Tập trung cao độ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm phát triển nông nghiệp, nông thôn (09:38 21/05/2020)


HNP - Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 2588-TB/TU, kết luận của đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực, Trưởng BCĐ Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy tại hội nghị giao ban 4 tháng đầu năm 2020.

Sau khi nghe báo cáo của Thường trực Ban Chỉ đạo và ý kiến thảo luận của các đại biểu, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng BCĐ Chương trình ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở, sự tham gia tích cực của nhân dân, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động toàn diện tới kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đời sống của nhân dân.

Về nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân Thủ đô từ nay đến hết năm 2020, trong đó, đối với phát triển nông nghiệp, thành phố đạt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng 4,12% trở lên. Cùng với đó, phát huy thế mạnh của từng địa phương, có giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, trọng tâm là các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; tăng cường ứng dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp nhằm tăng năng suất lao động; làm tốt việc phát triển thị trường, tạo cơ hội mới cho sản phẩm nông nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách TTHC để thu hút đầu tư cho nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; các địa phương rà soát lại, khai thác triệt để tài nguyên đất, hạn chế để ruộng đất bỏ hoang, lãng phí tài nguyên. Thực hiện các dự án trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đảm bảo phát triển bền vững; xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch; tăng cường liên doanh, liên kết giữa các tổ chức, cá nhân từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường công tác kiểm dịch động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ, vệ sinh ATTP; công tác giám sát phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT.

Trong xây dựng NTM: Tiếp tục tập trung, tăng cường và đa dạng hóa phương pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm xây dựng NTM. Tổ chức triển khai thực hiện xây dựng NTM đảm bảo chất lượng, bền vững, hiệu quả, gắn kết với phát triển du lịch và phát triển đô thị, phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đến nay, ngoài thị xã Sơn Tây đã hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND thành phố trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, còn 5 huyện: Thạch Thất, Phúc Thọ, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên tập trung hoàn thành tiêu chí chưa đạt, phấn đấu hoàn thiện hồ sơ trình UBND thành phố trước ngày 30/6/2020; các huyện Sóc Sơn, Chương Mỹ, Mê Linh trình UBND thành phố trước ngày 30/8/2020 để thành phố thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận. Phấn đấu đến cuối năm 2020, toàn thành phố có thêm từ 5-6 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn NTM .

Về nâng cao đời sống nông dân: Tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến công đào tạo nghề theo đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009, của Thủ tướng Chính phủ. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thu hút nguồn lao động cho nông nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình của thành phố về giảm nghèo, phát triển và mở rộng sản xuất trong các cụm, điểm công nghiệp, làng nghề nông thôn để giải quyết việc làm cho nông dân, thúc đẩy chuyển dịch lao động nông thôn... Hỗ trợ, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, liên kết đầu tư, mở rộng sản xuất để nâng cao thu nhập. Thực hiện khẩn trương, đúng đối tượng, đúng quy định các gói hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã; các gói tín dụng cho cá nhân và doanh nghiệp theo chỉ đạo của thành phố. Đảm bảo chi tiêu về tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch tiêu chuẩn đô thị.

Đối với Chương trình mỗi xã một sản phẩm: Tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình OCOP. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình OCOP trong năm 2020, trong đó các quận, huyện, thị xã tập trung đánh giá, xếp hạng các sản phẩm theo kế hoạch thành phố phân bổ và theo đăng ký năm 2020 (khoảng 875 sản phẩm); chia thành các nhóm cụ thể: Nhóm đã hoàn thành hồ sơ và đủ điều kiện thì tổ chức thẩm định và công nhận ngay; nhóm khả thi thì đẩy nhanh tiến độ thực hiện; nhóm tiềm năng thì đầu tư hoàn thiện điều kiện. Tập trung hoàn thiện hồ sơ các sản phẩm đăng ký cấp Trung ương. Đối với 10 quận và 2 huyện chưa đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cần tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các chủ thể tham gia Chương trình đề nghị thành phố công nhận sản phẩm OCOP trong năm 2020. Tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Tăng cường công tác xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng Online...


H. Hạnh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t