Giám sát tình hình quản lý, hoạt động tại các chợ trên địa bàn quận Tây Hồ (21:05 16/03/2017)


HNP - Chiều 15/3, Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP, do Trưởng ban Phạm Thị Thanh Mai làm Trưởng đoàn, đã làm việc với quận Tây Hồ về tình hình quản lý, hoạt động của các chợ trên địa bàn quận.

Trưởng đoàn giám sát Phạm Thị Thanh Mai phát biểu kết luận tại buổi giám sát


Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết: Trên địa bàn quận Tây Hồ có 11 chợ, trong đó, có 6 chợ là chợ Phú Gia, Quảng An; Yên Phụ, Tứ Liên, Hoa Quảng An, chợ tạm Xuân La do Ban quản lý chợ quận quản lý;  05 chợ gồm chợ Bưởi, Nhật Tân, Tam Đa, chợ dân sinh Quảng An do các doanh nghiệp và HTX tổ chức quản lý, hoạt động bộ máy theo Luật Doanh nghiệp và Luật HTX 2012.
 
Quận Tây Hồ cũng thường xuyên quan tâm, chú trọng trong việc phát triển mạng lưới chợ. Chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác phòng, chống cháy nổ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tổ chức các đoàn kiểm tra các vấn đề trên tại các chợ trên địa bàn…
 
Qua thực tế hoạt động của các chợ trên địa bàn, quận Tây Hồ đánh giá, với mô hình Ban quản lý chợ quận thì sự phối hợp với các đơn vị liên quan được thực hiện linh hoạt và chủ động. Còn đối với mô hình doanh nghiệp, HTX bị hạn chế; khả năng đáp ứng yêu cầu, kiến nghị và cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước chưa đảm bảo; trách nhiệm của các chủ đầu tư được giao quyền quản lý, kinh doanh, khai thác chợ không thực hiện đúng theo cam kết và phương án dự thầu về công tác đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nâng cấp chợ; kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính.
 
Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức thực hiện quản lý, kinh doanh, khai thác chợ của các doanh nghiệp, HTX chưa quan tâm nhiều, không chủ động trong kế hoạch dài hạn về lĩnh vực phát triển ổn định kinh doanh chợ. Các doanh nghiệp, HTX tự quyết định thời gian đầu tư, qui mô xây dựng chợ và phương án quản lý, kinh doanh, khai thác chợ mới cũng như quyết định có hoặc không thực hiện đầu tư xây dựng mới… vì vậy, việc kéo dài kế hoạch dự án đầu tư xây dựng chợ ảnh hưởng tới quy hoạch phát triển mạng lưới chợ.
 
Với thực tế trên, quận Tây Hồ đề nghị UBND TP ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 12/ 2011/ QĐ-UBND ngày 09/3/2011 của UBND Thành phố về việc ban hành Quy định về quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ để các quận, huyện có căn cứ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả. Nghiên cứu, thay đổi việc phân cấp trong việc thu hút kêu gọi đầu tư (hiện nay đang giao Trung tâm xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch thực hiện). Đề nghị Sở Công thương Hà Nội tăng cường công tác quản lý đối với chợ hạng 1 (chợ Bưởi).
 
Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, Trưởng đoàn giám sát Phạm Thị Thanh Mai đánh giá quận Tây Hồ đã cơ bản làm tốt công tác quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn quận. Đồng chí đánh giá cao BQL chợ quận đã thực hiện tự chủ được và có kinh phí tái đầu tư và đề nghị quận cần rà soát lại quy hoạch về mạng lưới chợ trên địa bàn, đối với những điểm bất hợp lý kiến nghị thành phố sửa đổi, có quan điểm rõ ràng về mô hình kết hợp giữa chợ dân sinh và trung tâm thương mại. Tăng cường công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ tại các chợ… 
 
Đoàn đi khảo sát thực tế tại chợ Nhật Tân
 
*Chiều cùng ngày, đoàn đã đi khảo sát tình hình đầu tư, hoạt động, kinh doanh tại chợ Bưởi và chợ Nhật Tân. Qua khảo sát cho thấy, chợ Bưởi dưới sự đầu tư, quản lý của doanh nghiệp (Công ty cổ phần Chợ Bưởi) nhưng vẫn còn vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng hơn 2.000m2 đất để thực hiện giai đoạn 2 dự án; chợ còn rất nhiều gian hàng bỏ trống hoặc không kinh doanh gây lãng phí cơ sở vật chất; các hộ kinh doanh tại chợ chưa đóng tiền thuê diện tích kinh doanh từ năm 2007 - 2016, do đó, Công ty vẫn còn nợ thuế nhà nước.
 
Đối với chợ Nhật Tân do Công ty Cổ phần tập đoàn Đại Dương đầu tư, quản lý. Hiện nay, khu mái cầu chợ chính đã hư hỏng, cong vênh, thủng có nguy cơ gây mất an toàn từ sau sự cố cháy chợ vào tháng 12/2014. Quận đã yêu cầu Công ty đánh giá hiện trạng và xây dựng phương án để cải tạo, sửa chữa, bố trí chợ tạm nhưng đến nay Công ty vẫn chưa thực hiện, chưa khắc phục được tình trạng nêu trên.
 
Từ thực tế trên, Trưởng đoàn giám sát đề nghị các sở, ngành, quận Tây Hồ rà soát lại quy hoạch chợ Bưởi để có phương án xử lý với hơn 2.000m2 đất chưa thu hồi. Công ty CP Chợ Bưởi phối hợp cùng Quận tiến hành đối thoại với các hộ kinh doanh để giải quyết các vấn đề về thuê diện tích kinh doanh.
 
Đối với chợ Nhật Tân, đồng chí Phạm Thị Thanh Mai cho biết: cử tri quận đã kiến nghị rất nhiều tại các buổi tiếp xúc, đến nay, quận quyết liệt chỉ đạo cải tạo chợ nhưng chưa hiệu quả do chủ đầu tư không quyết liệt. Đồng chí đề nghị quận Tây Hồ xem xét, nếu doanh nghiệp không đủ năng lực để thực hiện thì phải mạnh dạn thu hồi, lựa chọn nhà đầu tư khác để thực hiện.

Quang Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t