Nhiều nhiệm vụ, giải pháp liên kết “4 nhà” trong xử lý nước thải, chất thải, rác thải ở nông thôn (16:46 10/10/2020)


HNP - Ngày 7/10, Thành ủy Hà Nội ban hành Thông báo số 2875-TB/TU, kết luận của đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng BCĐ Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy, tại Hội thảo liên kết “4 nhà” về xử lý nước thải, chất thải, rác thải ở khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố.

Theo đó, Thành ủy đề nghị Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các xã: Rà soát, nghiên cứu tham mưu thành phố ban hành chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường trong xử lý môi trường trên địa bàn thành phố, nhất là khu vực nông thôn. Đổi mới tư duy mang tính đột phá để tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động các nguồn lực từ xã hội, cùng chung tay trong công tác bảo vệ môi trường.
 
Tiếp tục nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt tại một số huyện như: Thanh Trì, Thường Tín, Đan Phượng, Hoài Đức... để xây dựng các khu, cụm dân cư nông thôn văn minh - sáng - xanh - sạch - đẹp, tăng tỷ lệ cây xanh trên một đơn vị diện tích khu dân cư nông thôn; tăng mật độ và đa dạng hóa các mô hình trồng cây xanh ven đường, tăng cường trồng hoa tại các khu vực công cộng, đặc biệt là các khoảng đất trống có nguy cơ hình thành các điểm tập kết rác thải.
 
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp, nhất là các cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện; thường xuyên kiểm tra, rà soát, nâng cấp các hệ thống xử lý cũ không đáp ứng yêu cầu thay thế bằng hệ thống xử lý công nghệ mới thân thiện với môi trường; lắp đặt hệ thống quan trắc theo dõi về chất lượng môi trường tại các cụm công nghiệp.
 
Đối với các làng nghề, đề nghị tập trung đánh giá tác động môi trường của các làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng và đưa ra giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu ô nhiễm bằng công nghệ mới; nghiên cứu, quy hoạch, mở rộng cụm công nghiệp làng nghề để đưa các hộ sản xuất ra khỏi khu dân cư; đưa công nghệ mới xử lý chất thải rắn và nước thải của các làng nghề nhằm giảm thiểu ô nhiễm từ đầu nguồn sản xuất.
 
Đối với rác thải sinh hoạt: phải được phân loại từ đầu nguồn và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Hỗ trợ công cụ, thiết bị thu gom, phân loại cho các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị, trường học; khu vực công cộng; các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Hỗ trợ vật tư thiết yếu đối với các hộ tự xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình; hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ chức, cá nhân để xây dựng cơ sở hạ tầng, thu gom, xử lý chất thải hữu cơ làm phân bón trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất, công nghệ thân thiện với môi trường để thu gom, xử lý chất thải tái chế được để tiếp tục tái sử dụng đem lại hiệu quả thiết thực. Đối với nước thải sinh hoạt, hỗ trợ các thiết bị, tiến bộ kỹ thuật mới để xử lý nước thải vệ sinh, nước thải sinh hoạt trước khi xả thải ra môi trường. Rà soát, quy hoạch các điểm thu gom và xử lý tập trung theo quy mô xã, liên xã để xử lý đảm bảo nước thải đạt quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường.
 
Các sở, ngành thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng chương trình, kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng môi trường khu vực nông thôn. Trong đó, Sở NN&PTNT, Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng các mô hình thí điểm về ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới đối với làng nghề để giảm thải chất thải gây ô nhiễm môi trường từ đầu nguồn sản xuất và nâng cao giá trị và hiệu quả cho đơn vị sản xuất; ứng dụng công nghệ thu gom cơ bản chất thải rắn và xử lý chất thải rắn trong chăn nuôi lợn; xây dựng mô hình phân loại rác tại nguồn và tái chế chất thải hữu cơ làm phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp; mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình; ứng dụng mô hình chuỗi sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, khép kín. Báo cáo đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm để làm cơ sở nhân ra diện rộng phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.
 
UBND các quận, huyện, thị xã và các xã tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong hệ thống chính trị tại cơ sở, sự vào cuộc và nhận thức người dân trong thực hiện các giải pháp về bảo vệ môi trường tại khu dân cư và trong đời sống hằng ngày; cần xác định việc cải tạo cảnh quan, môi trường khu vực nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới… Từ đó, có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả giúp cải thiện và khôi phục chất lượng môi trường, tạo cảnh quan vùng nông thôn Thủ đô sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh.
 
Học viện Nông nghiệp Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học “Cơ sở khoa học và thực tiễn phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2045” làm nền tảng, cơ sở khoa học để Thành ủy chỉ đạo xây dựng chương trình công tác về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Thành ủy trong nhiệm kỳ tới.
 
Các doanh nghiệp là đơn vị có điều kiện tiếp cận khoa học công nghệ lớn và dễ dàng nhất trong “4 nhà”, vì vậy, phải thực sự là “đầu tàu”, giữ vai trò quan trọng liên kết “4 nhà”, phát huy vai trò hỗ trợ đầu vào và thu mua sản phẩm cho nông dân, từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản của Thủ đô; các doanh nghiệp cần chung tay với chính quyền chia sẻ, hỗ trợ về công nghệ cho người nông dân để đầu tư các hệ thống hạ tầng trong sản xuất tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường. Cùng với chính quyền địa phương xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải làng nghề, chất thải trong sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn nói riêng và môi trường thành phố nói chung.
 
Liên quan đến nhiệm vụ trên, Hội Nông dân thành phố Hà Nội tăng cường công tác tuyên truyền, động viên, là đầu mối hướng dẫn, hỗ trợ hội viên Hội Nông dân và nông dân đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp, thường xuyên cập nhật thông tin, liên kết, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các nhà đầu tư có uy tín trong việc học tập, nghiên cứu, áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, tiến bộ, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vừa bảo đảm chất lượng, năng suất và bảo vệ môi trường. Tích cực tham gia phân loại rác tại nguồn, nhân rộng mô hình vệ sinh đường làng ngõ xóm, trồng cây, hoa, làm đẹp cảnh quan môi trường nông thôn.
 
Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Thành đoàn Hà Nội cần phát huy hơn nữa vai trò là cầu nối giữa chính quyền và người nông dân, nâng cao hơn nữa ý thức tự giác của người nông dân trong việc bảo vệ môi trường.

H. Hạnh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t