Nỗ lực xây dựng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo (14:19 31/03/2021)


HNP - Ngày 29/3, Thành ủy Hà Nội ban hành Thông báo số 195-TB/TU về kết luận của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, tại buổi làm việc với Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.

Theo đó, để phát triển toàn diện, bền vững trong thời gian tới, Đảng ủy, Hội đồng và Ban Giám hiệu Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cần tư duy về chiến lược phát triển của nhà trường, trong đó, xác định mục tiêu ưu tiên phải xây dựng nhà trường thực sự là một trường đại học đạt chuẩn có bản sắc riêng của Thủ đô Hà Nội, có khả năng đáp ứng được yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao của thành phố và khu vực đồng bằng sông Hồng; định hướng phát triển đa ngành nhưng phải tập trung phát huy các ngành truyền thống, cốt lõi mà nhà trường có thế mạnh như sư phạm, văn hóa, du lịch…; nghiên cứu xây dựng lộ trình mở các ngành mới trên cơ sở đánh giá đúng, đủ nhu cầu của thành phố và xã hội, dựa trên nền tảng các ngành thế mạnh đã có và phù hợp với năng lực đội ngũ của nhà trường; đặc biệt, phải gắn kết sự phát triển của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội với sự phát triển của thành phố.
 
Trước mắt, trong giai đoạn 2021-2025, Đảng ủy, Hội đồng, Ban Giám hiệu, cán bộ, giảng viên, người lao động Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quan điểm, chủ trương lớn được nêu tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và 10 chương trình công tác của Thành ủy (nhất là Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025” và Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”); đồng thời, đặt ra các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ gắn với một số mốc thời gian quan trọng để phấn đấu thực hiện như: Kỷ niệm 10 năm Trường lên Đại học và 65 năm Ngày thành lập Trường.
 
Trong đó, cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục đổi mới phương thức đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động chất lượng cao. Đổi mới công tác tuyển sinh phù hợp với thực tế, nhu cầu việc làm và nhu cầu của nhà tuyển dụng. Tiếp tục mở rộng quy mô đào tạo ở tất cả các trình độ đào tạo; tập trung vào các ngành mà thành phố ưu tiên phát triển; phát triển quy mô phải đi đôi với việc bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo, giữ vững thương hiệu, nhất là đối với các ngành sư phạm truyền thống của nhà trường. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Triển khai một số chương trình đào tạo trình độ Đại học và Thạc sĩ có người học là người nước ngoài, nhất là các ngành đào tạo về văn hóa, truyền thống lịch sử của Việt Nam, Hà Nội. Tăng cường công tác đảm bảo chất lượng giáo dục, tiên tới kiểm định theo tiêu chuẩn Việt Nam, khu vực và quốc tế.
 
Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nhà trường gắn với Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII. Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học gắn với những vấn đề cấp bách của thành phố và khả năng ứng dụng vào thực tiễn cao. Tích cực phối hợp với các viện nghiên cứu, các địa phương để thực hiện các đề tài nghiên cứu theo nhu cầu về nhiệm vụ khoa học, công nghệ; tăng cường tổ chức các hội thảo khoa học cấp trường, cấp thành phố. Cán bộ, giảng viên nhà trường tăng cường viết bài trên báo, tạp chí khoa học có uy tín trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của nhà trường. 
 
Đầu tư, sử dụng hợp lý 5% tổng nguồn thu để đầu tư khoa học công nghệ và thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động của nhà trường. Hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, chú trọng trong các lĩnh vực khoa học giáo dục; khoa học cơ bản và công nghệ. Nuôi dưỡng và phát triển các ý tưởng đổi mới sáng tạo, xây dựng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo của thành phố; đẩy mạnh mô hình gắn kết trường đại học với các doanh nghiệp nhằm phát huy hiệu quả tri thức và kết quả nghiên cứu khoa học; tích cực tham gia “Mạng lưới sáng kiến Thủ đô”.
 
Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên đáp ứng yêu cầu xây dựng trường đại học đa ngành chất lượng cao; trong đó, chú trọng xây dựng đội ngũ các ngành ngoài sư phạm, các ngành mới đào tạo, các ngành cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô và đất nước; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy trong lĩnh vực khoa học giáo dục và khoa học cơ bản. Có chính sách thu hút và sử dụng nhân tài, nguồn trí thức chất lượng cao về công tác tại Trường nhằm nâng cao tỷ lệ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu có học hàm, học vị cao. Đồng thời, tập trung đào tạo nâng cao trình độ với những ngành Trường mới mở, sắp mở nhằm chuẩn bị nhân lực cho đào tạo đa ngành.
 
Tăng cường bồi dưỡng phát triển chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt chú trọng bồi dưỡng quản lý giáo dục bậc đại học cho đội ngũ chuyên viên khối hành chính và phương pháp giảng dạy đại học cho giảng viên theo hướng tương tác mạnh và hiện đại, gắn chặt giữa lý thuyết với kiến thức thực tiễn. Ngoài giảng viên cơ hữu, cần tập trung xây dựng đội ngũ chuyên gia thỉnh giảng, cộng tác viên, nhà khoa học có uy tín. Phấn đấu đến năm 2025, đội ngũ cán bộ giảng viên chiếm tối thiểu 80%, đội ngũ quản lý và cán bộ gián tiếp chiếm 20% tổng số cán bộ viên chức, người lao động của nhà trường.
 
Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 19-NQ/TƯ của Trung ương (khóa XII); đẩy mạnh tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định; nghiên cứu, xây dựng các quy định theo hướng tự chủ về bộ máy tổ chức trên cơ sở phù hợp với mức độ tự chủ về tài chính. Rà soát, xây dựng lộ trình tự chủ về tài chính theo hướng phấn đấu giữ ổn định ở mức khoảng 50% tự chủ chi thường xuyên trong 3 năm (2021-2023), sau đó lần lượt từng bước tự chủ 100% chi thường xuyên, tiến tới tự chủ một phần chi đầu tư và tự chủ 100% chi đầu tư. Rà soát, điều chỉnh mô hình hoạt động theo thông lệ phát triển của các trường đại học trên thế giới; đổi mới quản trị đại học gắn với xu hướng chuyển đổi số.
 
Phát triển các loại hình dịch vụ đào tạo gắn với chức năng, nhiệm vụ của nhà trường; trong đó chú trọng khai thác nhiệm vụ đào tạo lại, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên của thành phố, tạo nguồn kinh phí cho nhà trường. Đa dạng hóa nguồn tài chính, mở rộng và nuôi dưỡng tốt các nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hoạt động dịch vụ khác; thành lập thêm một số tổ chức hoạt động kinh tế, dịch vụ (như doanh nghiệp trong trường đại học) để vừa tạo môi trường thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, vừa tăng nguồn thu cho các hoạt động của Trường để tiến tới thực hiện tự chủ 100% chi thường xuyên và nâng cao mức sống của cán bộ, viên chức, người lao động của nhà trường; đồng thời nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách về tài chính để tạo động lực cho các đơn vị.
 
Khai thác triệt để các nguồn lực để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, cải thiện môi trường làm việc; trước mắt, ngân sách thành phố sẽ tập trung đầu tư cơ sở vật chất bước đầu, tạo tiền đề phát triển và động lực thu hút các nguồn lực khác cho Trường. Nghiên cứu, xây dựng đề án mở rộng và phát triển cơ sở vật chất xứng đáng với vị thế trường đại học duy nhất của thành phố theo hướng tiên tiến, hiện đại, thông minh, xác định rõ nơi đặt trụ sở chính, nơi tổ chức hội nghị, hội thảo, đối ngoại, nơi tổ chức đào tạo các trình độ đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, nơi xây dựng hệ thống trường thực hành sư phạm...
 
Đẩy mạnh hợp tác phát triển, mở rộng hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực hợp tác trong hợp tác phát triển với các đối tác trong và ngoài nước. Nghiên cứu xây dựng các chương trình đào tạo tiên tiến, chương trình đào tạo hợp tác trao đổi sinh viên trong nước và quốc tế. Tăng cường liên kết đào tạo, tổ chức trao đổi kinh nghiệm với các trường trong và ngoài nước để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ giảng dạy. Đặc biệt, trên cơ sở thỏa thuận hợp tác ký kết với Đại học Quốc gia Hà Nội tại hội nghị, đề nghị Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tích cực phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội triển khai ngay kế hoạch cụ thể để thực hiện thỏa thuận hợp tác này một các hiệu quả. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị của thành phố trong các hoạt động chung của thành phố.
 
Tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng cơ quan, đoàn thể trong sạch, vững mạnh. Luôn coi lãnh đạo công tác giáo dục tư tưởng chính trị là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ để đảm bảo giữ vững ổn định về tư tưởng chính trị, xây dựng tập thể đoàn kết, gắn bó, thống nhất, môi trường đào tạo thực sự văn hóa, văn minh. Quán triệt, xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng thành phố, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy (khóa XVII). Thực hiện nghiêm túc Quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường nắm bắt, giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đối với cán bộ, giảng viên, người lao động và sinh viên.

Minh Châu


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t