huyện, thị xã phải đảm bảo được việc tự chủ về tài chính. Báo cáo HĐND TP và UBND TP những điểm vướng mắc để tìm phương hướng giải quyết.
 
Đối với các dự án chậm triển khai, Trưởng đoàn giám sát đề nghị các sở, ngành liên quan phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã có dự án chậm triển khai tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để đưa dự án vào thực hiện. Dự án đã giao mà chủ đầu tư không có khả năng thực hiện phải kiên quyết thu hồi để tìm đơn vị có đủ năng lực thực hiện.

Quang Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t