Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế (21:14 13/10/2020)


HNP - Ngày 8/10, Thành ủy Hà Nội ban hành Kế hoạch số 210-KH/TU, về triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 15/1/2019, của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.

Theo kế hoạch, đối với nguồn nhân lực, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025: Tỷ lệ lao động làm việc đã qua đào tạo đạt 75-80%; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 12%; khắc phục cơ bản tình trạng mất cân đối cung - cầu nhân lực trên địa bàn thành phố; thiết lập hệ thống sắp xếp công việc dựa trên vị trí việc làm, củng cố hệ thống chức nghiệp thực tài.
 
Đến năm 2035, tỷ lệ lao động làm việc đã qua đào tạo đạt 80-85%; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 10%; phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, có đội ngũ nhân lực khoa học, công nghệ, chuyên gia đầu ngành tương đương trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực.
 
Đến năm 2045, tỷ lệ lao động làm việc đã qua đào tạo đạt 85-90%; duy trì tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 7%; năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nhân lực Thủ đô đạt mức trung bình trở lên so với các nước ASEAN-4. Đối với nguồn vật lực, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025: Triển khai đồng bộ cơ chế, chính sách, công cụ thúc đẩy quản lý, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản phù hợp với thực tế quy mô và hiệu quả đầu tư; xây dựng mới và duy trì vận hành mạng lưới trạm quan trắc tài nguyên môi trường hiện có. 
 
Cùng với đó, xây dựng thủ đô Hà Nội xanh, sạch, đẹp, văn minh. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị được cải tạo và xây dựng đồng bộ, hiện đại, có tính lan tỏa, liên kết vùng, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn thành dứt điểm các công trình có tính chất cấp bách, trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, nâng cấp hạ tầng kết nối giữa các huyện, thị xã và kết cấu hạ tầng đô thị.
 
Đến năm 2035, triển khai hiệu quả các công cụ điều tiết thị trường quyền sử dụng đất theo quy định, bảo đảm khoảng 99% diện tích đất tự nhiên được đưa vào khai thác, sử dụng; kiểm soát tình hình ô nhiễm nguồn nước; phục hồi 25% diện tích hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái; hoàn thiện hệ thống mạng quan trắc tài nguyên, môi trường của thành phố theo hướng tự động hoá; hoàn thành việc xây dựng đồng bộ cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường và hệ thống thông tin giám sát tài nguyên của thành phố; bảo đảm hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận tiện, nhanh chóng giữa các quận, huyện, thị xã và đến các tỉnh, thành phố lân cận.
 
Đến năm 2045, chủ động ngăn ngừa, hạn chế tình trạng suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên; hoàn thiện cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối thông suốt, tương đương với Thủ đô của các nước phát triển.
 
Đối với nguồn tài lực, đến năm 2025: Duy trì nền tài chính thành phố minh bạch, bền vững, bảo đảm các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô. Về thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, tập trung đẩy mạnh quản lý, nuôi dưỡng và khai thác các nguồn thu trên địa bàn (đặc biệt các nguồn thu mang tính chất ổn định, bền vững như từ thuế, phí...), tăng dần tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước (trong đó, tỷ trọng thu nội địa chiếm trên 90% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn). Về chi ngân sách địa phương, từng bước cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, phấn đấu duy trì tỷ trọng chi thường xuyên ở mức khoảng 50% tổng chi ngân sách địa phương; tập trung nguồn lực, bố trí chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước ở mức hợp lý, nâng cao vai trò định hướng trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ các hình thức đầu tư ngoài ngân sách nhà nước để tăng nguồn lực đầu tư toàn xã hội; kết hợp với nâng cao chất lượng quản lý đầu tư để tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách.
 
Về nợ công, sử dụng nợ công phải phát huy hiệu quả, đảm bảo mức dư nợ vay của ngân sách thành phố trong giới hạn an toàn theo quy định để dành cho đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn; bảo đảm cân đối nguồn lực để chi trả nợ đầy đủ các khoản gốc, lãi, phí và chi phí khác liên quan đến khoản vay khi đến hạn. Hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước; hoàn thành di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, cơ sở phải di dời theo quy hoạch đã được phê duyệt trên địa bàn thành phố. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội đạt 50%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 40%; quyết liệt giảm tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp xuống dưới mức bình quân cả nước.
 
Đến năm 2035, đảm bảo duy trì tỷ trọng thu nội địa chiếm trên 90% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội đạt 70%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 50%; tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thấp hơn mức bình quân cả nước.
 
Đến năm 2045, đảm bảo duy trì tỷ trọng thu nội địa chiếm trên 90% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội đạt 80%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 60%; tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thấp hơn mức bình quân cả nước.
 
Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, Thành ủy Hà Nội triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp của kế hoạch, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch, đề án công tác và triển khai thực hiện.

H. Hạnh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t